Rừng tràm U Minh Hạ căng mình lo phòng cháy
Được phép của chốt trưởng 2796, tôi leo lên chòi canh nằm cạnh đó, cao 17m. Dù nay đã được thay bằng cốt thép nhưng tôi vẫn cảm giác những chiếc chòi canh vẫn quá mong manh giữa bốn bề là tràm, rộng đến hàng mấy chục ngàn hecta. Thang lên chòi canh hẹp, chỉ vừa đủ một người leo. Tôi được anh Phú, 30 tuổi, nhân viên hợp đồng giữ rừng tại chốt 2796 kể cho tôi biết thêm: “Hồi trước chòi canh được làm bằng thân cây tràm. Ai không quen, leo lên nó sàn qua, sàn lại run lắm. Giờ thì sướng rồi…”.
Điều mà những người canh rừng như Phú cho là “sướng” thực ra chỉ là chỗ chiếc chòi canh được “sắt hóa” để đảm bảo an toàn thôi chứ mấy ai căng mắt canh rừng mà nói sướng. Sướng gì khi mỗi ngày, công việc của họ bắt đầu từ tờ mờ sáng, rồi cứ mỗi 2 tiếng đồng hồ, thay ca nhau leo lên chòi canh rừng cho tới 9h tối. Lên chòi canh, họ không có ống nhòm mà chỉ nhìn bằng mắt thường. Hễ thấy có khói dựng lên là báo động; hoặc thông báo cho chốt lân cận nếu cho rằng đó không thuộc phạm vi của chốt mình. Mỗi chốt canh thường có 1 chốt trưởng và 3 nhân viên hợp đồng theo thời vụ.
Tôi theo một tổ công tác của Vườn quốc gia lội vào một cánh rừng già. Dù đã có lối mòn nhưng thật vất vả vì chân tôi bị vướng bởi đám bùng nhùng của dây choạy – loại dây phổ biến ở U Minh Hạ. Mùa này, chúng bị thiếu nước nên khô lá, ngã rạp, sẵn sàng làm “mồi bén” cho… “bà hỏa”. Phía dưới đám dây choạy này là lớp bổi, chủ yếu là lá tràm khô khốc và lớp than bùn, có nơi dày hơn cả mét. Một cán bộ cho biết, cháy bên trên thì rất dễ dập tắt. Còn lửa cháy luồn dưới lớp bổi này, hay sâu dướp lớp than bùn là thiệt hại khôn lường. Anh kể, đợt cháy gây hậu quả nặng nề cách đây 10 năm là do vừa cháy trên, vừa cháy dưới…
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau Lê Văn Hải lo lắng cho biết, hiện trên toàn lâm phần rừng tràm U Minh Hạ có 42.414ha báo động cháy cấp 4 và 5 – cấp cực kỳ nguy hiểm, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Từ đầu mùa khô đến nay đã xảy ra 19 vụ cháy rừng, chủ yếu trên phần đất rừng sản xuất của hộ dân; nhờ phát hiện sớm, dập tắt kịp thời nên thiệt hại không đáng kể.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau kiểm tra công tác an toàn phòng cháy rừng tràm U Minh Hạ. |
Qua gần một ngày ở trong rừng, tôi được biết thêm, cái khó hiện nay là dân cư sống trên lâm phần khá đông (hơn 6.000 hộ), đời sống còn gặp nhiều khó khăn, một bộ phận người dân còn bám vào rừng ăn ong, bắt cá. Các đơn vị quản lý rừng cho biết, năm nay lượng ong về làm tổ nhiều, mật ong lại có giá (trên 200.000 đồng/lít), từ đó nhiều người lén lút vào rừng lấy mật ong. Trong số những vụ cháy rừng từ đầu mùa khô này đến nay, có hơn chục vụ do ăn ong. Mùa khô cũng là thời điểm bà con vùng đệm thường xuyên đốt đồng để cải tạo đất, chuẩn bị vào vụ lúa mới.
Nhiều tuyến kinh trong rừng do ít được nạo vét, nắng nóng liên tục mấy tháng qua đã làm cạn khô, gây khó khăn cho việc lưu thông, vận chuyển phương tiện chữa cháy và cung cấp nước phục vụ cho công tác phòng, chống cháy rừng.
Tình hình như thế nên từ trung tuần tháng 3/2013, chính quyền tỉnh Cà Mau đã cho đóng cửa rừng, toàn bộ lâm phần rừng tràm U Minh Hạ sẽ được áp dụng quy chế bảo vệ nghiêm ngặt. Theo đó, nghiêm cấm người không có phận sự vào rừng; người có trách nhiệm vào rừng không được mang theo các chất, vật dụng gây cháy. Hạn chế đón khách tham quan, du lịch; ai muốn vào phải được phép của chính quyền hoặc lâm ngư trường...
Cách nay mấy hôm, khi vào thăm, động viên tinh thần các lực lượng làm nhiệm vụ canh, giữ rừng, ông Dương Thanh Bình - Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đề nghị cần đề cao vai trò, trách nhiệm, tinh thần cảnh giác, kể cả khi bắt đầu có mưa. Ông yêu cầu các lực lượng phải thường xuyên kiểm tra, canh phòng, nâng cao tính chủ động và cơ động trong phối hợp trên tinh thần quản lý chặt, phát hiện sớm, dập tắt kịp thời. Trong công tác tuyên truyền, ông lưu ý phải đến từng đối tượng, đặc biệt là những hộ dân sống trong và ven rừng, làm sao cho bà con hiểu rằng giữ rừng không chỉ là bảo vệ môi trường sống, “lá phổi xanh” của chúng ta mà còn là bảo tồn giá trị văn hóa, kinh tế, vì Vườn Quốc gia U Minh Hạ là khu dự trữ sinh quyển thế giới.Về lâu dài, ông Bình yêu cầu các cấp, ngành, địa phương cần sớm bố trí, ổn định cuộc sống người dân đang sống dưới tán rừng. Vì chỉ khi cuộc sống ổn định, không phụ thuộc vào rừng thì ý thức việc bảo vệ và phát triển rừng sẽ được nâng lên, cùng cộng đồng trách nhiệm. “Dân không cùng chung tay bảo vệ thì dù chúng ta có đầu tư lớn đến mức nào cũng khó mà giữ vững màu xanh của rừng” – ông Bình khẳng định