Sách giáo khoa phân ban môn ngữ văn lớp 10: Chưa đáp ứng yêu cầu

13:29 03/07/2006
Lâu nay, Bộ GD-ĐT đang hô hào thực hiện giảm tải chương trình cho các cấp học từ tiểu học cho đến phổ thông. Thế nhưng, bộ sách giáo khoa phân ban (SGKPB) Ngữ văn lớp 10 lần này không những không hề được giảm mà còn tăng về số tiết học trong năm.

Nếu như chương trình SGK cũ phân phối 132 tiết/năm thì với chương trình phân ban, chương trình ban cơ bản là 105 tiết/năm, chương trình nâng cao là 140 tiết/năm. Không những tăng về số tiết, xét về mặt nội dung, bên cạnh một số bài của sách cũ được giữ nguyên thì các tác giả còn đưa thêm vào chương trình nhiều tác phẩm mới.

Ví dụ, về Ca dao, ở chương trình SGK cũ phân bổ 2 tiết, 1 tiết cho bài "Những câu hát tình nghĩa", 1 tiết cho bài "Những câu hát than thân" thì ở chương trình SGK mới của ban cơ bản ngoài 2 tiết ấy còn thêm 1 tiết "Ca dao hài hước", ở SGK mới chương trình nâng cao cũng tương tự như thế.

Có lẽ, các nhà viết sách đã cố gắng để học sinh có thể được tiếp cận với hầu hết các tác phẩm hay nền văn chương Đông - Tây, kim - cổ nên đã quá ôm đồm chăng? Dẫu sao thì chương trình mới vẫn rất nặng, không thể hiện được tinh thần giảm tải do chính Bộ GD-ĐT đề ra.

Cơ bản và nâng cao: Vênh nhau

Hai bộ sách tồn tại song song, một bộ dành cho Ban Khoa học - Xã hội và Nhân văn gọi là bộ sách Nâng cao, còn bộ kia cho học sinh học ban cơ bản và Ban Khoa học tự nhiên gọi là chương trình cơ bản. Bộ Nâng cao do thầy Trần Đình Sử tổng chủ biên, còn bộ kia do thầy Phan Trọng Luận làm tổng chủ biên. Nội dung của hai bộ sách này có rất nhiều điểm vênh nhau về cả quan điểm, cách trình bày cũng như nội dung kiến thức.

Đến nỗi mà các giáo viên cốt cán phải kêu trời rằng: "Giá như hai thầy chịu khó ngồi lại mà tham khảo ý kiến nhau trước khi viết sách thì đỡ khổ cho giáo viên biết mấy! Sách viết thế này làm sao mà dạy!". Xin đơn cử vài trường hợp: Bài "Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật", ở mục II, Đặc trưng của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, ở chương trình cơ bản, các nhà biên soạn đưa ra 3 đặc trưng: 1- tính hình tượng, 2- tính truyền cảm, 3- tính cá thể hóa. Còn ở chương trình nâng cao lại đưa ra 3 đặc điểm khác: 1- tính thẩm mỹ, 2- tính đa nghĩa, 3- dấu ấn riêng của tác giả.

Chưa bình luận đúng sai, chỉ xét trên góc độ giáo viên đứng lớp, nếu một giáo viên dạy 2 lớp 10 gồm 1 lớp học chương trình cơ bản, lớp kia theo chương trình nâng cao thì sẽ xử lý như thế nào với bài học trên? Chẳng lẽ lại đi nói với học sinh rằng: có hai loại ngôn ngữ nghệ thuật, một loại theo kiểu cơ bản, một loại theo kiểu nâng cao?! Lại còn khi thi cử, sẽ xử lý như thế nào?

Cũng từ sự so sánh như trên, ta thấy được rất nhiều khái niệm, thuật ngữ được dùng không thống nhất. Cùng một bài nhưng ở sách Nâng cao là "Đặc điểm của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết", ở sách Cơ bản lại là "Đặc điểm của văn bản nói và văn bản viết"… Đó là chưa kể, cũng một bài nhưng ở sách này thì viết kỹ, còn sách kia thì sơ sài…

Có kịp sửa chữa?

Tại lớp tập huấn giáo viên cốt cán của 11 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên do Trường Đại học Sư phạm Huế tổ chức từ ngày 13 đến 18-6 vừa qua, trước phản ứng từ phía giáo viên, các giảng viên có trách nhiệm hứa sẽ chuyển các ý kiến phản hồi lên Bộ GD-ĐT. Nhưng chính họ, những người có nhiệm vụ truyền đạt nội dung đổi mới của SGKPB cũng tỏ ra hoài nghi: thay đổi SGK là việc rất khó!

Theo một giáo viên Trường THPT Trần Phú (TP Đà Nẵng) thì suốt 3 năm qua, hè nào Bộ cũng gọi giáo viên của 45 trường THPT trong cả nước có thực hiện thí điểm phân ban đi tập huấn và lần nào giáo viên cũng phê bình, góp ý nhưng cho đến nay thì sách vẫn nguyên như cũ. Lần này cũng vậy, góp ý thế nhưng theo một số thông tin thì SGKPB của năm học tới đã được in xong(?).

Nếu đúng như vậy thì trong năm học tới, giáo viên và học sinh trong cả nước bắt đầu được nếm thử những khó khăn, vất vả do chương trình cải cách mang lại. Yếu tố đầu tiên quyết định tới kết quả đổi mới phương pháp dạy học chính là SGK, nhưng với chương trình SGK như thế, liệu có đem lại hiệu quả như mong muốn? Để trả lời câu hỏi đó, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Bộ GD-ĐT

Tuấn Thiện

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文