Sâm Ngọc Linh chưa kịp nổi tiếng đã bị hàng giả phá hoại
Sâm Ngọc Linh được xem như loài thuốc quý hiếm có nguồn gốc ở vùng núi cao phía Bắc Tây Nguyên được tìm thấy ban đầu tại miền Trung Trung Bộ Việt Nam, mọc tập trung ở các huyện miền núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum và huyện Trà My tỉnh Quảng Nam...
Sâm Ngọc Linh cũng là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới, hợp chất hóa học đa dạng và tác dụng thực tiễn đối với sức khỏe của con người nên giá trị sâm Ngọc Linh rất quý. Tuy nhiên do sâm tự nhiên không còn tìm thấy nữa nên các doanh nghiệp, chính quyền địa phương vùng đất có nguồn gốc sâm tự nhiên hình thành và phát triển đã tìm cách gây dựng lại giống sâm quý này. Nhưng đáng thương cho họ là bao nhiêu tiền của, công sức đổ ra chưa thu lại được thì đã bị hàng giả phá hoại...
Do nhu cầu người tiêu dùng, giá sâm Ngọc Linh có lúc đẩy lên hàng trăm triệu đồng/kg nhưng quả thật không tìm đâu ra. Trong khi đó, hiện ở Kon Tum chỉ có 2 doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh nhưng chưa đến thời điểm thu hoạch.
Nắm được thị hiếu và nhu cầu người tiêu dùng, để biến các loại củ khác thành sâm Ngọc Linh, một số thương lái phía Bắc đưa loại củ rất giống sâm Ngọc Linh trồng ở Trung Quốc vào Kon Tum chôn xuống đất rồi sau đó nhổ lên đi bán. Sau khi chôn cho dính đất Kon Tum, nguồn sâm giả thương hiệu sâm Ngọc Linh này được đưa đi tiêu thụ khắp cả nước.
Để lừa mọi người, các đối tượng kinh doanh còn thuê người dân tộc thiểu số địa phương mang loại giả sâm Ngọc Linh đi bán với nhiều kiểu giải thích khác nhau về nguồn gốc sâm này. Có người bảo mùa mưa sạt lở núi Ngọc Linh nên lộ ra nhiều củ sâm được người dân địa phương nhặt được. Có người bảo sâm do đồng bào dân tộc thiểu số vừa kiếm được ở rừng núi Ngọc Linh còn sót lại. Lúc đầu giá mỗi kilogam củ tươi được bán giá 50 triệu đồng, nhưng sau đó 5-10 triệu đồng/kg các thương lái vẫn bán.
Khi ở Kon Tum bị lộ mặt sâm giả, các đối tượng lại chuyển rộng ra Gia Lai, các tỉnh lân cận và cả TP HCM. Các “chiêu” người đẹp, người thân quen với “sếp” cũng được tung ra hết để đi tiếp thị bán sâm. Các cô gái không phải đi phô diễn bán sâm thông thường mà họ chủ yếu đi tìm người có tiền, dạng các đại gia hay sử dụng sâm để biếu, làm quà cáp... để giới thiệu chia lại bớt sâm.
Mãi sau này khi điều tra các vụ trộm sâm trồng, Công an tỉnh Kon Tum mới phát hiện ra một đường dây tiêu thụ sâm giả Ngọc Linh liên tỉnh và từ đó nhiều người mới biết và cảnh giác. Theo khai nhận của các đối tượng thì nguồn củ giả sâm Ngọc Linh này được chuyển từ Trung Quốc, vượt biên giới phía Bắc vào Kon Tum để “biến” thành thương hiệu sâm Ngọc Linh rồi đem đi tiêu thụ.
Theo các chuyên gia khoa học tìm hiểu về sâm Ngọc Linh đã phát hiện ra có nhiều loại củ giả sâm Ngọc Linh rất giống nhau được bày bán lâu nay như loại cùng chi Panax (chi nhân sâm), rất giống với sâm Ngọc Linh; loại sâm Vũ Diệp và tam thất hoang; loài thuộc họ Araceae (họ ráy) có thể gây nóng bỏng miệng sau khi sử dụng.
Theo ông Trần Hoàn - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, vấn nạn sâm giả thương hiệu Ngọc Linh này được tuồn từ phía Bắc vào Tây Nguyên sau đó bày bán khắp nơi đang ngày một giết chết thương hiệu sâm Ngọc Linh. Điều này khiến doanh nghiệp không dám đưa sâm thật của mình vào kinh doanh vì sợ bị làm giả như các loại rau quả Đà Lạt...