Sẵn sàng với các kịch bản về dịch Ebola

09:00 11/08/2014
Trước những diễn biến vô cùng phức tạp của dịch bệnh Ebola với số mắc và tử vong tăng lên không ngừng, khiến nguy cơ dịch lây lan vào Việt Nam là hoàn toàn có thể, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola tại Việt Nam.
>> Tập trung tối đa ngăn chặn dịch Ebola vào Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tiếp tục nhấn mạnh tính chất đặc biệt nguy hiểm của bệnh Ebola và cho biết, hiện nước ta chưa phát hiện trường hợp mắc Ebola, song dịch đang ngày càng gia tăng rất nhanh. Vì thế, Bộ Y tế đã có phản ứng nhanh chóng bằng việc đưa ra kế hoạch đối phó với dịch bệnh nguy hiểm này. Một số kinh nghiệm đã có trong phòng, chống dịch của Việt Nam là cơ sở để xây dựng kế hoạch ứng phó với dịch Ebola. Đó là việc chia sẻ kịp thời thông tin trong nước và quốc tế về tình hình và biện pháp phòng, chống dịch; chủ động cung cấp thông tin cho báo chí để tuyên truyền cho người dân áp dụng các biện pháp phù hợp; phân tuyến điều trị, tránh hiện tượng quá tải cục bộ tại các bệnh viện (BV) tuyến cuối, tập trung các nguồn lực điều trị không để xảy ra tử vong ngay từ ca bệnh đầu tiên. Mục tiêu được Bộ Y tế đặt ra là phát hiện sớm trường hợp nhiễm Ebola, không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong. Bộ Y tế đã đưa ra các “kịch bản” về dịch Ebola để chủ động đối phó.

Theo đó, tình huống 1 là khi chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam, như hiện nay, nên phải tăng cường giám sát phát hiện tại cửa khẩu, kiểm tra sàng lọc đối với hành khách nhập cảnh từ vùng dịch bệnh; chuẩn bị sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, cơ sở vật chất, tập huấn cho nhân viên y tế vv… Trong tình huống 2 là xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế phải cáo cáo diễn biến của dịch thường xuyên cho Chính phủ; BCĐ phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi các cấp họp hằng tuần và đột xuất để thống nhất chỉ đạo triển khai các hoạt động tại các đơn vị y tế địa phương. Duy trì kiểm tra sàng lọc bằng máy đo thân nhiệt từ xa và khai báo y tế với hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu. Tình huống 3 là dịch xâm nhập và kéo dài, cũng được Bộ Y tế tính đến, để chủ động có giải pháp phù hợp, nhằm khoanh vùng dịch, hạn chế tử vong.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong mọi tình huống, Bộ Y tế đều coi trọng công tác truyền thông, đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và các tổ chức quốc tế khác để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và đề nghị hỗ trợ nguồn lực trong phòng, chống dịch bệnh. Các BV đều phải tính đến các tình huống dịch bùng phát, để phân tuyến điều trị, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo. Bộ Y tế đã chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur chủ động triển khai các nghiên cứu để đề xuất các biện pháp phòng chống và đánh giá kết quả điều trị; đưa ra các giải pháp giảm mắc, tử vong phù hợp theo diễn biến của bệnh.

Song hành với kế hoạch phòng, chống dịch Ebola, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, để các bệnh viện (BV) chủ động điều trị bệnh nhân Ebola, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh Ebola. Phác đồ này đặc biệt lưu ý trường hợp phụ nữ mang thai nếu nhiễm virus Ebola có nguy cơ sẩy thai/đẻ non, chảy máu sau sinh rất cao. Virus Ebola có thể truyền qua sữa mẹ, do đó nếu nghi ngờ mẹ bị nhiễm bệnh, mẹ và trẻ cần được nhập viện và cách ly cho đến khi loại trừ nhiễm bệnh, đồng thời bà mẹ nên ngừng cho con bú.

Hiện tại, Việt Nam đang trong tình huống 1 nên công tác giám sát tại các cửa khẩu quốc tế được đặc biệt coi trọng. Sở Y tế của Hà Nội và Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đều đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị y tế sẵn sàng phát hiện, cách ly và điều trị bệnh nhân Ebola. Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế ở sân bay Tân Sơn Nhất hiện hoạt động 24/24h với 4 máy đo thân nhiệt hành khách từ xa, để kiểm tra, sàng lọc và cách ly kịp thời nếu phát hiện nghi ngờ. Hành khách nghi ngờ nhiễm Ebola sẽ áp dụng biện pháp cách ly, điều tra dịch tễ và chuyển đến BV điều trị bằng xe chuyên dụng.

Ở Hà Nội, BV được lựa chọn để điều trị người nhiễm Ebola là BV Bệnh nhiệt đới TW và Bộ Y tế đã tính đến một số BV vệ tinh để giảm quá tải trong trường hợp dịch bùng phát. Còn tại TP Hồ Chí Minh, các BV được chọn để điều trị bệnh nhân Ebola là BV Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, BV Nhi Đồng 1 và BV Nhi Đồng 2. Các BV đều được trang bị thiết bị, phòng cách ly, hóa chất dự phòng để điều trị những bệnh truyền nhiễm, đồng thời tổ chức tập huấn điều trị bệnh Ebola cho nhân viên của các BV khác.

Bộ Y tế khuyến cáo đường lây và cách nhận biết bệnh Ebola

Bệnh do virus Ebola là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao tới 90%. Người bệnh có triệu chứng sốt cao kéo dài, đau đầu, đau cơ vùng bụng và ngực, viêm họng, nôn hoặc buồn nôn, tiêu chảy cấp, xuất huyết da niêm mạc (dấu hiệu dây thắt, ban xuất huyết, chảy máu cam) và xuất huyết phủ tạng (nôn, đi ngoài ra máu...). Thể nặng thường có tổn thương gan, suy thận, viêm tổ chức não; có thể biến chứng suy đa phủ tạng, tràn dịch màng phổi và sốc. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với dụng cụ bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh. Các loài tinh tinh, vượn người, khỉ rừng, linh dương và nhím châu Phi có thể là ổ chứa virus và lây sang người, hoặc người bệnh và người mang virus tiềm ẩn cũng có có thể lây sang người.

Thanh Hằng

Chiều tối 1/5, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 kéo dài, dòng người từ các tỉnh miền Đông, miền Tây sử dụng phương tiện cá nhân, đi xe khách… bắt đầu trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Không như những ngày đầu nghỉ lễ, ghi nhận trong chiều tối 1/5, dòng người di chuyển trên đường khá lớn nhưng không gây ùn ứ nghiêm trọng…

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Ngày 1/5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, trái với dự đoán về tình hình ùn tắc có thể xảy ra thì giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô lại rất thông thoáng. Người dân trở về Hà Nội di chuyển một cách thuận lợi qua các "điểm nóng".

Quá trình ông N.V.C. đốt lửa lấy mật ong rừng, ngọn lửa nhanh chóng cháy lan sang các bụi cây rậm dẫn đến cháy rừng. Vụ cháy rừng khiến ông C. bị bỏng nặng và người này được lực lượng chữa cháy cõng ra khỏi rừng để đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, qua xác minh, chưa có cơ sở xác định người phụ nữ bán hàng rong trên phố cổ “chặt chém” du khách nước ngoài với việc bán 3 quả dứa giá 500.000 đồng (như mạng xã hội và báo chí phản ánh mấy ngày qua), tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản xử phạt hành chính 150 nghìn đồng đối với người này về hành vi bán hàng rong không đúng quy định. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文