Sinh viên và tân cử nhân chạy “xe ôm” công nghệ để nhẹ gánh gia đình

13:59 14/11/2017
Việc chu cấp tiền của gia đình không đủ cho việc học tập, sinh hoạt nên nhiều tân cử nhân chưa có việc làm ổn định và sinh viên, nhất là những sinh viên nghèo ở tỉnh xa đã tìm việc làm thêm.



Khi xe ôm công nghệ (grab, Uber) xuất hiện, nhiều tân cử nhân, sinh viên đã đăng ký thành người của loại hình này, khoác lên mình bộ đồng phục, có mặt trên mọi ngả đường, góc phố chờ đón, phục vụ nhu cầu đi lại của khách. Việc “tự thân vận động” để có thêm thu nhập là một cách giúp gia đình nhẹ gánh.

Đầu giờ chiều 13-11, Sài gòn bất chợt đổ mưa nặng hạt. Chúng tôi gặp Lương Văn Lộc (23 tuổi, quê ở Đắk Lắk), sinh viên năm cuối Trường Đại học GTVT TP Hồ Chí Minh khi anh đang đội áo mưa chờ đón khách trên đường Bàu Cát gần nơi Lộc ở trọ - Chung cư Bàu Cát 2, đường Hồng Lạc, phường 10, quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh).

Và đấy là công việc làm thêm của sinh viên quê Đắk Lắk từ hơn một năm nay. Tranh thủ lúc chưa có khách, anh sinh viên ngành cầu sắt – metro kể, nhà Lộc có 2 anh em và cùng theo học đại học. Mỗi tháng, gia đình Lộc tằn tiện, chu cấp cho 2 anh em chỉ được 2 triệu đồng.

“Số tiền này đối với dân quê mình là lớn nhưng đối với cuộc sống đắt đỏ trên đất Sài thành này chẳng thấm vào đâu. Mỗi tháng, mình đã phải trả tiền phòng trọ hơn 1 triệu đồng, rồi tiền học phí, ăn uống, sách vở, học thêm ngoại ngữ…”, Lộc kể.

Lương Văn Lộc tại điểm đón khách.

Theo lời của sinh viên này, trước khi đăng ký chạy Grab, ngoài giờ lên giảng đường, Lộc đã tìm nhiều việc làm thêm. Tuy nhiên, người đông, việc ít, tìm được một chân phụ bàn, gia sư cũng phải mướt mồ hôi mà thu nhập không đáng kể, lại quần quật không còn thời gian ngơi nghỉ, lấy lại sức mà học hành.

“Khi Grab ra đời, mình đăng ký chạy, thu nhập có khá hơn so với nhiều việc làm thêm trước đó”, Lộc kể thêm và cho biết, lúc mới chạy Grab, cũng như nhiều bạn sinh viên ở tỉnh lẻ khác, Lộc không rành đường nên có đôi chút khó khăn. Khó hơn là chưa biết chọn địa điểm để nhận được nhiều khách.

“Chỗ mình định đậu thì thấy các bác tài xe ôm truyền thống đậu đầy. Có lần mình bị xe ôm cầm viên gạch rượt theo khi đang đứng đón khách, chạy muốn tóe khói. Được cái thu nhập từ chạy xe ôm công nghệ không cố định thời gian, rảnh lúc nào chạy lúc đó nên việc học hành mình chủ động sắp xếp được", Lộc chia sẻ.

Hôm đội nắng di chuyển từ quận 12 vào khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh, tôi được biết Nguyễn Hoàng Xuân Đức (23 tuổi, quê Nha Trang). Đức là sinh viên năm 3 Trường Đại học Văn Hiến, ngành quản trị khách sạn. Nhiều bạn bè học cùng Đức đều biết hơn nửa năm nay, Đức tranh thủ chạy Uber cũng không ngoài mục đích kiếm tiền trang trải chuyện học hành, ăn ở.

“Thường thì 4 giờ sáng mình đã thức dậy, lao ra đường (khu vực nhà trọ thuộc đường Thành Mỹ, phường 8, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh), mở app tìm khách. Thường khung giờ đó khách đặt xe để ra sân bay, bến xe nhiều nên dễ kiếm tiền. Nhưng nói thiệt, lúc đầu cũng lo lo vì nghe nói vào khung giờ đó, xe ôm dễ làm “mồi” cho cướp. Bởi vậy khi khách đặt chuyến, mình phải tìm hiểu xem khu vực đưa khách đến có an toàn không rồi mới nhận khách”, Đức cho biết.

“Một lần nọ, khi chở khách đi một đoạn đường xa đến nơi mới biết là mình đang chở người đi đánh ghen, trong tay cầm bịch bột ớt và một bình nước có thể là a xít. May mà người này yêu cầu cho xuống ngay từ đầu hẻm. Rất nhiều lần khác, mình chở khách say xỉn về nhà giữa đêm khuya.

Đến nơi, khách bước vào nhà mà quên cả việc trả tiền cho mình, đành lủi thủi, ngậm ngùi quay lại nơi dễ đón khách”, Đức chia sẻ.

Khi được hỏi chuyện, nhiều sinh viên cho biết dù công việc chạy "xe ôm" công nghệ có phần ít vất vả hơn nhiều công việc khác, dễ kiếm thêm tiền nhưng nếu không phải là người chịu khó, sẽ không “trụ” nổi. “Mấy hôm bị ảnh hưởng bão, áp thấp nhiệt đới, từ khuya trời đã mưa liên miên, mình định ngủ nướng luôn nhưng nghĩ lại, phải lồm cồm ngồi dậy, trùm áo mưa ra đường”, Tâm, một tân cử nhân Đại học Công nghiệp kể.

Nhiều tân cử nhân và sinh viên lý giải nguyên nhân khiến bản thân luôn nghĩ đến và vượt lên trên, đó là: “Mình có việc làm dễ có thu nhập hơn nghề nông của gia đình mình ở vùng quê, sao không làm mà cứ ngửa tay xin xỏ…”. 

Có thu nhập, đồng ra đồng vô nhưng đa phần tân cử nhân, sinh viên chạy xe công nghệ cho biết họ không có ý định gắn bó lâu dài với cái nghề này. Trần Văn Thật, sinh viên năm cuối Đại học Sài Gòn  cho biết, gia đình cho theo học hết lớp 12 đã đuối sức. Khi đậu đại học, cả nhà ai cũng mừng nhưng lại lo bởi việc ăn ở, học hành, chi phí ở TP Hồ Chí Minh rất đắt đỏ.

Nhưng nếu không theo học, không có tấm bằng cử nhân trong tay để đi tìm việc làm thì Thật cũng sẽ khó thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn, vất vả bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” như các thành viên khác của gia đình ở vùng quê huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

“Mình mơ được học để được đổi đời, vậy mà giờ đậu đại học, học sắp xong rồi không cố gắng thì trách ai đây. Bởi vậy, mình nghe lời khuyên của gia đình, chỉ làm công việc này nhất thời thôi, cái chính vẫn là tập trung cho việc học. Khi có bằng trong tay rồi thì phải cố gắng tìm việc phù hợp với ngành mình học”, Thật  cho biết.

Mong ước của sinh viên Thật cũng giống như mong ước của nhiều sinh viên khác đang chạy "xe ôm" công nghệ. Tuy nhiên, hôm ngồi trò chuyện với nhóm cử nhân Đại học Sư phạm vừa ra trường, chúng tôi được biết có rất nhiều người vẫn tiếp tục với công việc chạy “xe ôm” công nghệ trong thời gian chờ xin được việc làm.

Một cử nhân của Đại học Luật TP Hồ Chí Minh cho biết, hồi trước đi chạy xe thì xem là việc làm thêm, kiếm tiền trang trải việc học. Giờ ra trường rồi, nhiều anh em coi đó là nghề chính bởi tìm việc làm có thu nhập cao hơn chạy "xe ôm" công nghệ hiện không phải đơn giản. Có sinh viên xem việc tiếp tục chạy xe này như thời gian giảm stress sau ba bốn năm trời vất vả với chuyện học hành.

“Giờ chưa có cơ hội tìm được việc làm tốt thì cứ rong ruổi chạy xe chớ chẳng lẽ về quê, tiếp tục nuôi heo, làm ruộng, ăn bám và thành gánh nặng cho gia đình”, một sinh viên ở Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cho biết.

Khi suy tư về con số có khoảng 20.000 cử nhân thất nghiệp trong năm 2017,  ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết thêm, có 80% sinh viên, cử nhân ra trường hiện đang chạy xe cho Uber, Grab.

Theo số liệu chưa đầy đủ của Grab cung cấp thì hiện tại có gần 1 triệu đối tác tài xế (hơn 930.000 người) đang dựa vào nền tảng Grab để tạo thu nhập cho gia đình. Một tỷ lệ rất cao trong con số này là sinh viên và tân cử nhân…

Ngọc Trân

Thời gian gần đây, nhiều địa phương trong cả nước liên tục ghi nhận các vụ việc đua xe trái phép do nhóm thanh, thiếu niên thực hiện. Không chỉ gây nguy hiểm cho chính người tham gia, hành vi này còn là mối đe dọa trực tiếp đến an toàn giao thông, trật tự xã hội và sự bình yên của cộng đồng. 

Khoảng chiều và đêm 17/11, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt không khí lạnh này ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 18-20 độ C, vùng núi có nơi dưới 15 độ C.

Ngày 16/11, báo cáo với đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy làm trưởng đoàn, đại diện đơn vị thi công Dự án cao tốc Hòa Liên-Túy Loan (đoạn qua địa bàn Đà Nẵng) cho biết hiện đang bố trí khoảng 30 mũi thi công để đáp ứng tiến độ; nhưng còn một số vướng mắc về mặt bằng, một số điểm người dân cản trở thi công; mưa nhiều, bụi mù, ùn tắc...

Ngày 16/11, Cục CSGT cho biết, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 (Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt, Cục CSGT) đang củng cố hồ sơ xử lý một tài xế ô tô dừng xe ở làn khẩn cấp cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết để cả gia đình ngồi ăn tối.

Đại úy Lê Thị Hồng Lụa là cô giáo ở Trường Giáo dưỡng số 2, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an. Ngoài truyền đạt kiến thức văn hóa cho học sinh, Đại úy Lê Thị Hồng Lụa còn uốn nắn, dạy dỗ, giáo dục những học sinh từ lầm lì, khép kín, ngỗ nghịch đi vào nền nếp, kỷ cương, trở thành người lương thiện để khi hết thời hạn, các em về với gia đình, trở thành người có ích cho xã hội. Nhiều năm miệt mài làm người “chở đò”, với biết bao tâm huyết, công sức, những kỷ niệm về sự hướng thiện của các em học sinh ở ngôi trường “đặc biệt” vẫn luôn là động lực để Đại úy Lê Thị Hồng Lụa thêm say mê, yêu quý nghề. 

Lúc 8h ngày 16/11, tại khu vực biên giới gần cột mốc 172, thuộc ấp Bình Quới, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh), Đồn Biên phòng Phước Chỉ phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh và Công an thị xã Trảng Bàng bắt quả tang Xu Xin (SN 1997, quốc tịch Trung Quốc) nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào Việt Nam.

Trận lũ quét xảy ra hôm 29/10 vừa qua đã để lại những hậu quả nặng nề về người và của, nằm ngoài tiên lượng của giới chức chính trị Tây Ban Nha và nghiêm trọng hơn, nó còn khiến cho giới chức chính trị Tây Ban Nha chỉ trích và đỗ lỗi cho nhau trong cách ứng phó thiên tai.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文