Sôi động trên công trình điện gió ven biển lớn nhất Việt Nam
Giai đoạn 2 của dự án được khởi động từ tháng 11/2013 với quy mô 52 trụ tua bin, công suất 83,2MW, vốn đầu tư 4.193 tỉ đồng.
Theo dự kiến, đến ngày 19/5, nhà máy sẽ đưa vào vận hành 20/52 trụ tua bin gió. Giai đoạn 2 của dự án sẽ hoàn thành vào quý II-2016. Lúc đó, cùng với 10 trụ tua bin gió của giai đoạn 1, tất cả 62 trụ tua bin điện gió tổng công suất 99MW, với tổng mức đầu hơn 5.200 tỷ đồng sẽ góp vào mạng lưới điện quốc gia trung bình mỗi năm hơn 320 triệu kWh, góp phần ổn định an ninh năng lượng. Đây được xem là công trình điện gió vùng ven biển quy mô bậc nhất của Việt Nam - tính đến thời điểm hiện tại.
Có mặt trên công trường điện gió quy mô hàng ngàn tỷ đồng trong những ngày đầu đầu xuân mới, chúng tôi cảm nhận một khí thế lao động khẩn trương, an toàn và đầy quyết tâm. Cả công trường đều nằm trên bãi biển, chiếm tổng diện tích khoảng 500ha. Trụ tua bin đang được thi công gần nhất cũng cách hàng trăm mét từ mặt đê biển.
Để đảm bảo tiến độ trong những ngày Tết Ầt Mùi vừa qua, nhiều cán bộ, kỹ sư, công nhân đã quyết định không về quê, mà ăn Tết tại công trường.
Lắp đặt cánh quạt dài 42m lên trụ tua bin cao 90m. |
Kỹ sư Nguyễn Thiết, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Thiên Việt - một trong những đơn vị thầu thi công một số hạng mục giai đoạn 2 tiết lộ, quê anh ở Quảng Trị, vợ con ở Đồng Nai. Tết năm nay, anh cùng gần trăm cán bộ, công nhân thống nhất tình nguyện ở lại công trường, thi đua lao động để đảm bảo kịp tiến độ thi công.
Kỹ sư Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc điều hành gói thầu xây dựng móng trụ tua bin gió cho biết, đơn vị hiện có gần 180 cán bộ, kỹ sư, công nhân đang tham gia xây dựng tại công trường này. Anh Hưng cho biết: “Công việc của anh em phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thủy triều. Những ngày Tết vừa qua, thời tiết thuận lợi cho việc thi công đóng cọc và đổ bê tông các trụ tua bin gió. Nếu không tranh thủ tận dụng thời gian quý báu này, nhiều trụ tua bin gió gần bờ phải chờ đến tháng 7 tới, tức gần năm tháng nữa mới có thể tiếp tục thi công. Như vậy sẽ vừa gây lãng phí thời gian, lại tốn kém công sức, tiền bạc. Vì vậy, những ngày Tết rồi, anh em đã tranh thủ từng ngày, từng giờ mới mong mang lại hiệu quả cao nhất”.
Theo ông Tô Hoài Dân, Dự án điện gió Bạc Liêu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư bằng nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng XNK Hoa Kỳ (US-Exim) và đồng ý bổ sung vào danh mục các dự án nguồn điện trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011- 2020, có xét đến năm 2030.
Dự án sử dụng loại rô-to ba cánh quạt, do Tập đoàn GE (Hoa Kỳ) chế tạo, phù hợp chế độ gió cấp III tại vùng biển Bạc Liêu, mỗi tua bin nặng hơn 210 tấn, được lắp dựng bằng giàn cẩu có sức nâng 600 tấn.
Các tua bin gió được làm bằng thép đặc biệt, không gỉ, chịu được ăn mòn trong điều kiện khí quyển đại dương. Trụ lắp tua bin cao đến 90m, đường kính 4m; ba cánh quạt mỗi cánh dài 42m được làm bằng nhựa đặc biệt. Các cánh quạt có thể tự gấp lại khi thời tiết xấu hoặc bão lớn. Nhà máy Điện gió Bạc Liêu sử dụng công nghệ tiên tiến nhất và là nhà máy điện xây dựng trên biển duy nhất hiện nay tại Việt Nam. Riêng hợp đồng ký với Tập đoàn GE cung cấp 52 bộ thiết bị tua bin gió cũng đã có trị giá gần 2.000 tỷ đồng” .
Được biết, tháng 8/2013, sau hơn 30 tháng thi công, Nhà máy Điện gió Bạc Liêu chính thức hoạt động với 10 tua bin gió đạt công suất16 MW. Đến đầu năm 2015, 10 trụ tua bin gió kể trên đã phát lên lưới điện Quốc gia tương đương 20 triệu KWh, công suất phát bình quân các tua bin gió là 35% - 40%.
Ông Tô Hoài Dân cho biết thêm: “Theo thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng US Exim, chúng tôi đã được đề xuất làm đầu mối cho dự án Trung tâm điện gió ĐBSCL tại các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh với tổng vốn đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng. Như vậy, đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, dự kiến trên vùng biển ĐBSCL và Bạc Liêu nói riêng sẽ có khoảng 300 cột tua bin gió, tổng công suất hơn 500MW được thực hiện”.