Sống “thuận thiên” để tránh bớt thiệt hại

10:06 08/03/2020
Tình hình hạn, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xuất hiện sớm hơn so với đợt hạn, mặn lịch sử năm 2015-2016, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân.

Trong đó, vụ đông xuân đã xuống giống hơn 1,5 triệu ha, diện tích cần tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi để bảo đảm cung cấp đủ nước tưới trong trường hợp xâm nhập mặn kéo dài cho khoảng 332.000ha; vùng chuyên canh sản xuất cây ăn quả bị ảnh hưởng hạn, mặn khoảng 136.000 ha. Riêng đối với nước sinh hoạt, hiện có khoảng 82.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt; theo dự báo trong những ngày tới, con số này có thể tăng lên gấp đôi. Đến ngày 6-3, các tỉnh: Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau và Long An công bố tình huống khẩn cấp về hạn hán, xâm nhập mặn…

Trước diễn biến phức tạp của hạn, mặn, PV Báo CAND đã có cuộc phỏng vấn PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu Trường Đại học Cần Thơ.

PV: Thưa PGS-TS Lê Anh Tuấn, ông đánh giá thế nào về tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL hiện nay? So với 4 năm trước (năm 2016), tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn năm nay có gì khác không ?

PGS-TS Lê Anh Tuấn: Mùa khô năm 2020 đang nóng hơn mọi năm ở vùng ĐBSCL, mặc dù chưa phải là đỉnh điểm nắng nóng do chỉ là tháng 2-2020, vì sự khô hạn lịch sử trong gần 100 năm qua. Hiện, mực nước sông Mê Kông từ thượng nguồn đang xuống rất thấp so với nhiều năm trước, kể cả năm 2016. Giữa mùa mưa 2019, nhiều nhà khoa học ở vùng châu thổ đã khuyến cáo vụ canh tác Đông Xuân 2019-2020 sẽ thiếu nước nghiêm trọng, có nhiều khả năng vượt kỷ lục hạn, mặn năm 2016.

Điều dự báo này thấy rất sớm, ngay từ tháng 12-2019 khi mùa mưa vừa chấm dứt, nước mặn có nồng độ 4‰ đã đi sâu vào sông Hàm Luông (Bến Tre) tới 57km (từ 12 đến 15-12-2019). Mức nhiễm mặn sâu này đã vượt 17km so với năm 2015. Đến ngày 16-2-2020, dòng nước mặn 4‰ theo đợt triều cường đã đi vào sông Hàm Luông đến 75km. Tương tự, các nhánh sông Cửu Long đổ ra biển Đông và các sông đổ ra Biển Tây, mặn đã đi vào rất sâu so với năm 2016.

PGS-TS Lê Anh Tuấn.

Xâm nhập mặn năm 2020 có 3 đặc điểm lưu ý so với năm hạn mặn 2016. Thứ nhất mặn đến sớm hơn (gần 1 tháng). Thứ 2, mặn đi vào nội địa sâu hơn (từ 2-11 km, tính đến thời điểm hiện nay). Thứ 3, nồng độ mặn cao hơn ở các điểm đo vùng ven biển. Thành phố Cần Thơ là địa phương gần như không bị nhiễm mặn trong quá khứ gần 300 năm nay.

Tuy nhiên, năm 2016, nước mặn có nồng độ 2‰ chạm đến quận Cái Răng, thì ngày 10-2-2020 vừa qua, nước mặn đo được tại Cảng Cái Cui (quận Cái Răng) là 3,5‰. Nguy cơ xâm nhập mặn sẽ tiếp tục gia tăng trong tháng 3 và tháng 4 tới.

PV: Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL hiện nay là gì thưa ông?

PGS-TS Lê Anh Tuấn: Thật ra, khả năng khô hạn này đã được ghi nhận và cảnh báo từ mùa mưa năm 2019. Trong 2 tháng đầu mùa mưa, vũ lượng rất thấp, chỉ bằng 60% so với trung bình nhiều năm. Nguyên nhân chính là năm 2019, hiện tượng El Nino xuất hiện với mức độ cao trên toàn vùng Đông Nam Á.

Ngoài ra, từ cuối tháng 12-2019 đến đầu tháng 1-2020, Trung Quốc tuyên bố giảm xả nước từ Nhà máy Thủy điện Cảnh Hồng từ mức 1.200-1.400 m3/s, xuống còn 800-1.000 m3/s và tiếp tục giảm xả xuống từ 504-800 m3/s trong ngày 4-1-2020. Hậu quả là nước mặn đã nhanh chóng vào sâu vùng ĐBSCL từ giai đoạn này.

Thực tế, ngay trong những tháng mùa mưa năm 2019, khi mà mùa mưa đến muộn, lượng mưa quá ít, giới chuyên gia đã cảnh báo nhiều khả năng mùa khô hạn sẽ gay gắt. Thêm nữa vào khoảng tháng 7, 8-2019, các nước hạ nguồn sông Mê Kông đã chứng kiến một hình ảnh chưa từng thấy đó là mực nước của con sông có lưu lượng đứng thứ 10 thế giới này đã xuống thấp nhất trong lịch sử hàng trăm năm qua. Nhiều đoạn sông Mê Kông ở giáp biên giới Thái Lan, Lào cạn trơ cả đáy.

Tương tự, ở Biển Hồ (Campuchia), hồ nước ngọt điều hòa vô cùng quan trọng đối với ĐBSCL, nguồn nước cũng suy giảm nghiêm trọng ngay trong mùa mưa. Về dài hạn, cần vận dụng các biện pháp ngoại giao, luật pháp và kinh tế để yêu cầu các quốc gia thượng nguồn phải xem Mê Kông là dòng sông chung cho khu vực, các nước phải có trách nhiệm chia sẻ nguồn tài nguyên chung này...

PV: Dự báo tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn thời gian tới ở ĐBSCL như thế nào? Theo ông, đâu là những giải pháp tốt nhất cho ĐBSCL?

PGS-TS Lê Anh Tuấn: Xâm nhập mặn gây nhiều khó khăn cho sinh kế (trồng trọt, chăn nuôi) và đời sống (cấp nước) của người dân ven biển và vùng lân cận. Tuy nhiên, nhờ rút được bài học đối phó với hạn, mặn năm 2016 nên năm 2020, hạn mặn có gay gắt hơn, phần thiệt hại về sản xuất nông nghiệp đã bị hạn chế nhờ các biện pháp sau đây: Thứ nhất, nhiều địa phương đã nghe cảnh báo của chuyên gia và ngành nông nghiệp nên tận dụng mực nước lũ thấp, chủ động xuống giống vụ Đông Xuân khá sớm (từ đầu tháng 10-2019), sớm hơn mọi năm từ 1 - 2 tuần; sử dụng giống lúa ngắn ngày nên đến nay các diện tích này kịp thu hoạch.

Các nơi xuống trễ hơn, vào tháng 11-2020 thì đang tận dụng nguồn nước ngọt còn giữ được để cầm cự, đã qua giai đoạn trổ chờ đến lúc thu hoạch. Chỉ ở những nơi xuống quá trễ từ tháng 12-2019 về sau thì nguy cơ bị thiệt hại một phần hoặc toàn bộ. Tuy nhiên diện tích bị thiệt hại ít hơn năm 2016. Thứ hai, đối với các vườn cây, ruộng, rẫy, bà con biết cách be gốc, nạo vét kênh mương trữ nước, dùng vật liệu phủ (màng ni-lon, bèo, cỏ…) nên thiệt hại không đáng kể. Thứ ba, nhiều nơi đã biết trữ nước vào cuối mùa mưa (bằng kênh, mương, ao, đìa, lu, khạp…) nên còn giữ được nước ngọt để đối phó cho những tháng hạn tới.

Một số địa phương bắt đầu làm các công trình trữ nước ngọt, tuy chưa hoàn chỉnh nhưng vẫn có thể sử dụng một phần. Tuy nhiên, các tháng tới, có thể một số nơi phải “tiếp cứu” nước ngọt cho các vùng ven biển. Trong hai tháng 3 và 4-2020, khô hạn, xâm nhập mặn sẽ gay gắt hơn, tác động lớn đến nước sinh hoạt, chăn nuôi và vườn cây ăn trái. 

Theo tôi, các địa phương không nên tính đến chuyện ồ ạt “giải cứu” cây trồng do hạn, mặn vì việc này chỉ tốn thêm nguồn nước, kinh phí, năng lượng, công sức mà hiệu quả và sản lượng sẽ không đáng kể, thậm chí mất trắng. Nguồn nước còn lại nên ưu tiên để dành cho việc cấp nước sinh hoạt, nếu còn thừa thì dùng cho chăn nuôi (trâu, bò, heo, gà).

Không cần kêu gọi người dân tiết kiệm nước vì thực sự người dân đã chắt chiu từng khối nước ngọt rồi. Cái chính là làm cho người dân ý thức trong việc bảo vệ chất lượng nước (không sử dụng, lạm dụng nông dược bừa bãi; không vứt rác, xả rác thải, chất thải người và gia súc, gia cầm xuống nguồn nước…), hạn chế việc khoan rút nước ngầm.

Bên cạnh đó nên tập trung kinh phí hoặc vốn dự phòng phòng chống thiên tai để làm vùng trữ nước trong nội đồng, mương vườn, các bồn trữ nước cho cộng đồng. Không nên vì những khó khăn hiện nay mà đầu tư xây dựng những công trình quá lớn như cống, đập chặn sông, vừa lãng phí, kém hiệu quả và tác hại lớn cho môi trường, tính đa dạng sinh học. Việc tiếp tục đầu tư hệ thống cảnh báo sớm và mạng lưới thông tin đến cộng đồng là cần thiết…

Thực tế, lịch sử hàng trăm năm qua cho thấy, người dân nơi đây đã biết chủ động thích ứng tự nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên theo điều kiện thực tế. Người dân ven biển dùng lu, khạp, ao, đìa… để trữ nước ngọt mùa mưa dùng cho mùa khô. Trong một số tiểu vùng bị hạn mặn nghiêm trọng vẫn có nhiều nông dân “né hạn” nhờ chủ động lịch thời vụ, sử dụng giống ngắn ngày, có những rẫy màu chủ động nước tưới, tránh được thiệt hại. Đó cũng là cách mà người đồng bằng đã hiện thực hóa thành công triết lý “sống chung với lũ, vượt lên đỉnh lũ”…

Hiện, theo Trung tâm Dự báo khí hậu (Climate Prediction Center/NCEP, Hoa Kỳ), hiện tượng ENSO vùng Bắc bán cầu đã ở trạng thái trung tính, nhiệt độ vùng mặt biển cả vùng biển Thái Bình Dương đang ở mức cận đến trên trung bình. Ở vùng ĐBSCL đã có dấu hiệu xuất hiện một số trận mưa rải rác, một số chỉ dấu sinh học như cây sao ở nhiều tỉnh, thành vùng đồng bằng đã trổ bông khá sớm.

Dự báo năm 2020 có khả năng mùa mưa đến sớm và lượng mưa sẽ cao hơn năm trước.

PV: Xin cảm ơn ông!

Văn Đức (thực hiện)

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng việc làm tăng cao, cùng với đó nhu cầu tìm việc làm cũng tăng, nhất là đối với những lao động muốn tìm kiếm việc làm thời vụ để có thêm tiền trang trải dịp Tết. Nắm bắt được tâm lý của người lao động, các đối tượng lừa đảo đã dùng nhiều hình thức tinh vi để lôi kéo, dụ dỗ.

Tính từ đầu năm đến nay, nhờ xử lý quyết liệt, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được giữ vững ổn định, hoạt động giao thông thông suốt. Không xảy ra ùn tắc, đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng. Thế nhưng, Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh bày tỏ: “Xử lý vi phạm nhiều mà tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi còn trăn trở lắm”.

Mặc dù việc vỡ hụi diễn ra ở nhiều nơi đã được cơ quan Công an và báo đài đăng tải thông tin cảnh báo, nhưng không ít người vẫn mất cảnh giác, đặt lòng tin quá mức vào chủ hụi, khiến không ít người rơi vào tình cảnh khó khăn, mất tiền.

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文