TP HCM đang lãng phí trên ba ngàn tỷ đồng mỗi năm?

10:15 17/04/2008
Theo tính toán, tiêu hao nhiên liệu của xe gắn máy cao gấp 92 lần xe buýt. Cũng từ việc sử dụng bất hợp lý nhiên liệu do chưa hạn chế được lượng xe cá nhân quá lớn kể trên, mỗi năm trên địa bàn thành phố đã để lãng phí khoảng 3.472 tỷ đồng.

Hệ thống hạ tầng giao thông của TP HCM gồm khoảng 1.890km đường các cấp hạng, hiện đang phải gánh chịu sự quá tải từ hơn 330 ngàn phương tiện cơ giới và trên 3,3 triệu xe gắn máy. Nếu tính cả lượng xe của các tỉnh hiện đang lưu thông trên địa bàn, lượng phương tiện các loại hằng ngày đổ ra đường đã lên đến trên 4 triệu chiếc.

Hiện tại, phương tiện giao thông công cộng mới chỉ đáp ứng được 7% nhu cầu đi lại của người dân thành phố. Với cơ cấu đi lại chủ yếu bằng xe cá nhân như vậy, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông gia tăng, nhất là trên các tuyến đường khu vực trung tâm và các nút giao thông. Điều này còn dẫn đến chi phí cho việc đi lại tăng cao, mức tiêu hao nhiên liệu lớn và ô nhiễm môi trường đang trở nên trầm trọng.

Theo kết quả tính toán của Tiến sĩ Phạm Xuân Mai thuộc Trường Đại học Bách Khoa TP HCM: "Tiêu hao nhiên liệu của xe gắn máy cao gấp 92 lần xe buýt. Cũng từ việc sử dụng bất hợp lý nhiên liệu do chưa hạn chế được lượng xe cá nhân quá lớn kể trên, mỗi năm trên địa bàn thành phố đã để lãng phí khoảng 3.472 tỷ đồng!".

Phương tiện cá nhân trên một tuyến đường trung tâm TP HCM.

Phân tích của Tiến sĩ Phạm Xuân Mai cho thấy: "Nếu tính tất cả các loại phương tiện giao thông có động cơ đang hoạt động, thành phố hiện đã có khoảng 4,4 triệu chiếc, đem so sánh với dân số khoảng 6,5 triệu người thì trung bình cứ 1,5 người dân sử dụng một xe có động cơ hoặc 2 người có 1 xe gắn máy.

Con số này đã tương đương, thậm chí còn lớn hơn so với những thành phố có mật độ xe gắn động cơ cao nhất thế giới là Los Angeles (Mỹ). Mà với tốc độ phát triển nhanh như hiện nay, lượng xe gắn máy tại TP HCM sẽ sớm đạt ngưỡng bình quân 3 người có 2 xe gắn máy”.

Kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Phạm Xuân Mai cũng cho thấy, cơ cấu phương tiện trên đường phố ở TP HCM đang mất cân đối trầm trọng khi lượng xe cá nhân chiếm đến 93%. Trong đó, xe gắn máy là 79%; xe buýt chiếm 4,5% và xe hơi, xe taxi là 3,2%.

Nếu tính ở mức độ cao nhất, vận tốc trung bình của xe gắn máy trên các tuyến đường là 25km/h; vận tốc của xe buýt đạt 15km/h. Khi đó, xe gắn máy sẽ tiêu hao 0,03 lít/km, mỗi xe chở bình quân 1,4 người, chỉ số tiêu hao nhiên liệu cho một hành khách là 0,022 lít/km.

Trong lúc, mức tiêu hao nhiên liệu của xe buýt là 0,15 lít/km, bình quân mỗi xe buýt đạt 34 khách thì chỉ số tiêu hao nhiên liệu cho mỗi hành khách lưu thông bằng xe buýt chỉ còn 0,0044 lít/km. Như vậy, khi sử dụng làm phương tiện đi lại, xe gắn máy đã tiêu hao một lượng nhiên liệu cao gấp 5 lần so với xe buýt.

Kết quả khảo sát cụ thể trên tuyến trọng điểm An Sương - Cộng Hòa - Bến Bạch Đằng vào cả giờ cao điểm, thấp điểm cũng cho thấy: xe gắn máy tiêu thụ đến 77% lượng nhiên liệu trên tuyến. Tính theo dòng xe và mật độ trên một hướng, lượng nhiên liệu tiêu thụ của xe gắn máy cũng cao gấp 30,5 lần vào giờ cao điểm và gấp 59 lần vào giờ thấp điểm so với xe buýt.

Từ những kết quả này, tiếp tục tính toán bằng cách ước tính số chuyến đi thấp nhất của mỗi người dân là 2,7 chuyến và 70% dân số có nhu cầu đi lại trong một ngày (dân số tại thành phố nếu tính cả khách vãng lai là 7,5 triệu người).

Sẽ có 14,2 triệu lượt khách đi lại trong ngày; quy ra 93,7 triệu hành khách/km/ngày, lượng tiêu hao nhiên liệu của thành phố một ngày là: xe gắn máy gần 1,629 triệu lít; xe con và taxi gần 210 ngàn lít, còn xe buýt chỉ tốn  hơn 17.700 lít.

Việc hạn chế phát triển xe cá nhân tại một đô thị lớn như TP HCM là hết sức cần thiết, vấn đề này cũng đã được các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành của TP HCM và cả Trung ương đề cập đến nhiều lần.

Song, để hạn chế được xe cá nhân cần phải có lộ trình, và trước hết phải phát triển được hệ thống vận tải hành khách công cộng, nhất là hệ thống xe buýt hợp lý, tiện dụng. Tránh làm theo kiểu cưỡng bức như một số ý kiến đề xuất là "Tăng thuế để hạn chế xe cá nhân" sẽ không mang lại kết quả.

Bởi chỉ khi nào xe buýt đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân một cách nhanh, rẻ, tiện dụng… thì khi đó chính người dân sẽ tự hạn chế phương tiện cá nhân để giảm chi phí đi lại trước giá xăng dầu tăng nhanh như hiện nay

Đức Thắng

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, các ngày nắng nóng nhất sẽ vào ngày 29/4 và 30/4. Nhiệt độ khí tượng có thể vượt kỷ lục từng được ghi nhận trước đây. Chuyên gia lưu ý, người dân nếu có đi chơi dịp nghỉ lễ nên hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ từ 11h trưa đến 16h chiều trong các ngày 29 và 30/4.

Biết người dân vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, một số nhà hảo tâm ở huyện An Phú (tỉnh An Giang), phối hợp Ban Thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng đã chở nước sạch đến hỗ trợ bà con.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cứ mỗi dịp 30/4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc thì trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文