TP Hưng Yên: Cảnh giác với "cơn sốt" đất ảo

09:29 09/10/2009
Từ thị xã nâng cấp lên thành phố, đặc biệt là sau khi UBND tỉnh công bố đề án thành lập cụm Trường Đại học Phố Hiến, giá đất ở TP Hưng Yên đã tăng lên bất thường, trung bình từ 20% - 50%, thậm chí có chỗ đã tăng gấp đôi. Đất nội thành, cũng như các làng xã vùng ven đều có giá ngất ngưởng.

Khu vực được qui hoạch xây trường, ngày nào cũng có người lạ tới hỏi đất, xôn xao chuyện bán mua. Không ít người bỗng chốc trở nên giàu có nhờ bán đất kiếm lời. Tuy nhiên, rất có thể đây chỉ là cơn sốt ảo và đất sẽ trở về với giá trị thực của nó khi cơn sốt hạ nhiệt…

Vào "điểm nóng" Liên Phương

"Đại dự án" cụm Trường Đại học Phố Hiến sẽ được quy hoạch với tổng diện tích 1.000ha, trên địa bàn của 6 phường, xã: Hiến Nam, An Tảo, Trung Nghĩa, Liên Phương, Thủ Sỹ, An Viên. Mặc dù quyết định mới chỉ nằm trên giấy, cũng chưa ai biết diện mạo khu đại dự án sẽ như thế nào, song từ mấy tháng nay, người dân tứ xứ đã đổ về TP Hưng Yên với hi vọng mua được "đất vàng".

Liên Phương là xã thuần nông vốn thuộc huyện Tiên Lữ. Trong kế hoạch mở rộng TP Hưng Yên, tháng 4/2009, Liên Phương đã được sáp nhập. Do nằm ở vị trí án ngữ cửa ra vào, lại nằm trọn trong khu dự án nên Liên Phương bỗng trở thành "đất vàng".

Trong vai người đi mua đất, chúng tôi đã thâm nhập, tìm hiểu hoạt động mua bán đất đang diễn ra nhộn nhịp. Người mà chúng tôi tìm gặp có tên là "Cốc" - một tay "cò" đất có tiếng ở Liên Phương. Vừa đề xuất chuyện mua đất, anh ta vội chớp ngay: "Muốn mua chỗ khoảng bao nhiêu tiền? Ở đây giá nào cũng có. Gần đường lớn, đất mặt tiền thì bạc tỉ, vào ngõ, trong làng thì chỉ 400 - 600 triệu đồng".

Tôi ngỏ ý muốn tìm một mảnh gần trục đường Dựng (con đường sẽ nằm sát khu "đại dự án" - PV), với tầm tiền 300 triệu, anh ta cười lớn: "Em ở xa đến nên không hiểu giá cả ở đây rồi. Tiền đó không mua được đất ở đây đâu, lô thấp nhất cũng phải 600 - 800 triệu đồng". Đang thất vọng, tính chuyện ra về thì anh ta lại xoay ngay hướng khác: "Anh có mấy mối quen, có thể mua được đất giá đó". Và để chứng minh, anh ta dẫn tôi đi xem thực địa.

Đi vào một ngõ loằng ngoằng, sâu hun hút, thấy một mảnh vườn bỏ hoang nhiều năm, anh ta bảo: "Xem đi, chỗ này mặt tiền 4m, sâu 20m, giá 250 triệu đồng. Tất cả có 5 lô, đã có mấy người đặt mua rồi. Chủ nhà mua được rẻ nên bán rẻ".

Biết tôi không ưng ý, anh ta lại dẫn tới một mảnh khác, trong một con hẻm sâu hơn, mặt tiền 4m, sâu 17m nhưng có giá 400 triệu đồng, muốn làm sổ đỏ thì nộp thêm 8 triệu đồng. Thấy tôi chê đắt, anh ta giải thích ngay: "Ở đây sắp có đường lớn đi qua, bây giờ là ngõ, sau sẽ là đất mặt tiền nên giá cao hơn mấy chỗ khác". Để chứng thực điều mình nói, anh ta lôi từ trong túi ra cho tôi xem bản qui hoạch khu "đại dự án". Theo như bản vẽ thiết kế thì đúng là sẽ có một con đường lớn chạy qua đây. Nhưng không hiểu, bằng cách nào anh ta có được bản qui hoạch đó?

Những lô đất như thế này hiện đang có giá ngót nghét 2 tỷ đồng.

Từ ngày nghe ngóng tin "đại dự án" sẽ được triển khai ở TP Hưng Yên, giá đất đã tăng lên bất thường, trung bình từ 20% - 50%, thậm chí ở Liên Phương còn tăng lên gấp đôi. Phố Tô Hiệu năm trước mới có giá trên 900 triệu đồng/lô, nay đã lên xấp xỉ 2 tỉ. Các lô ở đường Dựng đều ngất ngưởng ở mức 700 - 800 triệu đồng.  

Cơn sốt sẽ hạ nhiệt…?

Thời điểm cơn sốt lên cao nhất là tháng 8, tháng 9, ông Mai Đức Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Liên Phương cho biết: "Tính từ tháng 8 tới nay, xã đã giải quyết cho gần 40 trường hợp mua bán đất. Rất nhiều hộ còn xin được bán đất ruộng nhưng xã không chấp thuận. Nếu dự án cụm Trường Đại học Phố Hiến được triển khai, gần 2.000 hộ dân ở Liên Phương sẽ bị thu hồi đất canh tác, khi đó người dân sẽ đối mặt với nguy cơ thất nghiệp".

Cũng theo ông Thắng, cơn sốt đất lần này chỉ là sốt bong bóng, không phản ánh đúng giá trị thực của đất. Thực chất người dân không có nhiều nhu cầu về đất ở. Bằng chứng là, từ 1996, UBND xã Liên Phương đã cấp đất cho dân ở khu Đầm Sen A, Đầm Sen B nhưng đến nay cả hai khu đất này vẫn bỏ hoang do người dân chưa có tiền xây nhà.

Qua tìm hiểu, phần lớn người mua đất không phải người địa phương mà chủ yếu là những tay đầu cơ để kiếm lời. Sở dĩ đất ở TP Hưng Yên lên cơn sốt bất thường cũng là do các đầu cơ tự "làm giá" với nhau. Để đẩy cơn sốt lên cao, đầu cơ đã sử dụng chiêu "găm" đất, tung tin đồn. Hậu quả là, người thực sự có nhu cầu thì không mua nổi do giá quá cao, trong khi đất thì vẫn bỏ hoang. Ngay giữa trung tâm thành phố, khu vực chợ Hiến Nam, đường Bạch Hổ, Xích Đằng (phường Nam Sơn)… còn rất nhiều đất trống. Tuy nhiên khi hỏi mua thì hầu hết chủ đất đều nói "không có nhu cầu bán". Đầu cơ vẫn đang "găm" đất để chờ giá đất lên cao hơn nữa.

Một số chuyên gia về bất động sản đã nhận định, cơn sốt đất lần này ở Hưng Yên chỉ là cơn sốt ảo. Thực chất thị trường bất động sản ở Hưng Yên vẫn rất èo uột. Đề án thành lập cụm Trường Đại học Phố Hiến vẫn chỉ nằm trên giấy, người dân cần bình tĩnh hơn, không nên đổ xô mua đất vào thời điểm này. Cơn sốt đất rồi sẽ hạ nhiệt, khi đó đất sẽ trở về với giá trị thực của nó

Hà Ly

Thủ đô Hà Nội cùng với nhiều tỉnh thành ở miền Bắc được dự báo có mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa to về chiều tối, thời tiết mát mẻ. TP Điện Biên Phủ khả năng mưa diễn ra vào ban ngày.

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, bằng các biện pháp nắm tình hình, thời gian qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ động trong công tác quản lý người nước ngoài (NNN) nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam; phát hiện, xử lý dứt điểm các vụ việc phức tạp, vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra, không để trở thành vấn đề nóng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại cơ sở cũng như ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch và quan hệ đối ngoại với các nước.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ huyện Củ Chi) về tội: "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文