Tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0
- Hà Nội tuyển dụng, đào tạo bác sỹ nội trú để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao
- "Xuất bản số": Những thách thức về nguồn nhân lực
- Băn khoăn về nguồn nhân lực từ “bài toán” chỉ thi tốt nghiệp THPT
- Nhật Bản giúp đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam
- APEC đối thoại về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số
Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thời gian tới ngành lao động thương binh xã hội cần làm tốt hơn nữa nhiều nhiệm vụ trọng tâm như: Tạo việc làm, xuất khẩu lao động, an sinh xã hội, bảo vệ trẻ em…
Thất nghiệp ở thành thị giảm
Theo báo cáo của Bộ LĐ- TBXH năm 2018, ngành đã đạt kết quả tích cực góp phần hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Cụ thể là tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,6%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 23 - 23,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1,35% so với cuối năm 2017, riêng các huyện nghèo giảm trên 5%.
Còn tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm xuống còn 3,1%. Để giảm tỷ lệ thất nghiệp, Bộ LĐ- TBXH tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động, tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động trên thị trường.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, ngành lao động thương binh và xã hội triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động trong độ tuổi thanh niên, lao động là người khuyết tật, lao động nông thôn, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, lao động di cư, lao động là người dân tộc thiểu số, phụ nữ...
Ngành đã đầu tư, nâng cao năng lực hoạt động của các Trung tâm dịch vụ việc làm; tổ chức sàn giao dịch, chợ việc làm với tần suất tăng; duy trì và phát triển thị trường ngoài nước lao động; thực hiện các dự án, chính sách hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi.
Năm 2018, cả nước ước thực hiện tạo việc làm cho hơn 1,6 triệu người, đạt 103,1% kế hoạch; trong đó, tạo việc làm trong nước khoảng 1,5 triệu người, đạt 101,1% kế hoạch; đưa hơn 142.800 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 129,9% kế hoạch, cao nhất từ trước đến nay.
Một trong những công tác trọng tâm thời gian qua là triển khai thực hiện các giải pháp đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Bộ LĐ- TBXH đã rà soát, sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thực hiện gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
“Ước tuyển sinh năm 2018 khoảng 2,21 triệu người, đạt 100,5% kế hoạch, trong đó: Trình độ cao đẳng, trung cấp là 545 nghìn người, đạt 100,9% kế hoạch; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1,665 triệu người, đạt 100,3% kế hoạch.
Ước tốt nghiệp khoảng 2,1 triệu người; trong đó tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp khoảng 440.000 người. Đây là năm thứ 2, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hoàn thành và vượt chỉ tiêu tuyển sinh. Điều này góp phần không nhỏ cung cấp thị trường lao động nguồn nhân lực phù hợp, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp”, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ- TBXH đánh giá.
Tuy nhiên, ông Diệp nhìn nhận, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Kết nối cung - cầu trên thị trường lao động còn hạn chế; chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Đào tạo nhân lực phải là điểm nhấn
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước mà ở đây chính là đào tạo nghề. Đánh giá về công tác đào tạo nghề, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, công tác đào tạo nghề đang có những chuyển biến tích cực. Minh chứng là việc năm 2015, 2016 các trường đào tạo nghề gần như không thể tuyển sinh được nhưng bước sang năm 2017, công tác tuyển sinh của các trường đã đạt 100%, năm 2018 đã vượt được kế hoạch. “Điểm nhấn năm nay và một số năm tới đây là câu chuyện về đào tạo nhân lực.
Sinh viên điều khiển robot, hệ thống sản xuất tự động hóa tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh trong đô thị sáng tạo. Ảnh: Cao Thăng |
Chúng ta nói về cách mạng 4.0 thì có rất nhiều việc phải làm, nhưng việc đầu tiên cần làm là phải có nguồn nhân lực tốt. Nói về cơ cấu đào tạo nhân lực, chúng ta thường nói rằng đào tạo quá nhiều trình độ đại học. Tuy nhiên nói thế cũng chưa đúng bởi vì so với tỷ lệ những người học đại học trên 100 người dân thì Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với các nước. Điều đó có nghĩa thực ra số lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, có bằng cấp của chúng ta hiện nay quá thấp.
Chúng ta phải đưa được số này lên cao trong thời gian ngắn nhất”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phân tích. Về giải pháp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh một số vấn đề trong đó phải ưu tiên sửa Luật Giáo dục và hoàn thiện Nghị định tự chủ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ ngành lao động thương binh và xã hội cần làm tốt hơn thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan ngênh con số hơn 140.000 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc trong năm 2018, đây là con số kỷ lục từ trước tới nay.
Vấn đề cần quan tâm hơn nữa hiện nay là chất lượng lao động đi xuất khẩu để đi vào những thị trường khó tính, công nghệ cao và tạo ra thu nhập tốt. Bên cạnh đó, Bộ LĐ- TBXH cần phải có những giải pháp để thị trường việc làm trong nước phát triển toàn diện, làm tốt hơn nữa chính sách an sinh xã hội và bảo vệ trẻ em…
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết tháng 8- 2018 Thủ tướng chỉ đạo hội nghị trực tuyến có sự tham gia của tất cả lãnh đạo các địa phương về bảo vệ trẻ em. Để triển công tác bảo vệ trẻ em hiệu quả, các địa phương phải chỉ định đầu mối để lập ban chỉ đạo hoặc hội đồng bảo vệ trẻ em theo các quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng. Thời điểm đó có 34 tỉnh chưa có ban chỉ đạo, cấp huyện, cấp xã thì rất ít, tuy nhiên trong 34 tỉnh đó đến thời điểm hiện tại cũng mới chỉ có thêm 17 tỉnh thành lập, 17 tỉnh vẫn chưa lập. Thời điểm hiện tại mới chỉ có 5.510/11.162 xã có bộ phận này, cấp huyện mới có 440/713 huyện thành lập. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị trong vòng 1 tháng tới tỉnh nào không triển khai, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê bình. |