Trông giữ xe những ngày Tết Nguyên đán tại Hà Nội:

Tha hồ “chặt chém”, lấn chiếm vỉa hè

11:01 04/02/2014
Trong khi giá cả sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ khá bình ổn thì dịch vụ trông giữ xe tại các điểm vui chơi, đền chùa trên địa bàn Hà Nội vẫn tiếp tục chu kỳ “chặt chém” khách như mọi năm. Những điểm trông giữ xe tự phát, thời vụ cũng mọc lên trên khá nhiều tuyến phố và không hề bị lực lượng chức năng xử lý.

Đêm giao thừa, hàng nghìn người nô nức đổ về hồ Hoàn Kiếm, điểm bắn pháo hoa đẹp nhất của Hà Nội. Ngay từ 9h tối, khu vực xung quanh Bờ Hồ đã tấp nập người. Các điểm trông giữ xe chật cứng xe gửi, và mức giá cũng khiến người gửi ngỡ ngàng. 50.000 đồng/xe/lượt là mức giá phổ biến ở khu vực này vào đêm 30 Tết. Toàn bộ khu vực tượng đài Cảm tử quân cũng biến thành bãi trông giữ xe “chật như nêm”.

Nếu muốn có mức giá rẻ hơn, nhiều người phải đi vòng vèo ra các phố xa điểm bắn pháo hoa như Hàng Tre, Hàng Vôi gửi với mức phí 20.000 - 30.000 đồng/xe máy, sau đó phải đi bộ 400-500m vào Bờ Hồ. Sau màn pháo hoa, khách lễ chùa cũng bị “chém đẹp”. Bãi xe to nhất, rộng nhất ở Phủ Tây Hồ cũng nâng mức giá trông xe ôtô lên 100.000 đồng/xe trong khi mức giá được UBND TP Hà Nội quy định là 30.000 đồng/xe.

Tại Văn Miếu, toàn bộ vỉa hè được huy động chăng dây làm bãi gửi xe. Giá trông giữ xe máy là 20.000 đồng/xe, khách hàng chỉ có hai lựa chọn: Hoặc chấp nhận trả tiền hoặc mang xe đi chỗ khác gửi. “Không gửi nhanh hết chỗ gửi thì đừng thắc mắc nhé, chị đi thử ra quanh đây, có chỗ nào rẻ hơn không, ngày Tết thì phải chấp nhận chứ”, nhân viên trông xe thản nhiên trả lời khách.

Bãi giữ xe tự phát trước cổng Văn Miếu lấn chiếm hết vỉa hè của người đi bộ.

Để ý sẽ thấy, nếu khách chịu khó đi vào qua cổng gửi phía trong khuôn viên của Văn Miếu thì sẽ được mức giá “mềm” hơn: 10.000 đồng/lượt. Tuy nhiên, mức giá này cũng cao hơn mức giá 3.000 đồng/xe theo đúng quy định. Khách đi ôtô muốn vào Văn Miếu cũng phải chịu mức giá từ 80.000 - 100.000 đồng/xe. Điều đáng nói là vỉa hè bị chiếm làm nơi trông giữ xe, nên du khách muốn đi lại phải đi dưới lòng đường Quốc Tử Giám. Mức giá 20.000 đồng/xe máy được coi là mức giá phổ biến trong những ngày Tết.

Tại chùa Bà Đá (quận Hoàn Kiếm), nếu khách vào lễ chùa mua hương, hoa của người bán trước cổng chùa sẽ được trông xe miễn phí. Nếu không mua đồ, sẽ phải trả 20.000 đồng/xe và không hề có vé. Các điểm trông xe tự phát xung quanh chùa Quán Sứ cũng mọc lên nhan nhản, kéo dài ra trước cổng Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô. Mức trông xe tại khu vực này cũng vẫn ở mức 20.000 đồng/xe máy và 100.000 đồng/xe ôtô.

Cho đến thời điểm này, mùng 5 Tết, mức giá trông giữ xe vẫn chưa hề có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Và dự đoán, qua rằm tháng Giêng, giá trông giữ xe mới có thể trở về mức bình thường.

Theo chị Nguyễn Phương Lan, năm nào chị và gia đình cũng đi lễ vào ngày đầu năm mới. Năm nào cũng phải chịu mức giá gửi xe cao gấp gần 10 lần so với quy định thì năm nay, một số điểm lại có mức giá “mềm” hơn dù vẫn cao hơn mức ban hành. “Tôi đi lễ chùa Hà, gửi xe máy chỉ mất 10.000 đồng. Như thế cũng là rẻ hơn năm ngoái rồi. Mức trông giữ ôtô ở đây cũng chỉ 50.000 đồng thôi. Ngày Tết như thế cũng là chấp nhận được, rẻ hơn nhiều điểm khác nhiều”.

Khu vực đền Quán Thánh (quận Ba Đình) cũng được coi là địa điểm có mức giá trông giữ xe hợp lý nhất, 5.000 đồng/xe máy. Nhưng, những địa điểm trên chỉ là số rất ít trong hàng trăm bãi trông giữ xe mọc lên tự phát và tự định ra mức giá. Người dân không còn cách nào khác phải chấp nhận bị “chém đẹp”.

Điều khiến dư luận bức xúc là trong dịp Tết, các điểm trông giữ xe tự phát mọc lên “như nấm”, mức giá cao nhưng hầu như không có bóng dáng lực lượng chức năng đi kiểm tra hay chấn chỉnh. Chính sự thiếu vắng của các ngành có liên quan đã dẫn tới việc năm nào, vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán, tình trạng loạn các điểm trông giữ xe và loạn giá cũng diễn ra. Hàng tỷ đồng tiền thu được từ việc trông giữ xe này sẽ vào túi ai? Trong khi nếu thu theo đúng quy định, mức giá nộp vào ngân sách chỉ là 3.000 đồng/xe máy?

Nhóm PV KTXH

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文