Thầy giáo trẻ tình nguyện "cõng chữ" ra Trường Sa
“Tôi còn trẻ nên khi Tổ quốc cần, cho dù ở đâu, tôi xin nguyện xung phong đến những nơi đó. Gia đình là một phần quan trọng nhưng phục vụ đất nước còn quan trọng hơn. Tôi đã lên rừng rồi, giờ xuống biển. Ở đảo xa chắc chắn sẽ vất vả nhưng những người lính, người dân trên đảo vẫn sống được thì tôi một thanh niên đầy nhiệt huyết tuổi trẻ cũng sẽ sống và làm việc tốt ở nơi đó”. Lá đơn chỉ chừng đó dòng trình bày lý do xin được ra Trường Sa dạy học của thầy giáo trẻ Trần Hướng, quê xã Gio Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đã thuyết phục được Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa trong đợt thi tuyển giáo viên ra Trường Sa dạy học vừa qua.
Hướng là con út trong gia đình có tới 9 người con. Tuổi thơ của cậu không được sung túc như bao bạn bè cùng trang lứa. Từ lúc học cấp 2, cậu đã phải theo cha lênh đênh trên biển cả giăng lưới bắt cá tôm để kiếm sống. Hướng tốt nghiệp Trường CĐSP Phạm Văn Đồng (Đà Nẵng) cách đây 3 năm và xung phong dạy học ở các điểm Trường Tiểu học của xã Ba Nang, huyện Đakrông, Quảng Trị. Thời gian này, Hướng đã "cắm bản" ở những nơi xa xôi nhất như Trầm, Bù, Ngược, Tà Mên...
Thượng úy Công an Trần Văn Hiệu hiện đang công tác tại Đồn Công an thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh - là người anh ruột của thầy giáo trẻ Trần Hướng đang dặn dò, động viên em mình trước lúc lên đường ra Trường Sa dạy học. |
Chứng kiến cuộc sống còn nhiều khó khăn của đồng bào thiểu số, nhận thấy rõ nguy cơ nhiều học sinh người Vân Kiều không thể xuống núi học chữ, Hướng đã lặn lội đến từng nhà tìm mọi cách giúp các em đến trường.
Hành trang thầy giáo trẻ Trần Hướng mang theo là lời nhắn gửi của người cha, một cựu chiến binh một thời vào sinh ra tử trên chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa. Ông là Trần Hoa Lư (75 tuổi): “Người thầy giáo cũng là người chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ chủ quyền của quê hương. Con hãy sống và làm việc với niềm hãnh diện của người đưa đò, người thanh niên Việt
Còn với Hướng: “Trong tâm tưởng tôi, Trường Sa rất gần gũi. Đó còn là nơi những ngư dân miền biển quê tôi được bao bọc, chở che khi những trận bão biển kéo đến bất ngờ khi họ lênh đênh kiếm sống trên biển cả mênh mông. Đó là núm ruột quê hương giữa trùng khơi mà bao đời cha ông mình từng gìn giữ bằng cả mồ hôi, nước mắt và cả máu đỏ nhuộm biển xanh. Những đứa trẻ trên đảo như mầm cây non vươn mình chống chịu phong ba hôm nay sẽ là cây đời vững chãi giữ gìn biên cương Tổ quốc. Và hơn bao giờ hết, truyền cho các em con chữ là trách nhiệm của thế hệ đi trước"