Thích là vẽ bậy lên tường di tích
Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội đang đến gần, mọi hoạt động văn hoá đều đang nối nhau thực hiện với những mong góp phần làm tôn thêm vẻ đẹp của Thủ đô Hà Nội trong thời gian diễn ra Đại lễ. Thế nhưng, hiện nhiều bạn trẻ (chủ yếu là học sinh, sinh viên) đã và đang coi "vẽ lưu niệm" tại các khu di tích, danh thắng văn hóa như là một thú vui. Khiến nhiều khu di tích mất đi tính mỹ quan, trang trọng cổ kính của nó…
Sở thích nguy hại
Có thể không ngoa khi nói rằng, hai khu di tích, danh thắng Hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm) và Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa) chính là cái "hồn" thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến thưởng lãm của Thủ đô Hà Nội. Một là nơi đánh dấu thời kỳ hào hùng của giang sơn nước Việt, một là nơi ghi nhận truyền thống hiếu học của dân tộc ta.
Ấy vậy mà với mục đích bộc lộ một chút xúc cảm của mình mà nhiều bạn trẻ khi lui tới đây đã không ngại ngần viết những dòng chữ với đủ loại kiểu dáng, kích cỡ như: "Mình đã từng qua đây…", "Ngày hôm nay bọn mình đã đến đây"… lên những dấu tích hiện còn lại trong khu di tích lịch sử này.
Người dân Thủ đô, đặc biệt là những ai sống quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm đã không còn xa lạ với việc nhiều bạn trẻ (lứa tuổi học sinh, sinh viên) "trút" bầu tâm sự của mình lên Tháp Hòa Phong hay Tháp Bút. Những dòng chữ như "C yêu N.A", "H love T"… hay "Con ước học giỏi"… xuất hiện ngày một nhiều hơn.
Không chỉ vậy, nhiều bạn trẻ còn sử dụng cả tiếng nước ngoài như: Anh, Trung, Nhật, Hàn… để vẽ "lưu niệm". Điều này khiến không ít du khách nước ngoài sau khi nhìn thấy đã phải ngán ngẩm lắc đầu…
Bác Hòa - một người dân thường xuyên đi dạo quanh Bờ Hồ tập thể dục cho biết: "Bọn trẻ bây giờ hễ cứ đi qua đây là lại dùng bút (bút phủ), phấn vẽ lại vài dòng. Ngày trước, Tháp Hòa Phong sạch đẹp lắm, có chữ nào đâu. Thế mà bây giờ thì chằng chịt toàn chữ là chữ. Nhìn rất phản cảm".
Khi được hỏi về lý do viết lên di tích này, Phương - học sinh lớp 11 của một trường THPT đóng trên địa bàn quận Thanh Xuân thản nhiên cho biết: "Em thấy các bạn em bảo ở đây thiêng. Nên em muốn thử xem có "linh" hay không?". Nói rồi, Phương tiếp tục dùng bút phủ viết lên thành tháp những dòng chữ "lưu niệm" của mình. Thực tế cho thấy, các em dường như đã không biết rằng, sở thích vẽ "lưu niệm" của mình đã vô tình làm xấu đi hình ảnh khu di tích có lịch sử ngàn năm văn hiến, mang đậm nét văn hóa này.
Tiếp tục tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng rơi vào tình trạng tương tự. Trên chiếc Chuông đồng cũng như những tấm bia ghi danh tiến sĩ còn lưu giữ tại đây cũng xuất hiện không ít dòng chữ "lưu niệm" có nội dung phản cảm do các bạn trẻ viết ra.
Cần sớm ngăn chặn
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Kim Ngọc, Giám đốc Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: "Chuông và Trống cũng là một trong các dấu tích lịch sử như tượng và bia tiến sĩ. Nên việc vẽ lên những dấu tích này là hoàn toàn vi phạm. Nó gián tiếp làm hình ảnh khu di tích xấu đi. Gây phản cảm cho du khách lui tới đây tham quan, thưởng lãm.
Để ngăn chặn thú vui trên, thời gian tới đây, trung tâm sẽ ráo riết kiểm tra đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm". Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ra ngày 12/12/2005 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Chính phủ có nêu rõ: "Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000đ đến 100.000đ đối với các cá nhân, tổ chức làm hoen bẩn, vẽ, viết, dán quảng cáo, tranh ảnh vào các biển hiệu, biển quảng cáo, panô, áp phích, cây, cột điện…" (Điều 10, khoản 1, điểm d).
Như vậy, hơn lúc nào hết các cơ quan chức năng hữu quan cần sớm ngăn chặn trào lưu vẽ "lưu niệm" tại các điểm du lịch, di tích lịch sử trong giới trẻ, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trên… nhất là vào thời điểm hiện nay, khi Đại lễ kỷ niệm Thăng Long 1.000 năm đang cận kề.
Mặt khác, các bạn trẻ cần thấy rõ sự nguy hại của thú vẽ "lưu niệm" hơn nữa. Tránh vì chút "xúc cảm" mà làm xấu đi hình ảnh trang nghiêm, tôn kính của các khu di tích