Thiếu hụt lao động phổ thông sau kỳ nghỉ Tết
Không giống các văn phòng công sở khai xuân đúng mùng 9 Tết (18/2), công nhân nhiều công ty tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trở lại làm việc từ mùng 6 Tết (15/2), sớm hơn so với quy định, mặc dù trước đó họ nghỉ tết muộn hơn (từ 29 Tết). Tuy nhiên, đến thời điểm chiều 18/2, theo ghi nhận của chúng tôi, số lượng công nhân trở lại làm việc đã khá đông, các doanh nghiệp có nguy cơ thiếu hụt lao động sau tết có những chính sách đãi ngộ tốt hơn với công nhân song vẫn không ít cơ sở vẫn thiếu nguồn lao động.
1h30 chiều 18/2, dưới cái nắng chang chang như đổ lửa, hàng loạt công nhân vẫn cần mẫn tỏa về các công ty thuộc khu công nghiệp Tân Thuận, quận 7, TP Hồ Chí Minh, chuẩn bị cho giờ giao ca chiều. Anh Vũ Đình Quang, quản đốc của một công ty sản xuất xe đạp cho biết, công ty của anh làm việc từ ngày mùng 6 Tết nhưng phải đến ngày 18/2, hầu hết các công ty mới chính thức khai xuân. Riêng với bộ phận làm việc của anh Quang, vẫn còn khá nhiều công nhân chưa trở lại làm việc.
Công nhân chen chúc làm thủ tục vào thay ca vào đầu giờ bên cạnh bảng tuyển dụng của công ty vào chiều 18/2 tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP Hồ Chí Minh. |
Theo quy định, đây sẽ là những chỗ làm việc cần tuyển dụng mới trong năm 2013. Dạo một vòng quanh các công ty, chúng tôi nhận thấy rất nhiều tấm biển tuyển dụng công nhân còn mới tinh được trưng sẵn trước cổng công ty với nhiều lời mời gọi hấp dẫn về chế độ đãi ngộ, lương cao, ưu tiên người khuyết tật... Trong đó, chiếm đến một nửa để bảng tuyển dụng là các đơn vị sản xuất hàng may mặc.
Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp Tân Bình, quận Tân Bình, khu công nghiệp Linh Xuân, Linh Trung, Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh cũng trong tình trạng tương tự. Điều đáng chú ý là hầu hết các công ty khai xuân sớm lại là các công ty nghỉ Tết muộn (chính thức nghỉ Tết vào 29/12).
Trao đổi về tình hình công nhân trở lại làm việc sau Tết, ông Vương Phước Thiện, Chủ tịch Công đoàn Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, tại ca làm việc buổi sáng 18/2, có đến trên 95% công nhân các đơn vị đã trở lại lao động. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số chính xác vì còn 2 ca làm việc buổi chiều và buổi tối.
Tại khu vực huyện Củ Chi, bà Nguyễn Thị Ánh Thu, Chủ tịch Công đoàn huyện cũng cho biết, trừ Công ty TNHH Saehwa Vina, công nhân bỏ về vì vấn đề lương thưởng chưa được giải quyết dứt điểm, khoảng 50 công ty có quy mô lớn từ 300 công nhân đến 9.000 công nhân đều đã làm việc trở lại. Chưa thấy có vấn đề phát sinh gì về lực lượng lao động đầu năm. Tuy nhiên, với các công ty, đơn vị quy mô nhỏ thì chưa nắm bắt con số thống kê chính xác.
Với lĩnh vực dệt may, khu vực thường xuyên trong tình trạng thiếu hụt lao động, tình hình ít khả quan hơn. Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt may TP, bà Nguyễn Hồng Liên nhấn mạnh: “Khát” lao động ngành Dệt may là tình trạng thường xuyên trong cả năm, riêng sau Tết càng có khả năng thiếu hụt nhiều hơn. Tại TP Hồ Chí Minh, có khoảng 200 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này.
Để giữ chân, kéo người lao động trở lại với doanh nghiệp sau Tết, rất nhiều đơn vị đã chủ động sáng tạo cách làm, có chế độ đãi ngộ người lao động, khuyến khích người lao động chung tay tuyển dụng lao động cho đơn vị: tổ chức xe đưa công nhân về quê ăn Tết, rước công nhân lên công ty làm việc sau kỳ nghỉ như Công ty Mountech, thưởng 300.000 đồng/người nếu vào làm việc đúng ngày của Công ty May Sài Gòn xuất khẩu, kêu gọi công nhân giới thiệu bạn bè người thân vào làm việc bằng cách hỗ trợ thêm 1,2 triệu đồng/tháng trong vòng 3 tháng liên tiếp nếu công nhân đó giới thiệu được 1 người cho công ty...
Phân tích thị trường lao động tháng 1/1013, dự báo nhu cầu nhân lực tháng 2 và tháng 3/2013, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cũng cho biết: Sự thiếu hụt lao động sau Tết Nguyên đán thể hiện sự thiếu hụt nhân lực cục bộ trong một số nhóm ngành sử dụng nhiều lao động như: Dệt - may, dịch vụ phục vụ… đa số cần nhu cầu lao động trung cấp, sơ cấp nghề, lao động phồ thông. Trong tháng 2/2013, dự kiến thành phố cần 15.000 lao động cho nhu cầu việc làm ổn định và khoảng 8.000 lao động thời vụ.
Tháng 3/2013, thị trường cần 30.000 lao động để phát triển sản xuất kinh doanh tập trung ở các ngành sản xuất như Cơ khí, Điện - Điện lạnh - Điện công nghiệp, Kiến trúc - Kỹ thuật xây dựng, Cơ khí, Nhựa - Bao bì, Bất động sản, Dệt may - Giày da. Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp sẽ tăng. Dự kiến lao động phổ thông chiếm 35%, nhu cầu lao động có trình độ sơ cấp đến trung cấp chiếm 40% , nhu cầu lao động có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học chiếm 25%