Thừa Thiên - Huế: Bệnh nhi tăng đột biến
Hơn 1 tuần nay, tại các phòng khám Khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế, người đến khám bệnh chật kín cả hành lang. Hầu như tất cả các bà mẹ, ông bố đều đứng ngồi nhấp nhổm không yên vì con mình đang bị ốm.
Chị Lê Thị Thanh Nhạn một tay bế con, một tay dùng tờ báo quạt cho cháu nhỏ đang đầm đìa mồ hôi và sốt cao. Cháu mới được 2 tháng tuổi. Chị Nhạn cho biết đã chờ ở đây hơn 1 tiếng nhưng vẫn chưa đến lượt khám. Chị cũng đã xin bác sĩ được khám trước, nhưng vì trường hợp như chị có khá nhiều nên chưa giải quyết được.
Bên cạnh mẹ con chị Nhạn là vợ chồng anh Nguyễn Văn Tuân đưa con gái 3 tuổi đến khám. Nhà ở tận Quảng Ngãi, anh chị phải ra đây ở nhà trọ từ trước. Anh Tuân cho biết, gần đây con của anh bị triệu chứng khó thở, thỉnh thoảng ngất xỉu, Bệnh viện Quảng Ngãi nghi bị bệnh tim, giới thiệu đến khám tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Hà, Trưởng phòng Khám cho biết: Những ngày qua, bệnh nhi đến khám bệnh tăng đột biến. Trước đây, mỗi ngày chỉ có khoảng 150 cháu. Hiện nay đã tăng lên hơn 300 cháu đến từ các tỉnh miền Trung. Do thời tiết thất thường nên nhiều trẻ em mắc bệnh sốt siêu vi, hen suyễn, hô hấp, viêm phổi, không ít trẻ bị bệnh về tiêu hóa... Bệnh nhân ở xa đến chủ yếu bị bệnh nặng như tim, một số bệnh về nội tiết, hoặc bệnh khó phát hiện.
Bác sĩ Đinh Quang Tuấn, Trưởng khoa Nhi cho biết, trước tình trạng bệnh nhân tăng đột biến, Khoa đã mở thêm hai phòng khám và tăng cường thêm 4 bác sĩ ở bộ phận điều trị để phục vụ bệnh nhân nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, hiện Khoa tiếp tục mở thêm hai phòng khám. Bên cạnh sự tăng đột biến bệnh nhi ở các phòng khám, số bệnh nhi ở các phòng điều trị nội trú cũng tăng lên. Trước đây chỉ có khoảng 150 cháu, hiện có trên 200 cháu.
Bác sĩ Tuấn cho biết, nguyên nhân bệnh nhi tăng đột biến là do thời tiết thay đổi thất thường, sức đề kháng của trẻ nhỏ yếu nên dễ mắc bệnh. Do vậy, các phụ huynh cần chú ý đề phòng bệnh cho con em bằng cách giữ vệ sinh về thực phẩm, vệ sinh thân thể cho các cháu. Không để các cháu bị nhiễm lạnh, hoặc sống ở môi trường quá nắng, nóng. Nếu phát hiện các bệnh thủy đậu, chân tay miệng cần phải cách ly để tránh lây lan.
Trong thời điểm nhạy cảm về các bệnh cúm mới, trẻ có triệu chứng sốt, ho nên đưa đến khám ở các cơ sở y tế để có tư vấn chăm sóc. Không nên tự mua thuốc điều trị. Cần tăng cường bồi dưỡng, nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng cho cơ thể trẻ