Thừa Thiên-Huế đưa chương trình giáo dục địa phương vào giảng dạy

11:57 23/07/2021
Tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa quyết định đưa chương trình giáo dục địa phương (GDĐP) vào tiết học bắt buộc đối với học sinh cấp Trung học cơ sở (THCS), nhằm trang bị cho các em những hiểu biết về lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội… của địa phương; bồi dưỡng tình yêu quê hương và vận dụng tri thức, góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn của địa phương…


Hơn 2 năm nay, di sản Ca Huế được đưa vào giảng dạy cho học sinh các trường THCS Ðặng Văn Ngữ, Thống Nhất (TP Huế) và mô hình này đang được triển khai ở một số trường khác. Từng lời ca, âm điệu của những bài ca Huế đã được các giáo viên Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên-Huế truyền dạy cho các thế hệ trẻ.

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, việc đưa chương trình giáo dục di sản văn hóa vào trường học giúp học sinh hiểu rõ hơn lịch sử địa phương mình, trân trọng vốn di sản quý giá của cha ông để lại; từ đó, khơi dậy lòng tự hào và ý thức bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa của thế hệ trẻ. Ví dụ như ở xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền), có nhiều địa điểm để tham quan, trải nghiệm, trong đó có thể kể tới dấu tích phủ Bác Vọng xưa, miếu Bà Tơ huyền thoại, khu di tích lăng mộ và miếu thờ nghĩa sĩ Cần Vương Đặng Hữu Phổ, Hợp tác xã Mây tre đan Bao La…

Các em học sinh tham quan tại di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đình làng Dương Nổ, xã Phú Dương, TP Huế.

Cạnh Quảng Phú là xã Quảng Thọ có khu di tích lưu niệm Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh, Công viên Văn hóa và khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu... Nhiều năm nay, các trường học ở Quảng Phú, Quảng Thọ và huyện Quảng Điền nói chung đã có hơn 50% các hoạt động tham quan và trải nghiệm tại các địa điểm này. Học sinh được các thầy, cô giáo đã kể về cuộc đời, thân thế của các nhà hoạt động cách mạng, qua đó giáo dục, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước cho các em.

Tương tự, tại xã Phú Mậu (huyện Phú Vang), nơi người chiến sĩ cộng sản, nhà cách mạng ưu tú Nguyễn Chí Diểu được sinh ra và lớn lên, khu di tích lịch sử văn hóa và nhà lưu niệm cụ Nguyễn Chí Diểu nằm ở làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu (di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia) đã trở thành địa chỉ tham quan, nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, nhất là học sinh các trường học trên địa bàn huyện.

Em Nguyễn Thị Hoài, học sinh Trường THCS Phú Mậu cho biết, đã nhiều lần được đến tham quan tại khu di tích này, nhưng lần nào em và các bạn cũng hào hứng khi được nghe thầy, cô giáo kể nhiều về quá trình tham gia hoạt động cách mạng của cụ Nguyễn Chí Diểu.

Theo bà Cái Thị Cẩm Hương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Lộc, chương trình GDĐP đã được triển khai từ lớp 2 đến lớp 5. Mỗi môn học GDĐP chỉ có từ 1-2 tiết/năm và các tiết học này, các giáo viên thường tổ chức đưa học sinh đến tham quan tại Nhà tưởng niệm Đại tướng Lê Đức Anh ở xã Lộc An (huyện Phú Lộc) và viếng, dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn huyện. Qua đó, giúp cho các em tìm hiểu về các nhân vật lịch sử, giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước.

Chương trình GDĐP áp dụng các phương pháp tích cực hóa hoạt động của học sinh, trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kĩ năng đã tích lũy được để phát triển. Các hoạt động học tập nói trên được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường thông qua một số hình thức như: học lý thuyết; thực hiện bài tập, trải nghiệm tham quan di tích lịch sử; sinh hoạt tập thể, hoạt động phục vụ cộng đồng…

Ông Nguyễn Tân cho biết thêm, khác với trước đây, chương trình GDĐP chỉ có 1 năm 1-2 tiết học thì trong thời gian đến chương trình GDĐP ở cấp THCS là môn học bắt buộc, phải xây dựng đủ 35 tiết/khối/lớp (tương đương 1 tiết/tuần). Giáo trình được biên soạn mỗi khối lớp có 1 cuốn tài liệu. Chương trình GDĐP cấp THCS được thiết kế theo các chủ đề và dựa trên các mạch kiến thức lịch sử - văn hóa, địa lý- môi trường, kinh tế - chính trị - xã hội và được tích hợp trong tài liệu Giáo dục địa phương các lớp (từ lớp 6 đến lớp 9).

Việc triển khai tổ chức biên soạn chương trình GDĐP, đưa vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục phổ thông toàn tỉnh,góp phần bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước, tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa Huế, xây dựng văn hóa, kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển. Quá trình biên soạn tài liệu địa phương, ngành GD&ĐT kết hợp từ hai phía, đó là các chuyên gia, nhà nghiên cứu, khoa học chuyên trách trong lĩnh vực xuất bản sách và mời các nhà nghiên cứu văn hóa Huế; các nhà nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa - xã hội - kinh tế của Huế; các giảng viên chuyên ngành Sư phạm Huế để cùng tham gia biên soạn và thẩm định.

Hải Lan

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vừa phối hợp Công an tỉnh Nam Định triệt xóa thành công nhóm đối tượng sản xuất, phát tán mã độc trên không gian mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài khoản cá nhân, dữ liệu người dùng trên địa bàn toàn quốc và các quốc gia trên thế giới, bắt giữ 22 đối tượng.

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ngày 6/5, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Ninh Thuận cho biết, cơ quan này đang phối hợp UBND, Công an huyện Ninh Hải và Đồn biên phòng Vĩnh Hải tiến hành kiểm tra, xác minh, xử lý vụ việc nữ du khách đến từ Hà Nội bị hành hung tại bãi Kinh ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Trong lúc đang đánh cá trên biển, do lốc xoáy, sóng to đã làm 4 tàu cá ở Quảng Bình gặp tai nạn, trong đó có 3 tàu bị chìm, 1 tàu mất liên lạc. Hiện 11 ngư dân vẫn còn mất tích. Công tác tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân mất tích đang được triển khai rất khẩn trương

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文