Thương cảm gia cảnh nữ lao công tử nạn vì “xe điên”
Nỗi đau khôn nguôi
Chiều 26-4, chúng tôi men theo con ngõ nhỏ 81 Xã Đàn, phường Phương Liên (quận Đống Đa – Hà Nội) đến với gia đình chị Lê Thị Thu Hà (SN 1977) – nữ lao công tử nạn bởi chiếc “xe điên” gây ra trên đường Láng vào đêm 22-4 vừa qua. Căn nhà cấp bốn của gia đình chị Hà trống huơ, trống hoác. Bên ban thờ chị Hà nghi ngút khói nhang, chị Lê Kim Loan thắp nén hương tưởng nhớ.
Đôi mắt đỏ hoe vì nhớ em, vì thương cho hai cháu. Không khí ảm đạm bao trùm ngôi nhà. Bà Nguyễn Thị Liên, mẹ đẻ chị Hà tranh thủ chợp mắt trên tấm phản nơi góc nhà sau nhiều đêm mất ngủ. Mọi người trong gia đình đến giờ vẫn không tin rằng, vụ tai nạn kinh hoàng hôm ấy đã cướp đi chị Hà.
Đại diện Báo CAND thăm hỏi, chia sẻ mất mát với gia đình chị Lê Thị Thu Hà. |
Rót nước mời chúng tôi, chị Loan không kìm được nước mắt. Chị bảo, gia đình chị có 8 anh, chị em. Nhưng đến nay, ông trời đã “cướp” đi hai người em của chị, trong đó có chị Hà. Khoảng hơn 23h, chị vừa chợp mắt sau một ngày làm việc căng thẳng, bỗng tiếng chuông điện thoại di động réo liên hồi. Từ đầu dây bên kia vọng lại tiếng người bạn: “Hà! Em chị vừa gặp nạn ở đường Láng, chị ra đấy ngay đi!”. Nghe đến đây, chị Loan như muốn rụng rời chân tay.
“Lúc đó, tôi cùng người thân liền ra đường Láng. Cứ nghĩ chỉ là tai nạn bình thường. Nhưng gần đến nơi, thấy có đông cán bộ Công an bảo vệ hiện trường… Tôi không muốn tin những gì đang xảy ra là sự thật nữa…Hà em tôi mãi không về nữa rồi!”, chị Loan nói trong nước mắt.
Trong câu chuyện với chị Loan, chúng tôi được biết, đến 23h ngày 25-4, hậu sự cho chị Hà ở quê nhà – xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) được hoàn tất. Mọi người trở về nhà trong xót xa. Chị có hai người con trai đang ở nhờ nhà bà ngoại.
Cháu lớn học lớp 9 và cháu nhỏ học lớp 6. Theo lời kể của chị Loan, trong thời gian qua, do cuộc sống khó khăn, nên hằng ngày, chị chạy Grab, còn buổi tối thì tranh thủ làm lao công quét vệ sinh đường phố.
Chị là lao động chính trong gia đình. Cách đây không lâu, chị được tăng cường sang khu vực đường Láng để quét lá rụng…và rồi, tai nạn đã xảy đến với chị. Trong giây lát, “xe điên” đã khiến gia đình chị Hà trở nên ly tán. Bữa cơm gia đình thiếu vắng chị, trong màn đêm nơi phố xá Hà Nội không còn hình ảnh của chị cần mẫn với tiếng chổi tre xào xạc...
Cháu Trần Đức Anh (SN 2004) – con trai lớn của chị Hà đang vào thời kỳ gấp rút ôn thi cuối cấp. “Mẹ mất, Đức Anh và em trai mất đi chỗ dựa tinh thần rất lớn. Trước nỗi đau mất mát người thân chị Hà đang gặp phải, đại diện Báo CAND đã gửi lời thăm hỏi và chia sẻ, tặng 3 triệu đồng mong muốn gia đình chị sớm vượt qua nỗi đau này.
Vẫn canh cánh nỗi lo “ma men” cầm lái
Như Báo CAND đưa tin, khoảng 23h ngày 22-4, sau khi sử dụng rượu – bia tại một đám cưới người cháu ở quận Đống Đa, tài xế Đỗ Xuân Tuyên (SN 1970, ở quận Ba Đình, Hà Nội) điều khiển xe ôtô Hyundai mang BKS 29A-284.09 từ ngõ Vĩnh Hồ ra phố Tây Sơn, trong quá trình lưu thông đã gây ra tai nạn hàng loạt, khiến chị Lê Thị Thu Hà là nhân viên thu gom rác bị tử vong tại chỗ. Tại cơ quan Công an, tiến hành kiểm tra nồng độ cồn của tài xế Tuyên đã cho kết quả nồng độ cồn vượt ngưỡng quy định. Hiện cơ quan CSĐT đang tiến hành điều tra, xử lý tài xế Tuyên theo quy định của pháp luật.
Vụ tai nạn trên thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng “ma men” cầm lái gây tai nạn nghiêm trọng trong thời gian qua. Trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nhiều lần phản ánh về hệ lụy khôn lường do rượu – bia đem lại, nhất là đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, kể từ ngày 1-8-2016, mức phạt đối với các lỗi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn là khá cao.
Theo đó, sẽ phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe ôtô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (tước giấy phép lái xe từ 4-6 tháng).
Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (tước giấy phép lái xe từ 3-5 tháng)… Thế nhưng, dường như chưa đủ sức răn đen, nhiều trường hợp vẫn phớt lờ quy định cấm, sử dụng rượu – bia vượt ngưỡng, điều khiển phương tiện trong trạng thái say xỉn. Và rồi, hậu quả đau lòng xảy ra thì hối hận đã muộn.
Những quán nhậu, quán bia trên các tuyến phố thuộc địa bàn thành phố Hà Nội như: Võ Chí Công, Hoàng Quốc Việt, Trần Thái Tông, đường Bưởi… luôn hút khách vào các buổi trưa, cuối giờ chiều và hình ảnh về những dân nhậu mặt đỏ gay rời quán, lấy xe ra về trong dáng đi xiêu vẹo vẫn cứ nối nhau xuất hiện trong thời gian qua.
Số liệu của Cục CSGT – Bộ Công an cho thấy có đến hơn 70% số vụ TNGT xảy ra trong thời gian qua là do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện. Sử dụng rượu – bia khi điều khiển phương tiện, phóng nhanh vượt ẩu, lấn làn đường... là những lỗi vi phạm và là nguyên nhân trực tiếp khiến số vụ TNGT luôn diễn biến phức tạp trong thời gian qua. Nỗi lo về “ma men” cầm lái đe dọa tính mạng người tham gia giao thông vẫn canh cánh phía trước.
Đề cập đến vấn đề này, Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật và Điều tra, xử lý TNGT, Cục CSGT (Bộ Công an), tỏ ra lo lắng và cho hay, bình quân mỗi ngày, TNGT đã khiến trên dưới 20 người thiệt mạng, nhiều gia đình chỉ trong thoáng chốc không còn người thân.
Trong số này có không ít vụ liên quan đến rượu – bia. Do vậy, để tình trạng “ma men” cầm lái không là nỗi lo của xã hội, các cơ quan chức năng cần nâng cao văn hóa giao thông, đạo đức người lái xe. Cùng với việc tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bản thân mỗi tài xế phải luôn có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho bản thân và tính mạng người xung quanh.