Tỉ lệ mắc và tử vong do ung thư cổ tử cung ở Việt Nam rất cao
Những con số về tỉ lệ tử vong cũng như số người mắc ung thư CTC ở Việt Nam đủ khiến nhiều người giật mình. Theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên nhân chính của tình trạng này là do phụ nữ chưa được khám sàng lọc định kỳ và chưa có hệ thống phát hiện sớm ung thư qua các xét nghiệm thích hợp và dễ tiếp cận.
Ngay cả khi những người phụ nữ phát hiện các dấu hiệu tiền lâm sàng các tổn thương của ung thư CTC, họ cũng chưa được điều trị kịp thời, đúng cách. Bên cạnh đó, nhận thức của phụ nữ ở nhiều vùng nông thôn về tầm quan trọng của việc sàng lọc ung thư CTC còn hạn chế, tỷ lệ khám sàng lọc còn thấp và chủ yếu là thụ động, trong khi đó công tác tiêm phòng ngừa ung thư CTC chưa được triển khai rộng rãi tại Việt Nam.
Nếu các tổn thương ở CTC không được sàng lọc, điều trị kịp thời thì khoảng 10 năm nữa, tỉ lệ mắc mới và chết do ung thư CTC sẽ tăng thêm 25%. Đây là điều rất đáng lo ngại trong bối cảnh Việt Nam vẫn chưa có chương trình tầm quốc gia về sàng lọc, dự phòng và điều trị ung thư CTC được áp dụng trên toàn quốc.
Một ca phẫu thuật ung thư cổ tử cung. |
Thực tế, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Đức, Viện Trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và Gia đình, cho biết, Viện đã phối hợp với Quỹ Ung thư CTC Australia tiến hành dự án sàng lọc ung thư CTC từ năm 2012 đến nay, ở 5 tỉnh và với các phụ nữ từ 30-50 tuổi, cho thấy đa số đều bị viêm đường sinh dục.
Xét nghiệm cho 750 phụ nữ ở huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc có đến 75% phụ nữ bị viêm nhiễm; trong số hơn 2.200 phụ nữ được xét nghiệm tại TP Hòa Bình, đã có trên 63% phụ nữ viêm CTC âm đạo, 50% phụ nữ viêm do vi sinh; tại Thái Bình và Cần Thơ, tỉ lệ phụ nữ bị viêm nhiễm phụ khoa, chủ yếu là viêm âm đạo và viêm cổ tử cung bất thường lên tới trên 70%.
Nghiên cứu trên hơn 2.200 phụ nữ của BS Phạm Kỳ Sơn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cho thấy những con số đáng quan tâm về tỉ lệ ung thư CTC có liên quan đến trình độ học vấn, nghề nghiệp: Nhóm phụ nữ có trình độ đại học có tỷ lệ có tế bào ung thư, tiền ung thư cao nhất với 11,9%, cao hơn hẳn nhóm phụ nữ có trình độ thấp hơn và mù chữ. Ngoài ra, tỷ lệ phụ nữ có sử dụng thuốc tránh thai có tỷ lệ tế bào tiền ung thư, ung thư CTC cũng cao hơn so với phụ nữ không dùng thuốc tránh thai (7,29% so với 4,17%).
Chính vì thế, ung thư CTC đang là vấn đề nóng, khi là một trong những căn bệnh có tỷ lệ gia tăng hàng đầu ở nước ta và đã cướp đi tính mạng của nhiều phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, với các nghiên cứu thực tế, các chuyên gia cho biết, ung thư CTC có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được sàng lọc và phát hiện sớm và rất khó điều trị nếu bệnh ở giai đoạn muộn.
PGS.TS. Lê Trung Thọ (Đại học Y Hà Nội) cho biết: Một nghịch lý là trong khi ung thư CTC gần như có thể dự phòng được, thì bệnh này là loại ung thư phổ biến nhất mà phụ nữ Việt Nam phải chịu. Tại Mỹ, nhờ áp dụng chương trình sàng lọc trên diện rộng và có tổ chức nên tỉ lệ mắc bệnh đã giảm mạnh. Ở Anh, tỉ lệ mắc ung thư CTC cũng đã giảm mạnh nhờ tiến hành sàng lọc để phát hiện sớm.
Theo PGS.TS. Trịnh Hữu Vách, Giám đốc dự án hợp tác với Úc: Tuy ung thư CTC gây tử vong cao, đặc biệt ở giai đoạn muộn, song nếu phát hiện sớm thì điều trị hiệu quả cao: Phát hiện ở giai đoạn 0 và điều trị thì tỉ lệ sống 5 năm đến 100%, nếu phát hiện muộn giai đoạn 4 thì điều trị tỉ lệ sống 5 năm chỉ có 5%.
Nếu phụ nữ có tầm soát thì mức độ phát triển ung thư là 0,7% và nếu không tầm soát sẽ là 2,5%. Hơn 10 năm không tầm soát thì nguy cơ ung thư CTC tăng 12 lần. Do đó, quá trình khám sàng lọc ung thư CTC là rất quan trọng, nhằm phát hiện sớm các tổn thương tiền ung thư.
Từ quá trình nghiên cứu của mình, PGS.TS Lê Trung Thọ đề nghị: Nên triển khai khám phụ khoa, xét nghiệm tế bào CTC cho toàn bộ phụ nữ, ưu tiên cho nhóm tuổi 30-50 một cách định kỳ, có hệ thống để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời các tổn thương CTC nhằm giảm tỷ lệ ung thư.
Tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về bệnh phụ khoa cho phụ nữ, nhất là kiến thức phòng tránh ung thư CTC, chủ động đến cơ sở y tế khám phụ khoa định kỳ và tái khám theo hướng dẫn của cán bộ y tế cũng như cải thiện môi trường sống và làm việc, để giảm tỉ lệ mắc bệnh.