Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất

14:12 03/07/2014
Cho đến nay, chỉ riêng ở Bệnh viện Nhi TW đã có 130 bệnh nhân bị viêm não virus, trong đó, 46 trường hợp đã xác định là viêm não Nhật Bản (VNNB) với 1 trường hợp tử vong. Bệnh VNNB đã có mặt tại 18 tỉnh, thành, riêng Hà Nội hiện có số mắc cao nhất. Nguy cơ bệnh VNNB tăng cao là hoàn toàn có cơ sở, vì bây giờ mới bắt đầu mùa dịch và đỉnh dịch vẫn đang ở phía trước.

Để cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết về việc phòng, tránh căn bệnh này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. 

- Ông có thể nói rõ về mức độ nguy hiểm của bệnh VNNB?

PGS.TS Trần Đắc Phu: VNNB là bệnh nhiễm virus cấp tính, do virus VNNB gây ra. Bệnh được phát hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản khi gây dịch ở nước này với số người mắc và tử vong rất cao. Bệnh làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Bệnh thường có biểu hiện sốt cao đột ngột, nhức đầu, nôn mửa; rối loạn tinh thần ở các mức độ khác nhau: vật vã mê sảng hoặc ly bì, lú lẫn, hôn mê kèm theo co giật, cử động bất thường hoặc bị liệt. Tỷ lệ tử vong cao có thể lên đến 10-20%.

- Nguy cơ mắc bệnh VNNB có theo lứa tuổi không, thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Tất cả mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus VNNB đều có thể bị mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh VNNB chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh nếu chưa từng được tiêm chủng, có thể bị nhiễm virus khi đi du lịch, lao động, công tác vào vùng có bệnh VNNB.

- Nhiều người lo ngại về việc bệnh VNNB có thể lây trực tiếp từ người sang người?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Bệnh VNNB không lây trực tiếp từ người sang người, mà truyền sang người qua muỗi đốt. Muỗi hút máu động vật bị nhiễm virus (thường từ lợn) rồi từ đó đốt người và truyền bệnh cho người. Muỗi truyền bệnh VNNB được gọi là véc-tơ truyền bệnh. Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng, tiếp xúc gần gũi với người bệnh không làm lây bệnh.

PGS.TS Trần Đắc Phu.

- Thưa ông, ở nước ta, bệnh VNNB lưu hành ở những vùng nào?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Bệnh VNNB lưu hành trong cả nước, nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Các ổ dịch tập trung ở các vùng trồng nhiều lúa nước kết hợp với chăn nuôi lợn, hoặc vùng trung du bán sơn địa trồng nhiều hoa quả và nuôi lợn. Động vật nhiễm virus là nguồn truyền nhiễm bệnh VNNB cho người. Nguồn truyền nhiễm trong thiên nhiên là các loài chim và một số loài bò sát. Nguồn truyền nhiễm ở súc vật gần người quan trọng nhất là lợn, do dễ bị nhiễm virus và được chăn nuôi ở nhiều gia đình. Ngoài ra, trâu, bò, dê, cừu cũng có thể là ổ chứa virus.

- Tại sao lợn lại là nguồn truyền nhiễm quan trọng nhất, thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Vì tỷ lệ lợn bị nhiễm virus VNNB trong vùng dịch rất cao (khoảng 80% đàn lợn nuôi), hầu hết gia đình ở nông thôn đều nuôi lợn. Sự xuất hiện virus VNNB trong máu lợn xảy ra ngay sau khi lợn bị nhiễm virus. Thời gian nhiễm virus huyết ở lợn kéo dài từ 2 - 4 ngày với số lượng virus VNNB trong máu rất cao, đủ để gây nhiễm cho muỗi để từ đó truyền bệnh cho người.

- Xin ông cho biết bệnh VNNB thường xảy ra vào mùa nào?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Bệnh VNNB có thể xảy ra quanh năm, nhưng mùa dịch thường bắt đầu vào các tháng mùa hè, đỉnh điểm dịch vào các tháng 5, 6, 7. Sở dĩ bệnh hay gặp vào mùa này là vì đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, cũng là mùa có nhiều loài hoa quả chín thu hút chim từ rừng về mang theo mầm bệnh từ nơi hoang dã, rồi từ đó lây sang đàn lợn, gia súc gần người và sau đó lây sang cho người.

- Bệnh viêm não virus cũng đang gia tăng cả số mắc và tử vong ở nhiều tỉnh. VNNB có phải là nguyên nhân chính của viêm não virus?

PGS.TS Trần Đắc Phu: VNNB chỉ là một trong các nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm não virus ở nước ta. Trước khi Việt Nam triển khai tiêm vaccine phòng VNNB, nguyên nhân gây viêm não virus do virus VNNB chiếm tới 61,3%. Nhưng nay, do việc tiêm vaccine VNNB, số trường hợp viêm não do virus VNNB đã giảm, chỉ chiếm khoảng 10-15% tổng số mắc bệnh viêm não virus.

- Có phải tất cả các loài muỗi đều có thể lây truyền bệnh VNNB không?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Có nhiều loài muỗi có khả năng truyền bệnh VNNB, tuy nhiên có 2 loài muỗi chính truyền bệnh này đó là Culex. tritaeniorhynchus và Culex. vishnui. Đây là hai loài muỗi thường sinh sản và trú đậu ở ruộng lúa nước, nhất là ở ruộng mạ, nên được gọi là muỗi đồng ruộng. Chúng sinh sản và phát triển vào mùa hè, nhất là lúc nắng nóng, mưa nhiều. Loài muỗi này thường hút máu súc vật hoặc máu người vào chập tối.

- Bệnh VNNB là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và có thể lây lan thành dịch. Vậy ông có thể khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh VNNB như thế nào?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh quan trọng, hiệu quả và khả thi nhất. Ngoài ra, các biện pháp sau cũng góp phần phòng bệnh: vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu, nên dời chuồng gia súc xa nhà. Ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt. Các hộ gia đình thường xuyên sử dụng các biện pháp thông thường để xua, diệt muỗi. Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, phải đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

- Khi đi tiêm vaccine VNNB, có thể chú ý những tác dụng phụ nào?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Cũng như các vaccine khác, vaccine VNNB cũng có một tỷ lệ nhất định có tác dụng phụ khi tiêm. Đó là tại chỗ tiêm có thể bị đau, sưng, đỏ (thường gặp ở 5-10% người được tiêm). Một số ít có phản ứng toàn thân như sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi. Các phản ứng phụ trên xuất hiện khoảng vài giờ sau khi tiêm và thường tự hết sau 1-2 ngày. Ngoài ra có một tỷ lệ vô cùng nhỏ (khoảng 1/1 triệu mũi tiêm) có thể gặp choáng (sốc phản vệ) sau khi tiêm trong vòng vài giờ, cần được đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để xử trí cấp cứu.

- Trẻ em ở độ tuổi nào được tiêm miễn phí vaccine phòng VNNB trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR)?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Hiện nay vaccine VNNB trong chương trình TCMR hiện áp dụng cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi, là nhóm trẻ có nguy cơ mắc và biến chứng cao nhất.

- Cảm ơn ông!

Thanh Hằng (thực hiện)

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文