Tiến tới thành phố Đà Nẵng “5 không” thực sự

08:29 09/06/2005

Là “thành phố 5 không” nhưng Đà Nẵng vẫn còn tình trạng người bán rong “hành” khách ở một số địa bàn.

Triển khai từ đầu năm 2001, việc thực hiện các tiêu chí chương trình "5 không" - như đánh giá của ông Hoàng Tuấn Anh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng - là đã góp phần làm tăng uy tín của thành phố cả ở trong nước và ngoài nước.

Từ năm 2001 - 2005, thành phố đã giải quyết việc làm cho gần 100.000 lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp hơn 5,4%. Chương trình "5 không" cũng đã nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi đạt tỷ lệ 94% và hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Đến năm 2005, 47/47 xã, phường của Đà Nẵng phổ cập giáo dục trung học cơ sở đúng độ tuổi và 32/47 xã, phường phổ cập giáo dục bậc trung học…

"Thành phố 5 không": Không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có hộ đói, không có người nghiện ma tuý trong cộng đồng, không có giết người để cướp của…

Một trong những thành công của Đà Nẵng phải kể đến là "không có người nghiện ma tuý trong cộng đồng". Đi đôi với việc tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về hiểm họa ma túy, từ năm 2001 - 2004, Công an thành phố Đà Nẵng đã liên tục triển khai nhiều đợt tấn công trấn áp tội phạm về ma túy; bắt xử lý 211 vụ với 612 đối tượng phạm pháp hình sự về ma túy (trong đó có 118 vụ, 194 đối tượng phạm tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy trái phép và 90 vụ, 415 đối tượng sử dụng trái phép các chất ma túy...).

Trung tá Nguyễn Phi Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm thành phố Đà Nẵng khẳng định, đến nay, Đà Nẵng đã cơ bản không còn người nghiện ma tuý trong cộng đồng, hầu hết các vụ án ma túy mà Công an Đà Nẵng phát hiện, triệt phá trong thời gian qua đều là đối tượng từ nơi khác đến.

"5 không" còn dang dở(!)

Với những kết quả đã đạt được, trong năm 2005, thành phố Đà Nẵng sẽ dứt điểm chương trình "5 không" để chuyển sang "3 có" (có nhà ở, có việc làm và có nếp sống văn hoá, văn minh đô thị).

Tuy nhiên ở Đà Nẵng, hiện nay hầu như không có người lang thang xin ăn mà thay vào đó là trẻ đánh giày, bán báo dạo, bán xổ số… Các đối tượng này có mặt ở khắp nơi và cũng gây phiền phức không kém gì những người lang thang xin ăn.

Khách du lịch bị làm phiền trên địa bàn phường Hoà Hiệp.

Phiền phức, tai tiếng nhất về tình trạng người bán hàng rong chèo kéo, đeo bám khách tại Đà Nẵng lâu nay là ở khu vực dọc quốc lộ 1A, cửa ngõ phía Bắc thành phố thuộc phường Hoà Hiệp, quận Liên Chiểu. Đối tượng bán hàng rong ở khu vực này hầu hết là dân cư phường Hòa Hiệp.

Ngày cũng như đêm, những người bán hàng rong tụ tập tại các quán ăn, Trạm CSGT Kim Liên và đỉnh đèo Hải Vân ùa ra vây chặt lấy khách, buộc phải mua hàng mỗi khi có chuyến xe dừng lại. Ai lỡ trả giá mà không mua, ngay lập tức sẽ nhận được tiếng chửi thề cùng lời đe dọa (bằng cả tiếng Anh với khách nước ngoài).

Tình trạng bán hàng rong nhức nhối, phức tạp ở phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu tồn tại từ rất nhiều năm nay nhưng suốt quá trình thực hiện chương trình "5 không", chính quyền địa phương sở tại gần như không có giải pháp hữu hiệu nào để chấn chỉnh, ngăn chặn.

Trước sự phức tạp của trẻ đánh giày, bán sách báo dạo, hàng rong trên các đường phố, tháng 4/2005, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hoàng Tuấn Anh đã ký quyết định ban hành các biện pháp "quản lý hoạt động đánh giày, bán sách, báo dạo và bán hàng rong".

Ngoài các quy định buộc các đối tượng đánh giày, sách báo dạo và hàng rong phải tuân thủ, chính quyền thành phố cũng đề ra những biện pháp xử lý như giao cho địa phương quản lý, giáo dục, tạo điều kiện cần thiết để làm ăn sinh sống (với đối tượng có hộ khẩu tại Đà Nẵng); tập trung đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội, phân loại và trả về địa phương nơi cư trú (với các đối tượng không có hộ khẩu tại Đà Nẵng).

Căn cứ quyết định của Chủ tịch UBND thành phố thì trên địa bàn Đà Nẵng sẽ có 9 tuyến đường và khu vực nghiêm cấm mọi hoạt động đánh giày, bán sách báo dạo, hàng rong… Đáng tiếc là trong số các tuyến đường, khu vực cấm hàng rong lại không có một dòng nào nhắc đến phường Hoà Hiệp, quận Liên Chiểu - khu vực "nhạy cảm" khiến Đà Nẵng mang tai tiếng trong quá trình thực hiện chương trình "5 không"

Phan Thanh Bình

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Một phụ nữ hôn mê gan cấp trên nền bệnh viêm gan B, cuộc sống chỉ tính bằng giờ đã may mắn được hồi sinh nhờ được ghép gan kịp thời từ nguồn hiến của người chết não vì tai nạn giao thông (TNGT).

LTS: Từ 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được ký bằng chữ ký “khô” (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về giá trị pháp lý của nó. Ngoài việc sử dụng chữ ký “khô” để cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, HUBT còn sử dụng trong công tác văn thư, tài chính kế toán… để duy trì mọi hoạt động của trường. Trước sự việc này, phóng viên Báo CAND đã có loạt bài phản ánh các vấn đề đã và đang diễn ra tại HUBT.

Con số 70 nổi bật được đổ màu theo đa hướng, cách điệu với ngôn ngữ đảo chiều, hàng chữ “Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” mang màu xanh hoà bình. Đó là những nét khắc họa nổi bật của logo Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang được sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền trong những ngày tháng 5 lịch sử này.

Sáng 7/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Pơloong Bưu (SN 1995, trú xã Axan, huyện Tây Giang) về hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.

Mặc dù cuối tháng 6 kỳ thi tốt nghiệp THPT mới diễn ra nhưng ngay từ đầu năm 2024, nhiều trường đại học (ĐH) đã thông báo nhận hồ sơ xét tuyển sớm. Với ưu thế tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh trúng tuyển đại học mà không cần lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển sớm đang trở thành phương thức được nhiều thí sinh lựa chọn.

Những ngày tháng 5 lịch sử, khi cả nước có nhiều hoạt động hướng về Điện Biên Phủ, bộ phim tài liệu nghệ thuật "CAND trong khúc tráng ca Điện Biên Phủ" lần đầu tiên kết hợp giữa những thước phim tài liệu, đan xen thực cảnh - cách làm phim mới trong truyền thông hiện đại, với những cảnh quay ở Điện Biên Phủ, một số tỉnh, thành của Việt Nam và Pháp, đã ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文