Tiếp tục kích thích kinh tế theo mục tiêu trung và dài hạn
Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng sứ mệnh của gói kích thích ngắn hạn đã hết, cần phải dừng lại trong năm 2009. Thay vào đó là những giải pháp kích thích, tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế theo mục tiêu trung và dài hạn, bảo đảm nền kinh tế tăng trưởng bền vững.
Chính phủ đã điều hành linh hoạt, chủ động và hiệu quả
Các đại biểu Quốc hội đều cho rằng năm 2009 nổi bật là vai trò điều hành linh hoạt, chủ động của Chính phủ. Đại biểu Lê Quốc Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, năm 2009, cả doanh nghiệp và người dân đều phải chịu những khó khăn do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, Chính phủ đã có nỗ lực rất lớn, nhanh chóng đưa đất nước vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, trong Báo cáo của Thủ tướng trước Quốc hội tại kỳ họp, đã đưa ra được những chiến lược cụ thể, rõ ràng, đưa ra được nhiều chính sách: Hỗ trợ lãi suất vốn, bảo lãnh cho vay; cho vay về máy móc, sản xuất, làm nhà; đặc biệt là chính sách về an sinh… được áp dụng từ đầu năm đến nay đã phát huy tác dụng rất tốt. Điều đó cho thấy sự chuyển hướng chỉ đạo rất kịp thời của Chính phủ từ ngăn chặn, chống lạm phát đến ngăn chặn suy giảm để duy trì tăng trưởng hợp lý; đảm bảo an sinh".
Đồng tình với những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho rằng Quốc hội nên biểu dương Chính phủ với những nỗ lực đáng kể trong việc chèo lái con thuyền kinh tế của đất nước thời gian qua…
Thảo luận ở tổ ngày 22/10 của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. |
Cần tiếp tục hỗ trợ kinh tế để tăng trưởng bền vững
Tại phiên thảo luận tổ, vấn đề được các đại biểu tập trung bàn nhiều nhất là việc triển khai các gói kích thích kinh tế và việc cần thiết phải tái cấu trúc nền kinh tế. Theo đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), không nên tiếp tục kéo dài việc hỗ trợ lãi suất 4% và chấm dứt trước 31/12/2009 như kế hoạch. Thay vào đó cần nghiên cứu đến các giải pháp hỗ trợ trung hạn, như hỗ trợ việc đổi mới công nghệ. Những doanh nghiệp nào có dự án khả thi thì được hỗ trợ và việc này cũng cần triển khai khách quan, thận trọng, giới hạn lại đối tượng, phạm vi hỗ trợ chứ không triển khai tràn lan.
Đại biểu Trần Du Lịch phân tích: Nền kinh tế thế giới đang phục hồi nhưng mỗi nước lại khác nhau. Chúng ta tận dụng thời cơ này không phải để vượt lên, mà quan trọng là phải nhanh chóng tái cấu trúc nền kinh tế. "Tôi đề nghị bổ sung mục tiêu năm 2010 là tập trung nỗ lực phục hồi bền vững trên cơ sở là năng suất cạnh tranh, ưu tiên nâng cao chất lượng tăng trưởng…".
Theo đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội), vừa qua triển khai hỗ trợ 4% lãi suất phạm vi áp dụng hơi quá tràn lan, tới đây không nên tiếp tục hỗ trợ 4% lãi suất, nhưng có những DN, có lĩnh vực vẫn cần khuyến khích cấp tín dụng lãi suất 0%...Theo đại biểu, tới đây nên áp dụng chính sách vĩ mô dài hạn cho nền kinh tế phát triển, đặc biệt phát triển sức cạnh tranh của các DN trong nước.
Đẩy mạnh gỡ vướng về thủ tục hành chính
Đại biểu Đặng Huyền Thái (Hà Nội) cho rằng, hiện nay là thời cơ để nước ta tái cấu trúc nền kinh tế. Theo đại biểu, cần thiết phải quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, trở ngại còn rất lớn cho phát triển là hiện nay vấn đề thủ tục hành chính, còn gây tiêu cực. Đại biểu Huyền Thái cho rằng, cải cách thủ tục hành chính cần phải được đẩy mạnh hơn nữa, còn như hiện nay thì vẫn là rào cản cho sự phát triển. Cùng chung ý kiến này, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng cải cách hành chính đối với doanh nghiệp thì có tầm quan trọng không kém các giải pháp về kinh tế và nó giúp tăng trưởng bền vững. Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa ví đây là nguồn lực chưa được khai thác tốt.
Về các chỉ tiêu của năm 2010, theo TS Trần Du Lịch và nhiều ý kiến khác cho rằng, đặt ra mức tăng trưởng GDP ở mức 6,5% là hợp lý. Chỉ số tăng giá tiêu dùng theo đại biểu cần khống chế khoảng dưới 10%. Bội chi ngân sách năm 2010 cũng cần khống chế không quá 6%. Nếu quyết tâm đạt được mức này thì mới có cơ sở giảm dần trong những năm sau