Tính đến phương án lặn tìm, trục vớt tàu Phúc Xuân 68
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, mặc dù đã huy động tối đa các phương tiện và mở rộng phạm vi tìm kiếm, nhưng đến trưa 15/11, tung tích 8 thủy thủ vẫn chưa tìm thấy. Phương án lặn tìm thủy thủ bên trong tàu Phúc Xuân 68 khó thực hiện vì thời tiết ở hiện trường trong mấy ngày qua luôn biến động xấu, mực nước sâu hơn 90m, thợ lặn của các đơn vị cứu hộ trong nước không đảm bảo. Cục Hàng hải Việt Nam đã liên lạc với một số đơn vị chuyên trách cứu nạn - cứu hộ hàng hải có kinh nghiệm ở nước ngoài để được tham vấn, hỗ trợ; trong đó có Công ty Svitzer - Hà Lan.
Theo Công ty Svitzer, cho dù các thợ lặn chuyên nghiệp được trang bị quần áo chuyên dụng và bình dưỡng khí cũng khó có thể hoạt động dưới độ sâu 90m. Phương án duy nhất Svitzer đưa ra là sử dụng tàu lặn chuyên dụng, đủ điều kiện hoạt động ở độ sâu 100-200m trong thời gian dài và đội ngũ thợ lặn chuyên nghiệp mới có thể tìm kiếm. Do nhiều yếu tố tác động có thể xảy ra nên Svitzer không dự báo trước thời gian tìm kiếm, bởi lẽ còn phải khảo sát độ sâu nơi tàu Phúc Xuân 68 đang chìm, dòng hải lưu, điều kiện thời tiết, độ lệch nghiêng thân tàu… Theo đó, mức chi phí tìm kiếm, trục vớt cũng chưa thể dự toán được.
Sau nhiều ngày nỗ lực tìm kiếm nhưng tàu SAR 27-0 chỉ mới vớt được một số áo phao, bè phao có dự phòng thức ăn, nước uống, thuốc, pháo hiệu từ tàu Phúc Xuân 68 đang trôi dạt. |
Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam - ông Nguyễn Nhật cho biết, mọi nỗ lực trong mấy ngày qua và những ngày sắp tới đều phải tập trung tìm kiếm 8 thủy thủ mất tích. Việc thuê thợ lặn hoặc tàu lặn cần được nghiên cứu cẩn trọng để phòng ngừa, hạn chế rủi ro, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho thợ lặn. Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng, trong vụ chìm phà Seawol - Hàn Quốc, ở độ sâu khoảng 40 mét, phía bạn đã phải huy động 30 thợ lặn kinh nghiệm tìm kiếm nạn nhân trong nhiều tháng, cho đến khi Chính phủ Hàn Quốc công bố ngừng tìm kiếm vẫn còn 9 nạn nhân mất tích. Ở độ sâu nêu trên nhưng quá trình tác nghiệp đã có một thợ lặn tử nạn, 25 người khác trong đội thợ lặn ảnh hưởng sức khỏe khi áp suất cơ thể bị giảm. Trong khi đó vị trí tàu Phúc Xuân 68 bị chìm có độ sâu hơn 90m nên việc tìm kiếm phương án lặn tìm thủy thủ và trục vớt tàu phải được tính toán thật kỹ với sự tham vấn của các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Nhật cũng lưu ý đến vấn đề đưa đón thân nhân có nguyện vọng ra hiện trường vụ chìm tàu cũng như thuê tàu tìm kiếm ven bờ và các đảo trong khu vực cũng phải được giám sát chặt chẽ, đảm bảo an toàn tính mạng. Đặc biệt phải nghiêm cấm những trường hợp tự thuê thợ lặn tìm kiếm vì đây là hoạt động chuyên môn của các đơn vị chuyên ngành cứu nạn - cứu hộ hàng hải thực hiện sau khi các cơ quan chuyên trách thống nhất phương án tối ưu nhất