Tình trạng Cử nhân thất nghiệp: Hãy đào tạo theo nhu cầu xã hội

23:55 20/04/2013
Dựa trên số liệu tuyển sinh đầu vào hằng năm cho thấy việc cử nhân thất nghiệp một phần rất lớn do lệch pha ngay từ khâu chọn ngành, nghề của học sinh. Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhân lực lao động TP Hồ Chí Minh, trong thời gian tới tại TP Hồ Chí Minh cần khoảng 270 ngàn lao động, gồm: 70% lao động có tay nghề, 20% lao động trình độ CĐ và 10% lao động có trình độ ĐH và sau ĐH.

Tuy nhiên đến thời điểm này theo thống kê sơ bộ có một tỉ lệ rất lớn thí sinh dự thi CĐ-ĐH năm 2013 vẫn vào khối ngành kinh tế, ngân hàng, tài chính, bất chấp những cảnh báo dư nhân lực trong tương lai của Bộ GD&ĐT và các trung tâm cung ứng, nghiên cứu về thị trường lao động.

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên Phòng tuyển sinh Văn phòng Bộ GD&ĐT tại TP Hồ Chí Minh thì năm 2013 cả nước có 548.000 chỉ tiêu CĐ-ĐH. Nhưng nếu tính bình quân mỗi học sinh THPT làm một bộ hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, và có 3 đợt thi ĐH-CĐ thì riêng số hồ sơ thi ĐH đã ngót nghét 2 triệu. Thế nhưng mỗi năm có tới 50% số thí sinh phải gác ước mơ giảng đường vì thi không đạt. Và không ít thí sinh trong số này đi thẳng ra thị trường lao động làm việc mà không qua đào tạo nghề, còn một số tiếp tục dùi mài kinh sử ôn cho kỳ thi ĐH-CĐ sau. Chính vì vậy trong cả nước hiện có tới hàng ngàn cơ sở đào tạo nghề, mỗi năm có 600 ngàn chỉ tiêu từ sơ cấp đến trung cấp và cao đẳng vẫn bị “ế” vì thí sinh không mặn mà.

Thí sinh nên thận trọng khi quyết định chọn trường hoặc nghề. (Ảnh minh họa: Hoàng Đạt)

Riêng tại TP Hồ Chí Minh có 42 trường đào tạo TCCN trực thuộc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh và khoảng 60 trường, trung tâm đào tạo nghề trực thuộc Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh với hàng trăm ngàn chỉ tiêu có nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng thực tế các trường không tuyển đủ chi tiêu, thậm chí có trường, trung tâm phải giải thể hoặc chuyển công năng.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhân lực lao động TP Hồ Chí Minh trăn trở: Mặc cho các doanh nghiệp, công ty “đỏ mắt” tìm lao động cho các nhà máy doanh nghiệp với mức lương và đãi ngộ cao, nhưng cũng có rất ít người theo học công nhân kỹ thuật, kỹ thuật viên. Ngược lại hàng trăm ngàn cử nhân ra trường trăn trở tìm việc, chấp nhận cả những công việc phổ thông, còn việc học nghề thì “nhất quyết” ngoảnh mặt quay lưng.

Ghi nhận tại ngày hội việc làm ở huyện Nhà Bè vừa qua cho thấy chỉ có 10/520 em học sinh hiện đang học lớp 9 trả lời muốn đi học nghề sau khi học hết lớp 9. Còn tại ngày hội việc làm ở huyện Củ Chi thì chỉ có 6/250 học sinh có ý định học nghề sau khi tốt nghiệp THCS. Con số này ở học sinh THPT cũng chỉ đạt từ 9-12% sau tốt nghiệp THPT. Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nhà Bè cho rằng: Tư vấn cho học sinh - phụ huynh thường xuyên, liên tục vẫn chưa đủ mà còn phải giải quyết việc làm cho các em sau khi ra trường. Giảm tải áp lực đại học, cân bằng lại cơ cấu nhân lực hiện nay chứ không thể kéo dài mãi tình trạng học sinh chuộng ĐH, chê trường nghề.

Xét về “lỗi” hệ thống dẫn tới tình trạng sinh viên thất nghiệp, một tình trạng rất phổ biến lâu nay đó là các cơ sở giáo dục ĐH tổ chức đào tạo chủ yếu dựa vào năng lực đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất, mà không cập nhật, phát triển các chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội. Đào tạo những ngành trường có khả năng, chưa đào tạo những ngành xã hội cần. Việc giao chỉ tiêu tuyển sinh chủ yếu căn cứ vào năng lực đào tạo của cơ sở giáo dục ĐH mà chưa tính đến nhu cầu sử dụng nhân lực của xã hội. Trong khi đó, hệ thống quản lý lao động và việc làm ở cấp trung ương không cung cấp thông tin dự báo nguồn nhân lực theo trình độ và ngành đào tạo trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, không đưa ra các cảnh báo kịp thời cho các nhà trường và xã hội.

Xét về quyền đăng ký tuyển sinh và lựa chọn ngành đào tạo thì do người học tự quyết định. Nhưng phổ biến trong quan niệm, tư duy phụ huynh Việt nam là tập trung cho con đi học những ngành nghề được coi là “thời thượng”, được XH trọng vọng, đánh giá cao, còn vấn đề đầu ra như nơi làm việc, có phù hợp năng lực hay không, không quan trọng. Và một yếu tố ảnh hưởng rất lớn tới tình trạng thất nghiệp đông hiện nay là tình hình suy thoái kinh tế trong 2 năm qua dẫn đến hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc làm, khiến lực lượng SV ra trường ngày càng dôi dư ở một số ngành nghề, khó khăn hơn trong tìm kiếm việc làm.

Và một chuyện “lạ” tại Việt Nam là việc học sinh học nghề khi đang học phổ thông phải chịu một “áp lực” vô lý là định kiến của xã hội do còn nặng về coi trọng bằng cấp. Vấn đề học tập còn dựa nhiều vào thi cử, thành tích, đặc biệt là đánh giá sự thành công dựa trên bằng cấp thì việc trường nghề ế ẩm, cử nhân loay hoay tìm việc là câu chuyện còn dài chưa có hồi kết

Huyền Nga

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文