Tố sán lá gan 12cm bị "nhầm” là u ác tính
Chẩn đoán nhầm sang ung thư gan giai đoạn cuối
Gia đình bé Nguyễn Thị H., 11 tuổi ở Thanh Oai, Hà Tây đưa con tới Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (SRKSTCTTƯ) khi bệnh tình của em đã rất nguy kịch. Trước đó, một bệnh viện đã chẩn đoán H. mắc ung thư gan. Các bác sỹ đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ 1 phần phân thùy gan của H.. Sau đó, H. bị sưng phù khớp gối, gia đình tiếp tục đưa em tới một bệnh viện khác điều trị.
Lúc này, H. đã bị con sán xuyên thủng chân. Khi đó, các bác sỹ mới xác định được H. bị sán lá gan lớn và chuyển H. sang Viện SRKSTCTTƯ. Tuy phát hiện bệnh quá muộn và phải chịu phẫu thuật oan, nhưng H đã may mắn thoát chết.
Tương tự như em H., gia đình chị Nguyễn Thị K., 48 tuổi ở Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh đã tuyệt vọng đưa chị về quê, sau khi được một bệnh viện chẩn đoán ung thư gan giai đoạn cuối với khối u 12cm. Gia đình chị đã lặn lội đi nhiều nơi cắt thuốc nam điều trị với hy vọng còn nước còn tát.
Nhưng một năm sau, bệnh tình của chị K. không hề thuyên giảm. Gia đình đã tính tới chuyện hậu sự cho chị thì tình cờ, có một cán bộ xã khuyên gia đình nên đưa chị K. đi xét nghiệm lại. Bởi chính người cán bộ xã này trước đó cũng đã từng bị chẩn đoán nhầm sán lá gan thành ung thư gan.
Chị K. đi xét nghiệm tại Viện SRKSTCTTƯ và nhận được kết quả bất ngờ, khối u 12cm bị chẩn đoán nhầm là ung thư gan của chị chính là tổ của con sán lá gan lớn. Sau một thời gian tích cực điều trị, chị K. đã khỏi bệnh và hoàn toàn khoẻ mạnh.
PGS.TS Nguyễn Văn Đề, giảng viên Đại học Y Hà Nội, nguyên Phó trưởng Khoa Ký Sinh trùng, Viện SRKSTCTTƯ, cho biết, bệnh sán lá gan lớn rất khó chẩn đoán, kể cả với hình ảnh siêu âm hay chụp cắt lớp. Bởi các tổn thương do ấu trùng xuyên qua thành gan có thể gây những triệu chứng không rõ rệt.
Do đó, có nhiều bệnh nhân mắc sán lá gan lớn bị chẩn đoán nhầm thành ung thư gan hoặc áp xe gan..., dẫn đến bệnh nhân bị điều trị không đúng nguyên nhân gây bệnh, gây tốn kém chi phí và tổn hại sức khoẻ. PGS.TS Đề cho biết thêm, từ năm 2004 đến nay, Việt Nam đã liên tục phát hiện gần 5.000 bệnh nhân bị sán lá gan lớn, trong đó trường hợp nhỏ nhất mới có 18 tháng tuổi.
Nhiễm sán do ăn sống các thực vật thủy sinh
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Đề phân tích, người ăn phải ấu trùng sán lá gan lớn vào đường tiêu hoá, sau 1 giờ, ấu trùng sẽ thoát kén và xuyên qua thành ruột. Sau 2 giờ, sán non đã xuất hiện trong ổ bụng.
Đến ngày thứ 6, chúng đến gan và nằm trong nhu mô gan, gây những ổ hoại tử lớn. Nếu vật chủ thích hợp, chúng có thể tồn tại trong cơ thể người từ 9 năm đến hơn 13 năm. Nếu người chưa là vật chủ thích hợp, sán non có thể di chuyển tới nhiều cơ quan nội tạng.
Tại Việt
Bệnh sán lá gan lớn có những triệu chứng cấp tính rầm rộ như sốt, đau hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị, người bệnh còn có biểu hiện mệt mỏi, kém ăn, rối loạn tiêu hóa, kết quả xét nghiệm máu bạch cầu ái toan tăng, siêu âm phát hiện thấy các tổn thương về gan, rất dễ gây nhầm lẫn với các bệnh về gan, mật hoặc dạ dày. Bệnh sán lá gan lớn rất nguy hiểm, vì có thể dẫn tới tử vong do vỡ bao gan, xuất huyết hoặc sốc nhiễm trùng do viêm phúc mạc...
Tuy nhiên, các xét nghiệm bệnh sán lá gan lớn thường không gây tốn kém, thời gian chờ kết quả nhanh (24h), nên người bệnh có thể xét nghiệm sớm để loại trừ khả năng nhầm lẫn với các bệnh lý về gan, đặc biệt ung thư gan. Hơn nữa, nếu được phát hiện chính xác, việc điều trị sán lá gan lớn khá dễ dàng. Hiện đã có thuốc đặc trị sán lá gan lớn với hiệu quả điều trị đạt 100%.
PGS.TS Đề cho biết, người hay ăn sống thực vật thủy sinh như rau ngổ, rau cải xoong, rau muống nước, rau cần, uống nước lã... sẽ dễ bị nhiễm sán lá gan lớn, ấu trùng sán thường nằm trong cọng lá, rất khó rửa sạch. Muốn phòng bệnh, người dân chỉ cần thực hiện ăn chín uống sôi.
Nếu hộ gia đình có chăn nuôi thì phải tiêu diệt mầm bệnh bằng cách tẩy sán lá gan lớn định kỳ cho gia súc. Khi có các triệu chứng lâm sàng như trên, người dân nên đi khám bệnh ngay ở các cơ sở y tế chuyên khoa