Trách nhiệm không thể phủ nhận: Thủy điện gây thêm lũ cho hạ du

14:15 06/12/2013
Dù đến thời điểm này, dư luận liên quan đến những cơn lũ chồng lũ ở miền Trung đã nhạt bớt phần nào, nhưng đối với chính những nạn nhân của cơn lũ ấy, với biết bao mồ hôi nước mắt bỗng chốc bị quét sạch, nỗi đau không dễ nguôi ngoai như vậy. Trong khi đó, đến thời điểm này, các thủy điện vẫn chối bỏ trách nhiệm liên đới đến việc gây thêm lũ cho hạ du, khiến người dân năm nay điêu đứng hơn năm trước.

Bộ khẳng định dựa trên số liệu của… chủ đầu tư?

Câu hỏi càng đơn giản, dường như càng khó trả lời, bởi khi PV Báo CAND đặt 2 câu hỏi chỉ cần khẳng định có hoặc không tại cuộc họp báo do Bộ Công thương tổ chức vào ngày 2/11, thì cả 2 câu hỏi đều không được trả lời. Đó là Bộ Công thương trong những thông tin gần đây đều khẳng định: Qua các số liệu báo cáo cho thấy, các hồ thủy điện lớn “vận hành theo đúng quy trình, góp phần cắt giảm đỉnh lũ và không gây thêm lũ cho hạ du”, vậy “số liệu đó đã được Bộ kiểm tra lại chưa, hay chỉ dựa vào báo cáo của chủ đầu tư?”; câu hỏi thứ hai là xin Bộ khẳng định “có hay là không việc thủy điện gây thêm tác động tiêu cực đến tình hình lũ lụt ở hạ du miền Trung”? Dù Bộ im lặng, nhưng thực ra, câu trả lời cho 2 câu hỏi này, không phải không thể tìm thấy trong các văn bản và thông tin chính Bộ Công thương cung cấp.

Trong một cuộc họp do chính Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chủ trì với sự có mặt của lãnh đạo nhiều địa phương bị ảnh hưởng lũ như Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Đà Nẵng; đại diện Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn… mới đây, ông Đỗ Đức Quân, Vụ trưởng Vụ Thủy điện đã thay mặt Bộ đọc báo cáo, trong đó có đề cập: “Theo số liệu thống kê trực tuyến của EVN và báo cáo của các chủ đầu tư cho thấy, việc vận hành các hồ chứa thủy điện lớn ở khu vực miền Trung đã được thực hiện đúng theo quy trình vận hành được phê duyệt, không gây thêm lũ cho hạ du, đã góp phần cắt giảm đỉnh lũ và lượng nước lũ về hạ du trên các sông, mặc dù các hồ chứa này không có nhiệm vụ chống lũ”. Báo cáo này không hề đề cập gì đến việc Bộ Công thương đã có kiểm tra hoặc thẩm định các số liệu đó.

Thủy điện An Khê - một “nghi phạm” làm tăng lũ ở Gia Lai.

Báo cáo cũng cho biết, trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, trong 12 giờ đầu của trận lũ ngày 5/11, hồ thủy điện Sông Tranh 2 đã cắt/giảm được 63% lượng nước lũ với dung tích 117 triệu m3. Hiệu quả cắt giảm lũ của hồ là tích cực. Hồ thủy điện Đắk Mi 4 đã cắt được tổng lượng nước về hạ du là 45,62 triệu m3, khoảng 18,84% tổng lượng nước lũ. Trên lưu vực sông Ba, hồ sông Ba Hạ cắt được 34 triệu m3 chiếm khoảng 6,7% tổng lượng nước lũ. Hồ Ka Nak cắt giảm 13,7 triệu m3, chiếm khoảng 9,9% tổng lượng nước lũ về hồ. Hồ An Khê dung tích nhỏ nhưng cắt giảm được 9,6% lưu lượng đỉnh lũ xả hạ du…

Với các dẫn chứng này, Vụ Thủy điện cho rằng: Một số ý kiến cho rằng một số nhà máy thủy điện ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên xả lũ gây ngập lụt lớn ở hạ du là “chưa phản ánh đầy đủ khách quan thực trạng”, nhưng cũng không khẳng định cáo buộc đó là sai.

Thủy điện có phủ nhận được trách nhiệm?

Nhìn nhận lại trận lụt khủng khiếp ở miền Trung đợt giữa tháng 11 vừa qua, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: Do hoàn lưu của bão số 15, từ ngày 14 – 17/11, các tỉnh Trung Bộ xuất hiện một đợt mưa rất lớn tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và Bắc Tây Nguyên. Tỉnh trọng điểm như Quảng Ngãi, lượng mưa lên tới 400 – 600 mm.

Nếu so sánh với 2 đợt mưa lịch sử năm 2009 và 1999, thì tổng lượng mưa năm 1999 lớn hơn, nhưng lại kéo dài đến 5 ngày, trong khi đợt này mưa dồn dập trong 2 ngày. Nếu tính theo giờ, lượng mưa ở Quảng Ngãi năm nay là lịch sử. “Lũ lụt miền Trung là một thiên tai đặc biệt bất thường, thiệt hại lớn, một trận lũ lịch sử, chỉ khác năm 2009, 1999 là diễn ra ở 2 tỉnh, nhưng lớn hơn 2 lần trước” - ông Tăng khẳng định. Tuy nhiên, ông Tăng cũng cho rằng “lũ ở Gia Lai, An Khê nếu so với đỉnh 2009 thì năm nay ngập lớn hơn, có thể do xả của hồ An Khê -Ka Nak”.

Khẳng định “tiếp cận việc phòng chống thiên tai không chỉ ở thủy lợi và thủy điện”, nhưng ông Tăng cũng cho rằng “tất nhiên xả lũ sẽ có những hiệu ứng nhất định”. “Theo những gì chúng tôi nhận được, thì các đồng chí cũng làm đúng quy trình, không làm sai. Nhưng có điều là mặc dù anh xả như thế, nhưng mỗi một lần xả coi như một thác nhân tạo. Anh xả từ trên cao mấy chục mét, nó góp phần làm cho dòng chảy ở phía dưới nhanh hơn, mạnh hơn so với tự nhiên, cái đó là chắc. Mặc dù có thể anh vào bao nhiêu xả bấy nhiêu, thì tập trung nước dưới hạ du vẫn cứ mạnh hơn”.

Về tính đúng đắn của quy trình, để dẫn đến hậu quả là quy trình thì vẫn đúng, mà người dân thì vẫn hứng lũ, ông Tăng cho rằng: “Tất cả quy trình đó có thể vận hành đúng, nhưng mọi quy trình thảo ra chỉ là lý thuyết. Nó phải trải qua thực tế vài ba trận lũ để kiểm nghiệm”. Nếu như thực tế là nước vẫn đổ lên đầu người dân, thì việc khẳng định làm đúng quy trình rồi hành xử như vô can là không thể chấp nhận.

Có thể nói rằng đến thời điểm này, chưa ai lên tiếng phủ nhận hoàn toàn trách nhiệm của thủy điện trong việc gây tiêu cực lên lũ lụt hạ du, và cũng không thể phủ nhận điều đó. Nó không chỉ là câu chuyện xả lũ, mà còn là chuyện rừng phòng hộ bị chặt phá để làm dự án, câu chuyện môi trường biến đổi khiến thiên tai ngày càng trở nên cực đoan hơn. Chúng ta không đổ hết lỗi cho thủy điện, nhưng có trách nhiệm thì phải nhận lỗi và bồi thường cho người dân. Đó là điều cần làm và phải làm.

Quy trình vận hành các hồ chứa có vấn đề

Có mặt tại cuộc họp do Bộ Công thương tổ chức, đại diện lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi thấy rằng quy trình vận hành các hồ chứa vừa rồi, đặc biệt sông Vu Gia - Thu Bồn và nói chung cả khu vực miền Trung nó có vấn đề. Chúng ta cũng nên phân tích để có cần thiết phải chỉnh sửa. Nó có vấn đề ở chỗ, khi áp dụng một quy trình vận hành của các lưu vực sông lớn, hồ chứa lớn như Hòa Bình, Sông Đà, Sơn La, mặc dù quy trình đó rất khoa học, nhưng chỉ áp dụng thuần túy (vào nơi khác) thì sẽ sai sót cực kỳ lớn, dễ dẫn đến những nhà quản lý, những người vận hành, những người dự báo sẽ bị vào vòng lao lý.

Chúng tôi tin rằng đợt vừa rồi cơ bản mà nói chúng ta đã thực hiện đúng với quy trình vận hành… Tuy nhiên, quy trình này làm cho người vận hành cực kỳ lúng túng, người dự báo không dự báo được. Bản chất ở chỗ chúng ta đã ban hành quy trình này và bắt mọi người vận hành theo quy trình này, nên phải điều chỉnh. Tôi ví dụ, dự báo trong 24h tới, lũ về hồ chứa Đắk Mi 4 là 550 m3/s, A Vương là 450 m3/s, các thủy điện này sẽ vận hành theo hướng xả nước ra để đưa mực nước hồ về mức cao trình đón lũ. Dự báo tiếp theo là 6 đến 12h tới, nếu lũ về đạt đỉnh, lúc này chúng ta đóng nó lại và nhốt đỉnh lũ vào. Rất là đúng. Nhưng vấn đề là ta có dự báo được đâu. Ai dự báo được 24h tới lượng nước về hồ là 550m3/s? Các lưu vực lớn thì dự báo được, ví dụ Hà Nội dự báo được 48 tiếng, sông Cửu Long dự báo được 5 ngày luôn. Nhưng Đắk Mi 4 và A Vương nhỏ xíu, độ dốc cực kỳ lớn, mưa xuống cái là chảy liền. Đợt mưa trước đã xảy ra tai tiếng rồi. Trong 7 tiếng đồng hồ mưa tại Khâm Đức xảy ra lũ chảy về Đắk Mi 4, thì sau 3 tiếng đồng hồ thôi đã xuất hiện đỉnh lũ vào hồ Đắk Mi 4 rồi. Như vậy làm sao có chuyện 6 giờ đến 12 giờ ta biết được đỉnh lũ. Cái này rất khó. Nước về quá nhanh không thể nào dự báo được. Do đó chúng tôi thống nhất quan điểm với Quảng Nam là phải vận hành theo mùa, chứ không thể theo từng đợt lũ”.

Vũ Hân

Đây là thông tin đáng chú ý được lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết tại buổi họp báo thường kỳ quý 4/2024 của Bộ Tài chính. Theo đó, nhiều vấn đề nóng được lãnh đạo Bộ Tài chính giải đáp theo các câu hỏi của phóng viên.

Chiều 7/1, phiên tòa xét xử bị cáo Lưu Bình Nhưỡng (cựu Đại biểu Quốc hội) và đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn. Trước khi thẩm vấn, Hội đồng xét xử tiến hành cách ly bị cáo Lưu Bình Nhưỡng cùng hai bị cáo khác là Lê Thanh Vân (cựu Đại biểu Quốc hội) và Nguyễn Văn Vương (cựu Chuyên viên Vụ pháp luật, Văn phòng Chủ tịch Nước) khỏi phòng xử án.

Chiều 7/1, dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu, lãnh đạo TP Hải Phòng tổ chức gặp mặt, biểu dương và khen thưởng Thủ môn đội tuyển bóng đá Việt Nam Nguyễn Đình Triệu, với số tiền thưởng lên tới 550 triệu đồng cùng Bằng khen của Chủ tịch UBND TP.

Thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát, lực lượng 363 Công an TP Hồ Chí Minh đã kịp thời phát hiện, truy xét các đối tượng mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hoặc hung khí, sử dụng xe độ chế không rõ nguồn gốc xuất xứ, hoạt động tín dụng đen… Từ đó kịp thời ngăn chặn, không để các đối tượng có điều kiện gây án…

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tính tới ngày 31/12/2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 15,08%, đạt quy mô 15,6 triệu tỷ đồng. Như vậy, trong năm 2024, hệ thống ngân hàng đã bơm thêm 2,1 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế.

Chiều 7/1, thông tin từ Ban ATGT TP Hải Phòng cho biết, cơ quan chức năng địa phương đang vào cuộc xử lý vụ tai nạn giao thông liên hoàn do lái xe vi phạm nồng độ cồn xảy ra trên địa bàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文