Trại giam Thủ Đức trước ngày đặc xá: Mong mỏi ngày về

09:17 15/08/2015
Trung tuần tháng 8, chúng tôi có mặt tại Trại giam Thủ Đức (tỉnh Bình Thuận). Những ngày này, những phạm nhân có tên trong danh sách xin đặc xá đều vui mừng, mong mỏi từng ngày trở về đoàn tụ với gia đình, tái hoà nhập cộng đồng.

Từ gần một tháng nay, những cán bộ của Đội Giáo dục hồ sơ luôn phải làm thêm giờ để kịp cho công tác xét đặc xá. Đại tá Trần Hữu Thông- Giám thị Trại giam Thủ Đức cho biết, công tác xét giảm án, đặc xá của trại được tổ chức công khai từ Hội đồng phạm nhân ở các buồng giam, phân trại đến lãnh đạo chỉ huy các phân trại và Hội đồng xét giảm án các cấp, không để lọt phạm nhân không đủ điều kiện ở trong danh sách đề nghị đặc xá, không có tiêu cực xảy ra. 

Do làm tốt công tác xét tuyển và bình bầu công khai, minh bạch nên hầu hết phạm nhân trong trại đã có bước chuyển biến tích cực trong nhận thức, từ mặc cảm đến yên tâm và tự giác chấp hành cải tạo, nhiều phạm nhân có mức án cao 20 năm đến chung thân không còn tư tưởng chống đối hoặc âm mưu trốn khỏi nơi giam giữ. Họ đều cố gắng cải tạo tốt, để mong muốn ngày về ngắn lại.

Trong những ngày này, tại các phân trại, không khí vui mừng, hồi hộp chờ ngày đặc xá lan toả tới từng buồng giam. Những người bạn tù chia sẻ với nhau cảm xúc bịn rịn, những lời động viên, chúc mừng. Từ xưởng sản xuất tới lao động ngoài trời, ai cũng tích cực làm việc với một tinh thần thoải mái. Phạm nhân chưa được xét đặc xá cũng tin tưởng rằng, nếu cải tạo tốt, trong một ngày không xa, niềm vui ấy cũng đến với mình.

Cán bộ Trại giam Thủ Đức kiểm tra hồ sơ phạm nhân.

Để làm tốt công tác đặc xá, những cán bộ giáo dục, quản giáo lại tất bật hơn với những lớp học kỹ năng sống, tái hoà nhập cộng đồng. Đại úy Nguyễn Trường Thụ, Đội Quản lý giáo dục, hồ sơ, Phân trại K3 cho biết, hiện những phạm nhân đang chờ đặc xá đang theo học lớp bồi dưỡng kiến thức về luật như Bộ luật Hình sự; Luật Giao thông đường bộ; Luật Cư trú; xoá án tích; Luật Đặc xá và tái hoà nhập cộng đồng. 

Trong đợt này, Phân trại 3 tổ chức học cho 113 phạm nhân, trong đó có 13 phạm nhân hết án trong tháng 9 và 100 phạm nhân được xét chờ đặc xá. Khoá học kéo dài 15 ngày, các học viên phải có 1 một bài thu hoạch học tập, để đưa vào lưu hồ sơ phạm nhân. Tại lớp học, các học viên ai cũng tập viết, chăm chú nghe giảng, tiếp thu chương trình giảng dạy. 

Trước đó, trong quá trình cải tạo, đơn vị đã phối hợp với phòng giáo dục huyện Hàm Tân mở lớp dạy văn hoá cho các phạm nhân chưa biết chữ, tổ chức dạy nghề, truyền nghề cho các phạm nhân. Sau mỗi đợt học, phạm nhân đã được cấp chứng chỉ đào tạo nghề để khi mãn hạn tù có điều kiện xin việc làm, ổn định cuộc sống.

Những phạm nhân được xét đặc xá không giấu nổi niềm vui khi sắp được quay về đoàn tụ với gia đình. Năm nay, phạm nhân Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1963 (Phân trại 2) được xét đặc xá. Anh nhập trại với bản án 10 năm cùng tội danh lưu hành giấy tờ có giá giả, đến nay đã thi hành án được hơn 6 năm. Anh là một trong 132 phạm nhân có tên trong danh sách giảm án của Phân trại 2. 

Phạm nhân Nguyễn Văn Dũng trải lòng: “Khi nghe cán bộ đọc tên trong danh sách xét đặc xá, tôi rất vui. Đêm hôm đó, tôi đã không ngủ được, đếm từng ngày để về với mẹ. Giờ mẹ tôi đã ngoài 90, đang phải ở một mình, tôi rất nhớ và mong muốn về để chăm sóc mẹ lúc tuổi già. Trong quá trình ở trại, tôi được học nghề may. Ra trại, tôi sẽ mở một tiệm may nhỏ ở nhà để đảm bảo cuộc sống”.

Phạm nhân trong xưởng may Trại giam Thủ Đức.

Phạm nhân Đặng Thanh An – sinh năm 1989 đang thụ án ở Đội 4 - Phân trại 2 với án phạt 7 năm cho tội danh cướp tài sản. Đến tháng 9 này, nếu được giảm án, An sẽ hết thời gian thụ án. “Ra trại em sẽ đi học nghề sửa chữa xe máy. Trong quá trình thụ án, em được cán bộ dạy nhiều điều từ cách sống, tính kiềm chế của tuổi trẻ và biết trân trọng giá trị của lao động. Về địa phương em sẽ xin việc, tu chí làm ăn, không phụ lòng cha mẹ” - phạm nhân An nói.

Phạm nhân Phạm Hữu Phước (Phân trại 3) cũng có tên trong danh sách xin đặc xá đợt này. Đây là một niềm vui lớn đối với Phước sau những ngày nỗ lực cải tạo. Phước vào trại với tội danh giết người cùng mức án phạt là 10 năm. Phước bảo rằng, việc đầu tiên khi ra trại là mong muốn được đến thắp nén nhang xin lỗi người đã khuất và gia đình. Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Phước nói sẽ làm kính xe hơi cùng với bố, khi có việc làm ổn định thì sẽ lấy vợ.

Đây chỉ là một trong số hơn 800 phạm nhân đang chờ xét duyệt đặc xá của Chủ tịch nước tại Trại giam Thủ Đức. Nếu được chấp thuận, họ sẽ trở về đoàn tụ với gia đình. Ai trong số họ cũng mong muốn có việc làm ổn định, cuộc sống tốt, hoà nhập được với cộng đồng. Đây cũng là mong muốn của những cán bộ quản giáo, những người làm công tác giáo dục đã gieo mầm thiện cho những tâm hồn một thời đi lạc. Mỗi một số phận được ân xá là phần thưởng sau những ngày tháng tích cực cải tạo tốt. Đây không chỉ là động lực để mỗi phạm nhân cùng phấn đấu mà còn là mục tiêu để các phạm nhân khác học tập, cùng cố gắng.

Trung tá Trịnh Thị Quế, Phó giám thị Trại giam Thủ Đức cho biết, từ năm 2010 đến nay, trại đã đề nghị xét giảm án cho 21.120 lượt phạm nhân, đề nghị đặc xá cho 2.150 phạm nhân. Trong đợt xét đặc xá 2-9 năm nay, dự kiến trên 800 phạm nhân được đặc xá; khoảng 1.500 phạm nhân được cấp xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Hầu hết những phạm nhân được hưởng đặc xá của trại khi về địa phương, về với cộng đồng, xã hội đã trở thành người lương thiện, có việc làm tương đối ổn định.
Lưu Hiệp - Hà Ly

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文