Trăm cách “bức tử” cây xanh Hà Nội

15:58 21/11/2008
Trên nhiều tuyến phố cổ như phố Hàng Lược, Hàng Mã, Hàng Cân, do vỉa hè hẹp, lại tập trung nhiều cây lâu năm nên nhiều hộ gia đình đã khoét gốc cây để làm chỗ đốt vàng mã, hoặc xây tường cao bao quanh để đặt biển quảng cáo. Thậm chí, có người còn bí mật "khoan" vài lỗ nhỏ vào thân cây rồi đổ hoá chất vào bên trong. Từ một tuần đến một tháng, cây vàng lá, héo hắt rồi lặng lẽ "qua đời".
>> Chặt cây gỗ sưa lúc 0h / Hà Nội: Cây xanh cũng kêu cứu

Theo thống kê của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội, hiện trên địa bàn Hà Nội (cũ) có hơn 200 nghìn cây xanh, thuộc 700 loại khác nhau. Tuy nhiên, nhiều cây xanh trên các tuyến phố của Thủ đô đã và đang bị "bức tử" bằng rất nhiều "thủ đoạn" khác nhau, từ việc đổ nước sôi, dầu nhớt vào gốc để cây chết từ từ đến việc triệt hạ cây ngay lập tức mà chưa có chế tài bảo vệ. Điều đáng nói là thủ phạm không ai khác chính là những người đang hằng ngày, hằng giờ sống dưới bóng mát của cây xanh.

Nhiều "thủ đoạn" nhằm "bức tử" cây xanh

Cây xanh từ lâu luôn được xem là "lá phổi xanh" của thành phố. Điều đó những tưởng ai cũng biết. Tuy nhiên, có một thực tế đã tồn tại trong nhiều năm nay là nhiều công dân của Thủ đô đã tìm đủ mọi cách triệt hạ cây xanh chỉ vì những tư lợi của cá nhân mình.

Một cây xanh đã bị khoét gốc.

Việc chặt phá và "bức tử" cây xanh trên địa bàn Hà Nội hiện nay được chia thành 2 hai loại. Một là chặt trộm, triệt hạ cây. Hai là dùng mẹo để "thủ tiêu" cây theo kiểu "cho nó chết từ từ".

Theo thống kê của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội, từ năm 2004 đến đầu năm 2008, trên địa bàn thành phố xảy ra gần 200 vụ xâm hại, chặt trộm cây xanh. Điều đáng nói ở đây là những cây xanh bị chặt đều trên 20 tuổi.

Gần đây nhất là vụ trước số nhà số 1 phố Thái Hà, 4 cây muỗng có đường kính từ 17 đến 35cm đã bị xe cơ giới kéo đổ.

Một vụ việc gây bức xúc khác là một công ty xây dựng đã chặt 30 cây xanh trên bờ mương thoát nước phố Nguyễn Khánh Toàn trong khi thi công.

Mới đây, một cây si hàng chục năm tuổi trên phố Tràng Thi, trước cửa một siêu thị điện máy, nếu không có sự kiên quyết của Công ty Công viên cây xanh Hà Nội thì cây lâu năm này có thể cũng đã không thoát khỏi "án tử hình".

Qua tìm hiểu của chúng tôi, có nhiều cách để người ta "bức tử" cây xanh. Đầu tiên là "xây nhà bê tông" để "nhốt" cây xanh vào đó. Những khối bê tông tự phát mỗi nơi mỗi kiểu được nhiều gia đình dựng lên vừa làm cho đường phố trở nên xấu xí hơn, đồng thời cản trở nguồn nước tự nhiên nuôi cây. Rồi dùng bếp than tổ ong để đun nấu, nướng thịt ngày ngày đặt bên cạnh, từng giờ đốt nóng thân cây, làm cho cây chết dần chết mòn.

Trên nhiều tuyến phố cổ như phố Hàng Lược, Hàng Mã, Hàng Cân, do vỉa hè hẹp, lại tập trung nhiều cây lâu năm nên nhiều hộ gia đình đã khoét gốc cây để làm chỗ đốt vàng mã, hoặc xây tường cao bao quanh để đặt biển quảng cáo.

Ngay trên phố Võ Thị Sáu, trước 2 cửa hàng rửa xe có hai cây xanh đã bị chết khô nhưng vẫn cứ đứng chơ vơ hàng tháng nay. Nhân viên của hai cửa hàng này đều cho rằng, cây chết do bị ngập úng, nhưng theo quan sát của chúng tôi, có thể do ai đó đã liên tục đổ dầu nhớt xe máy vào gốc, khiến cho cây bị "sặc" dầu mà chết.

Thậm chí, có người còn dùng "thủ pháp" công nghệ sinh học bằng cách bí mật "khoan" vài lỗ nhỏ vào thân cây rồi đổ hoá chất vào bên trong. Thời gian sống của cây phụ thuộc hoàn toàn vào dung lượng của hoá chất (thường là axít). Từ một tuần đến một tháng, cây vàng lá, héo hắt rồi lặng lẽ "qua đời".

Nếu dùng muối chôn xuống gốc cây thì thời gian đợi chết có thể kéo dài lâu hơn. "Ưu điểm" của biện pháp này là các cơ quan chức năng khó có thể phát hiện.

Cần sớm có quy định cụ thể để bảo vệ cây xanh

Căn cứ vào Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 5/11/2002 và Nghị định số 36/2003/NĐ-CP ngày 4/4/2003 của Chính phủ, trách nhiệm quản lý cây xanh đô thị thuộc về khá nhiều cơ quan. Tại Hà Nội, UBND TP đã giao cho Sở Giao thông công chính hoặc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, trên thực tế hai đơn vị này chỉ thực hiện được một mảng rất nhỏ là duy trì, chăm sóc cây bóng mát dưới 2 tuổi. Điều này có nghĩa, cây cổ thụ đang rơi vào tình trạng "cha chung không ai khóc" vì không có cơ quan nào quản lý.

Ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết: Có rất nhiều lý do để người dân triệt hạ cây xanh ngay trước cửa nhà mình như khi cần có mặt tiền đẹp để kinh doanh, cho thuê hay bán. Nhiều căn nhà mới xây cũng thường kéo theo việc cây xanh ở trước ngôi nhà đó đột ngột "ra đi" bởi có người duy tâm cho rằng sự tồn tại của nó không may mắn cho công việc kinh doanh.

Khi cây chết, nhân viên Công ty có nhiệm vụ trồng cây mới vào chỗ cũ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, trồng mới được một thời gian thì cây con cũng chết. Việc tìm ra thủ phạm rất khó bởi các cuộc "triệt hạ" cây con cũng thường được diễn ra dưới bóng đêm hoặc lúc vắng người...

Trước tình trạng cây xanh bị xâm hại nghiêm trọng, nhiều người đề nghị nên bổ sung hành vi cố tình xâm hại, chặt phá cây xanh thành tội cố tình phá hoại tài sản, phá hoại môi trường vào Bộ luật Hình sự và bị truy tố trước toà như những tội danh khác. Bên cạnh đó, lập quỹ khen thưởng đối với người phát hiện, thông báo kịp thời về các hành vi xâm hại, chặt cây xanh như đang áp dụng với người phát hiện đổ phế liệu ra đường phố. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân về ý thức bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường

Nhóm PVKTXH

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文