Truy tìm hai con tàu "ma"
Sự việc bắt đầu vào ngày 11/10/2004, Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ khai thác thủy, hải sản Tân Biển Đông (Cty TBĐ) do ông Lê Xuân Ninh làm giám đốc, ký hợp đồng thuê một tàu đánh bắt cá ngừ đại dương, sức chứa 30 tấn của Công ty Đông Nam Á, Nhật Bản.
Chưa rõ con tàu Nhật Bản ấy có vào Việt Nam hay không nhưng đến ngày 21/4/2005, tàu Lina 02, sản xuất năm 1978, quốc tịch Indonesia cập cảng Lotus, TP HCM. Con tàu này cũng do Cty TBĐ thuê mướn, và đã nhờ đại lý tàu biển Sài Gòn Cửu Long làm thủ tục nhập cảnh.
Trước ngày tàu Lina 02 cập cảng Lotus khoảng 2 tháng, một công ty khác: Công ty TNHH Đại Dương (Cty ĐD) ký hợp đồng mua của Công ty Đông Nam Á, Nhật Bản một tàu đánh cá tên Masuei Maru 08. Một chi tiết đáng chú ý là ông Lê Xuân Ninh - Giám đốc Cty TBĐ - cũng chính là Giám đốc của Cty ĐD.
Một tuần sau khi tàu Lina 02 cập cảng Lotus, Cty TBĐ giao tàu Lina 02 cho Công ty TNHH Đại Dương (Cty ĐD) để Cty ĐD làm thủ tục mua con tàu này. Điều khó hiểu ở đây là trong hợp đồng thì mua tàu Nhật Bản, nhưng lại nhận tàu Indonesia.
Nhận được tàu, Cty ĐD thay vì phải tiến hành hoàn tất các thủ tục hải quan trong lĩnh vực nhập khẩu hàng hóa, thì Cty ĐD đưa tàu Lina 02 đến thẳng Xí nghiệp Sửa chữa tàu Nhà Bè để kiểm tra, tu bổ. Sau đó, Cty ĐD lấy hồ sơ tàu Masuei Maru 08 của Nhật, sản xuất năm 1994 để làm lý lịch tàu, rồi mời Chi cục Đăng kiểm 6 đến kiểm định.
Chẳng hiểu những cán bộ Chi cục 6 kiểm định thế nào, mà sau khi xem xét hồ sơ lý lịch, thanh tra viên Chi cục 6 xác nhận: “Tàu Masuei Maru 08 là tàu câu cá ngừ của Nhật Bản, đóng năm 1994, đạt yêu cầu cho nghề khai thác thủy sản”, mặc dù tàu Lina 02 đóng năm 1978, xuất xứ từ Indonesia. Chính vì kết quả kiểm định ấy, Cty ĐD đã được Bộ Giao thông Vận tải cấp giấy phép mua tàu.
Tiếp xúc với chúng tôi, một thuyền trưởng nói: “Chỉ cần nhìn vào hồ sơ lý lịch rồi quan sát thực tế là sẽ nhận ra ngay những khác biệt như máy chính, máy phụ, máy phát điện, hệ thống cấp đông, mớn nước, tải trọng, thiết bị điều khiển vì mỗi con tàu, nếu không cùng một serie sản xuất, về kết cấu tổng thể có thể giống nhau nhưng chi tiết thì không thể giống nhau được”. Giải thích về chuyện này, ông Phạm Ninh, Phó giám đốc Chi cục Đăng kiểm 6 nói: “Các thanh tra viên chỉ căn cứ vào hồ sơ do doanh nghiệp cung cấp làm cơ sở để giám định, chứ thực tế tàu không thể hiện xuất xứ và năm sản xuất”.
Hai con tàu cùng một tên
Đến đây, lại xảy ra một chuyện bất ngờ khác. Ngày 6/10/2005, cũng chính Cty ĐD liên hệ với Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 2 - Cục Hải quan TP HCM để đăng ký làm thủ tục nhập cảnh cho tàu Masuei Maru 08. Theo lời trình bày của Cty ĐD, thì họ mua tàu từ Nhật. Tàu cập cảng Biển Đông, TP HCM ngày 16/6/2006. Vì không thông hiểu các quy định trong lĩnh vực nhập khẩu tàu bè, nên lúc này họ mới đăng ký!
Lập tức, sự việc được Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn - khu vực 2 thông báo cho Lực lượng Biên phòng Cảng và Cảng vụ Sài Gòn. Nhận được thông tin, cả hai đơn vị Biên phòng Cảng, Cảng vụ Sài Gòn một mặt tiến hành xác minh, mặt khác mời Giám đốc Cty ĐD đến, để lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.
Nhưng, ngày 12/10/2005, Đội Thủ tục biên phòng Cửa khẩu Cảng Sài Gòn lại phát hiện tàu Masuei Maru 08 – là con tàu mà Cty ĐD đang xin làm thủ tục nhập khẩu, đã được sơn sửa, rồi được đặt tên là tàu Nha Trang 12, hoạt động tại vùng biển Nha Trang. Trước sự việc hai con tàu (Lina 02 - Nha Trang 12) có cùng một tên (Masuei Maru 08), cùng một hồ sơ lý lịch, Cục Hải quan TP HCM liền chỉ đạo cho Đội Kiểm soát Hải quan xác minh, làm rõ.
Trong quá trình tiến hành xác minh, Đội Kiểm soát Hải quan lại phát hiện thêm một con tàu nữa, tên là Eikiti, quốc tịch Indonesia cập cảng Biển Đông, TP HCM ngày 27/11/2004 nhưng không đăng ký thủ tục nhập cảnh, và Thuyền trưởng của tàu Eikiti - ông Nakabayashi Masayoshi lại cũng chính là Thuyền trưởng của tàu Lina 02.
Cả hai con tàu này đều do ông Masayoshi đưa vào Việt Nam rồi cả hai tàu đều biến mất. Tổng hợp các chứng cứ, Đội Kiểm soát Hải quan - Cục Hải quan TP HCM khẳng định tàu Masuei Maru 08 chỉ tồn tại trên giấy tờ. Và Cty ĐD đã sử dụng hồ sơ lý lịch của tàu Masuei Maru 08, để làm thủ tục nhập khẩu cho tàu Lina 02, sau đó xin đăng kiểm và xin Bộ Giao thông Vận tải cấp phép.
Vấn đề còn lại là tàu Nha Trang 12 thực chất có xuất xứ từ đâu, tên thật của nó là gì, và tàu Eikiti nay đã đi đâu, về đâu? Phải chăng cũng từ bộ hồ sơ lý lịch của tàu Masuei Maru 8, đã được Cty ĐD sử dụng để phù phép cho tàu Lina 02 thành tàu Masuei Maru 08, và tàu Eikiti cũng thành tàu Masuei Maru 08, nhằm qua mặt cơ quan đăng kiểm về chất lượng tàu, qua mặt Bộ Giao thông Vận tải trong việc xin giấy phép - rồi sau đó cuối cùng tàu Eikiti trở thành tàu Nha Trang 12?
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Tổng cục Hải quan nói: “Một là tàu Masuei Maru 08 đã được bán cho Indonesia, rồi được đổi tên là tàu Lina 02, nhưng như thế thì chỉ có 1 tàu. Hai là cần phải xem kỹ hồ sơ lý lịch của tàu, là bản gốc hay bản photo...”.
Hiện tại, hồ sơ vụ hai con tàu "ma" này đã được chuyển sang Viện Kiểm sát nhân dân TP HCM để nơi đây quyết định xử lý hành chính hay xử lý hình sự bởi lẽ Cty ĐD đã có những sai phạm như không làm thủ tục hải quan đúng thời gian quy định, nhập tàu không giấy phép, thay đổi tính chất hàng hóa (là con tàu) để hợp thức hóa việc nhập khẩu, tự ý thay đổi nhãn mác hàng hóa, di chuyển hàng hóa ra khỏi vùng nước cảng TP HCM không theo quy định trong lúc đang chịu sự giám sát của Hải quan, giả mạo giấy tờ trong hồ sơ hải quan để nhập khẩu...