Từ vụ sạt lở thuỷ điện Rào Trăng 3, không được lơ là với mưa lớn sau bão số 2
- Kêu gọi các tàu, thuyền nhanh chóng ra khỏi khu vực nguy hiểm của bão số 2
- Sáng 13/6, bão sẽ đổ bộ trọng tâm vào các tỉnh từ Thái Bình đến Thanh Hoá
Tại cuộc họp của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai diễn ra ngày 13-6, các đại biểu cho rằng, mưa lớn do hoàn lưu bão số 2 tiếp tục đe dọa những nơi có nguy cơ cao, nhất là khu vực miền núi, vì vậy các địa phương cần đặc biệt lưu ý chủ động ứng phó tình trạn lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Ngoài ra, các địa phương cần chủ động các biện pháp tiêu úng bảo vệ sản xuất, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp khi xảy ra mưa lớn gây ngập lụt. Kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, các khu hầm lò, khai thác khoáng sản, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư trang thiết bị ứng phó với thiên tai. Thông tin tại cuộc họp cho thấy, chưa ghi nhận thiệt hại về người khi bão số 2 đổ bộ vào đất liền.
Rút kinh nghiệm trong kêu gọi tàu thuyền, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng thông tin, phạm vi hoàn lưu bão số 2 rất rộng bao trùm cả Vịnh Bắc Bộ, vì vậy toàn bộ tàu thuyền đều ở trong vùng nguy hiểm do mỗi giờ các phương tiện và bão di chuyển đều có thể thay đổi vị trí. Để khắc phục tình trạng này, phải phân chia từng khu vực để kêu gọi tàu thuyền hiệu quả hơn.
Đại tá Nguyễn Hải Châu, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, Bộ Quốc phòng đã huy động 264.000 cán bộ chiến sĩ và gần 2.000 phương tiện ứng phó với bão số 2.
Đại tá Nguyễn Hải Châu, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. |
"Các Bộ, ngành và địa phương không vì ngày nghỉ và khi thấy bão suy yếu thành áp thấp lại xuất hiện tư tưởng chủ quan, lơ là. Phải tiếp tục rà soát những khu vực dễ xảy ra sạt lở, rút kinh nghiệm như năm ngoái đã từng xảy ra ở thủy điện Rào Trăng 3, bởi mưa lớn và kéo dài thì sạt lở rất dễ xảy ra. Về vấn đề này đề nghị phải chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát di dời người dân khỏi vùng có nguy cơ cao và sẵn sàng lực lượng ứng cứu trong mọi tình huống", Đại tá Nguyễn Hải Châu lưu ý.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT đặc biệt nhấn mạnh, các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ sau bão. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thường xuyên cập nhật diễn biến mưa lũ và cung cấp kịp thời cho Văn phòng thường trực để chỉ đạo các địa phương chủ động phương án ứng phó.
"Trung tâm dự báo và trực ban phải cập nhật thường xuyên diễn biến để chủ động trong chỉ đạo. Đối với miền núi, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét là rất lớn. Chúng ta đã có công văn đề nghị một số tỉnh có nguy cơ cao tiếp tục theo dõi, kiểm tra và yêu cầu về việc tuần tra canh gác, cắm các biển hiệu cũng như hướng dẫn giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân ở những khu vực có nguy cơ. Toàn bộ lực lượng xung kích cơ sở phải kiểm soát khu vực không đảm bảo an toàn ở các khu dân cư", ông Hoài cảnh báo.
Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT Trần Quang Hoài chỉ đạo tại cuộc họp. |
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT), bão số 2 đã khiến tàu cá TH91677 gồm 7 người trên tàu khi di chuyển vào đảo Bạch Long Vĩ tránh bão đã bị sóng đánh chìm. Rất may, 7 người trên tàu đã được cứu vớt an toàn.
Báo cáo mới nhất ngày 13-6 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, cho biết: Để ứng phó với bão số 2, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định đã thông báo, hướng dẫn cho 54.673 phương tiện với 235.111 người di chuyển tránh bão hoặc về nơi trú tránh. Các địa phương đã tổ chức bắn pháo hiệu báo bão tại 33 điểm theo quy định.
Về tình hình ngập lụt do bão số 2, hiện tại, nước ngập do mưa lớn đã rút tại các thành phố và khu vực dân cư vùng trũng thấp. Riêng tại tỉnh Hà Tĩnh, hiện còn khoảng 150ha lúa mới gieo cấy bị ngập. Các khu vực nuôi trồng thủy sản; hệ thống đê biển, các công trình ven biển; các hồ chứa đến nay chưa ghi nhận thông tin thiệt hại, sự cố công trình. Đối với các khu vực miền núi, đến nay chưa có thông tin về sạt lở đất, lũ quét.