Tuyệt đối không cắt điện, nước trong những ngày nắng nóng
Hà Nội cơ bản hoàn thành chi trả hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng dịch COVID-19
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Nguyễn Hồng Dân, tính đến ngày 20-5, TP cơ bản đã hoàn thành công tác chi trả hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID -19 cho 4 nhóm đối tượng (người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo).
Đã có 385.516/385.683 người được nhận hỗ trợ với kinh phí là 474,2 tỷ đồng. Sở LĐTB&XH đã thành lập đoàn kiểm tra tại các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn và tại các hộ dân có đối tượng thụ hưởng.
Kết quả kiểm tra cho thấy, các quận, huyện đã tổ chức rà soát, phê duyệt danh sách và tổ chức triển khai hỗ trợ kịp thời đúng đối tượng, được nhân dân và các đối tượng thụ hưởng đánh giá cao.
Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, kinh tế Hà Nội vẫn tăng trưởng |
Ngoài chính sách của Trung ương và TP, một số quận, huyện đã huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để hỗ trợ cho cho các giáo viên ngoài công lập trên địa bàn để ổn định cuộc sống.
Như huyện Sóc Sơn đã trích nguồn vận động quỹ phòng chống dịch COVID-19 để hỗ trợ 432 giáo viên ngoài công lập, mỗi người 500.000đ/tháng trong 3 tháng.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2020 ước tăng 3,39%. Đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây của thành phố, tuy nhiên, trong bối cảnh bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch COVID-19, mức tăng này là khá cao so với nhiều tỉnh, TP và mức chung của cả nước.
Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 124.843 tỷ đồng, đạt 44,8% dự toán, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2019. Giải ngân vốn đầu tư toàn TP là 14.826 tỷ đồng, đạt 33% kế hoạch giao, trong đó chi xây dựng cơ bản tập trung cấp TP là 5.034 tỷ đồng, đạt 30,3% kế hoạch vốn giao. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 6,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10%); tổng mức bán lẻ tăng 0,5%.
Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng khẳng định, 6 tháng qua, mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19, nhưng chỉ số thương mại của TP có nhịp độ ổn định và phát triển cao; kích cầu tiêu dùng trong nước đang phát triển tốt.
Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng mà 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế của TP đưa ra rất cao, trong khi hiện nay, chỉ số tăng trưởng kinh tế mới đạt 3,39%. Vì thế, thời gian tới, các cấp, các ngành phải tập trung vào 7 giải pháp mà thành phố đưa ra thì mới có thể đạt được mục tiêu đề ra. Giám đốc Sở Công Thương cũng đề nghị, các địa phương phối hợp tăng cường giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho sản xuất công nghiệp và thúc đẩy triển khai các công trình, dự án...
Làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung lưu ý, về chi đầu tư công năm nay có "nhích" hơn so với mọi năm, tuy nhiên qua phân tích, năm nay cấp thành phố, cấp quận, huyện đều đạt rất thấp. Bởi trong 6 tháng vừa qua các dự án triển khai chậm. Do vậy, TP đề nghị, trên cơ sở các chỉ đạo, của Chính phủ, thành phố và các định hướng, các quận huyện, sở ngành và 5 Ban quản lý dự án phải thống kê rà soát toàn bộ các dự án đã được bố trí vốn và tiến độ thực hiện dự báo cho đến ngày 30-1-2021; Thống kê chính xác các dự án có vốn chuyển tiếp sang năm 2021 và những năm tiếp theo.
Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị Giám đốc 9 sở ngành đôn đốc, thực hiện sớm việc chuyển trụ sở về khu liên cơ quan Võ Chí Công, quận Tây Hồ. Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, yêu cầu tất cả các phường, xã, quận huyện, ban quản lý tòa nhà không được thực hiện các biện pháp cưỡng chế cắt điện, cắt nước trong thời gian nắng nóng. “Dù rằng có người dân ở một số tòa nhà có thể chậm đóng tiền điện, tiền nước, nhưng giai đoạn nắng nóng này tuyệt đối không được cắt”, Chủ tịch UBND TP yêu cầu.
Về một số nhiệm vụ cụ thể, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở KH&ĐT đôn đốc triển khai tập trung rà soát toàn bộ các dự án của các danh mục mà các doanh nghiệp còn tồn đọng, trong đó có các dự án cần phải hoàn thiện sau Hội nghị xúc tiến đầu tư. Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị Sở Công thương phối hợp với các quận, huyện rà soát các khu dân cư, khu đô thị mới để bố trí ki-ốt miễn phí cho doanh nghiệp ở các địa phương để tổ chức quảng bá các sản phẩm, cung cấp hàng hóa cho người dân Thủ đô. Đặc biệt, Sở Công thương xây dựng quy trình cấp phép các cây xăng từ 2019 đến nay.
Đồng chí Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Y tế triển khai làm tốt công tác phòng chống dịch COVID-19, sốt xuất huyết, bệnh bạch hầu, đồng thời rà soát lại toàn bộ công tác mua sắm, quản lý sử dụng các trang thiết bị vật tư trong quá trình phòng chống dịch COVID-19, chuẩn bị tinh thần công tác phòng chống dịch còn lâu dài.
“Sở Y tế cũng có nhiệm vụ tăng cường kiểm tra các phòng khám, nhà thuốc tư nhân, bảo đảm tất cả các nhà thuốc phải được kết nối mạng để quản lý mua bán thuốc và tăng cường xử lý vi phạm, tránh để xảy ra tình trạng như phòng khám nạo phá thai tại quận Hai Bà Trưng hoạt động nhiều năm mặc dù bị xử phạt nhiều lần. Các cơ quan chức năng kiểm tra, nếu vi phạm nhiều lần có thể rút giấy phép phòng phám theo quy định pháp luật”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiên quyết.
Người đứng đầu chính quyền TP cũng đề nghị Sở Xây dựng kiểm tra, đôn đốc việc thu gom rác thải, việc phun nước rửa đường. Khẩn trương phối hợp với Sở Tài chính tổ chức đấu thầu thu gom xử lý rác năm 2021 và giai đoạn 2022 – 2025. Kiểm tra chăm sóc duy tu, cắt tỉa cây xanh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trong mùa mưa bão. Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị khuyến khích các hộ dân, tất cả các nhà trường sử dụng năng lượng mặt trời.