Ứng phó bão số 13 với cấp độ cao nhất, cần thiết sẽ cưỡng chế sơ tán

14:17 13/11/2020
Trước diễn biến phức tạp của bão số 13, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, tất cả các địa phương phải tập trung chuẩn bị và triển khai ứng phó với mức độ cao nhất theo phương án là bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào địa phương mình.


Cơn bão có sức tàn phá lớn trên biển

Sáng 13/11, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành liên quan và 10 địa phương ven biển miền Trung để triển khai công tác ứng phó với bão.

Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, bão số 13 trong 48 giờ tới, bão sẽ ở trên đất liền. Theo dự báo, bão nhiều khả năng sẽ vào Bắc Trung Bộ và Trung Bộ, trọng tâm là Quảng Ngãi và Hà Tĩnh.

Theo ông Khiêm, cần hết sức chú ý về sức gió của bão vì theo kinh nghiệm của những cơn bão gió lớn trước đây, nhiều ngôi nhà bị tốc mái. Cần hết sức cảnh giác với lốc xoáy và gió giật như cơn bão số 5 vừa qua

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (PCTT) Trần Quang Hoài nhấn mạnh: “Cơn bão này quét dọc tuyến biển từ Quảng Ngãi đến Thanh Hóa với sức tàn phá rất lớn trên biển. Thủy triều cao nhất tại khu vực Cửa Ranh, sóng có thể đến 10m. Đề nghị các địa phương bảo đảm an toàn. Lũ trên toàn tuyến sông từ Bình Định đến Thừa Thiên-Huế vẫn hầu hết ở mức báo động 3”.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục PCTT báo cáo tình hình các địa phương.

Đáng lưu ý, theo ông Hoài, ngày hôm qua (12/11), Ban Chỉ đạo Trung ương PCTT đã rà soát rất chi tiết và kêu gọi toàn bộ tàu cá vào bờ (59.752 tàu, thuyền), tuy nhiên, vẫn có những tàu nhỏ đi-về trong ngày nên các địa phương cần bám sát thông tin các tàu này vì có thể sáng mai, gió bắt đầu ảnh hưởng đến ven bờ.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết địa phương này dự kiến sơ tán 161.000 hộ dân trước 12h trưa mai (ngày 14/11). Trong đó đặc biệt ưu tiên sơ tán tại 93 điểm khảo sát có nguy cơ sạt lở với trên 10.000 hộ.

Ngoài ra, khu vực ven lưu vực các sông Vu Gia, Thu Bồn cũng được lên kịch bản với đỉnh lũ trên mức báo động 3 khoảng 1m. Lúc này, hơn 45.000 hộ dân sẽ được sơ tán.

Về công tác tìm kiếm nạn nhân trong các vụ sạt lở tại huyện Phước Sơn và Nam Trà My, lãnh đạo UBND tỉnh nhấn mạnh chỉ tiếp tục công tác này khi đảm bảo an toàn. “Trong tình huống không an toàn, tỉnh sẽ rút toàn bộ lực lượng tìm kiếm, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lực lượng cứu hộ gặp nạn”

Tại Quảng Bình, trong hôm nay lực lượng vũ trang tiếp tục giúp dân chằng chống nhà cửa và sơ tán đến nơi an toàn. Dự kiến 16h ngày 14/11, toàn bộ người dân tại các vùng xung yếu sẽ đến nơi sơ tán. Trong đó, đặc biệt tập trung tại các vùng trũng được coi là “rốn lũ” như huyện Lệ Thủy, huyện Quảng Ninh.

Cần thiết sẽ cưỡng chế sơ tán dân

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, diễn biến của cơn bão này còn rất phức tạp, hướng di chuyển không ổn định, rất khó dự báo chính xác về khu vực, thời gian, cấp độ bão sẽ đổ bộ (vì tùy theo bão hướng ra phía bắc Trung Bộ hay đi thẳng vào Trung Trung Bộ). Vì vậy, các ngành, các địa phương phải hết sức cảnh giác, không được chủ quan, lơ là, tất cả các địa phương phải tập trung chuẩn bị và triển khai ứng phó với mức độ cao nhất theo phương án là bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào địa phương mình.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc họp.

Phó Thủ tướng yêu cầu các ngành, các địa phương đặc biệt lưu ý theo dõi sát diễn biến của bão số 13 để chủ động chỉ đạo, triển khai phương án ứng phó bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và các hoạt động trên biển; tiếp tục rà soát, kêu gọi toàn bộ tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn, tổ chức neo đậu tránh va đập, hạn chế thiệt hại. Đặc biệt cần triệt để sơ tán người dân và các lực lượng ra khỏi những nơi nguy hiểm, những nơi không bảo đảm an toàn, đồng thời tuyệt đối không để người ở lại trên lồng bè khi bão đổ bộ vào.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Ngay tại các khu vực tránh trú bão, các địa phương phải tiến hành kiểm tra, đảm bảo an toàn cho người dân, tàu thuyền. Tuyệt đối không để người ở lại trên lồng bè khi bão đổ bộ vào”.

Trên khu vực đảo và đất liền, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý các lực lượng cần chủ động triển khai chằng chống, chằng chống, gia cố bảo vệ nhà cửa, kho tàng, trụ sở, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các khu du lịch, trong đó đặc biệt lưu ý các khu nhà có các mảng kính lớn, các cột tháp cao.

Rà soát các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, nhất là các khu vực miền núi đã xảy ra mưa lũ lớn kéo dài trong cả tháng vừa qua để sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm.

“Phải tập trung thực hiện việc sơ tán người dân các khu vực nguy hiểm. Vừa qua, các cơn bão đã gây nhiều thiệt hại về người do chưa sơ tán người kịp thời. Khi cần có thể tiến hành cưỡng chế người dân sơ tán”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo.

Các bộ, ngành, địa phương chủ động hướng dẫn, kiểm soát giao thông đi lại trong thời gian bão đổ bộ, chủ động khuyến cáo người dân hạn chế đi lại tránh tai nạn, rủi ro trong bão.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tập trung sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, nhất là các tuyến đê, kè biển đang thi công, khu vực sạt lở có nguy cơ cao ảnh hưởng đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng; sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời sự cố; triển khai công tác bảo đảm an toàn các công trình hồ đập, nhất là các hồ đập thủy lợi, chủ động điều tiết nước khi lũ về.

Rút kinh nghiệm từ các đợt bão trước, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các lực lượng đóng trên địa bàn và các đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng lực lượng và phương tiện, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để hỗ trợ người dân và địa phương ứng phó với bão, cứu hộ cứu nạn.

Ngọc Yến

Lúc 14h ngày 15/4/2025, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên chuyên cơ, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước lần thứ tư đến Việt Nam. Trong số những người tiễn ông ở sân bay quốc tế Nội Bài, có Thượng tá Hoàng Văn Tú, cán bộ Đội bảo vệ khách quốc tế, Phòng Bảo vệ sự kiện đặc biệt quan trọng và khách quốc tế, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an. Đây là lần thứ ba, anh có vinh dự làm nhiệm vụ bảo vệ vị khách đặc biệt này.

Để có được những chiếc VinFast VF 9 hoàn hảo làm nhiệm vụ dẫn đoàn diễu binh, diễu hành kỷ niệm đại lễ 30/4, đội ngũ kĩ sư, kĩ thuật viên từ nhiều bộ phận của VinFast đã làm việc trong hàng nghìn giờ với sự giám sát nghiêm ngặt để đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối.

Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân do Bộ Công an chủ trì xây dựng là một dự án luật quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân đồng thời cũng là bước đi thận trọng, kỹ lưỡng, có quá trình và sự chuẩn bị công phu của Chính phủ. Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với Thượng tá Nguyễn Bá Sơn, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, đơn vị được giao chủ trì tham mưu xây dựng dự án Luật xoay quanh những nội dung của dự án Luật.

Ngày 27/4, Công an tỉnh Trà Vinh cho biết, Cơ quan CSĐT đã khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Tây (SN 1997), Nguyễn Minh Điền (SN 1986, cùng huyện Càng Long), Nguyễn Phương Đông (SN 1999), Triệu Văn Đạt (SN 1997, cùng ngụ huyện Châu Thành) và Nguyễn Hoàng Chánh (SN 2001, ngụ huyện Cầu Kè) để điều tra về hành vi đánh bạc.

Tháng Tư về, khi những cơn gió đầu hè mơn man qua từng tán cây xà cừ trên đường phố Hà Nội cũng là thời điểm bà Elisabeth Dahlin - cựu Tổng Thư ký Tổ chức Cứu trợ trẻ em Thụy Điển (Save The Children), nhà ngoại giao kỳ cựu, người bạn của Việt Nam - trở lại mảnh đất bà từng gọi là “mái nhà thứ hai” sau hơn hai thập kỷ gắn bó.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.