Ước mơ nối những khoảng trời

13:48 23/03/2008
Những ngày đầu đến với các con chữ đối với Thạo, một chàng trai bị dị tật ngay từ khi lọt lòng mẹ, thật khó khăn. Có lúc Thạo tính buông xuôi vì cảm giác đau rát nhưng rồi quyết tâm học đến cùng đã tiếp thêm nghị lực cho Thạo. Bây giờ Thạo đã có thể viết được chữ, mà chữ rất đẹp mặc dù không nhanh. Ngoài ra Thạo còn có thể viết thư pháp.

"Mình có rất nhiều ước mơ nhưng chỉ lo chúng không thành hiện thực" - Ngô Trọng Thạo đã bắt đầu câu chuyện bằng lời nói chân thành như thế. Tôi để ý, khi nói câu đó, Thạo cười buồn nhưng trong đôi mắt thì đang giấu kín một niềm hy vọng dù rất đỗi mong manh.

25 năm sống trên giường

Khi tôi tới nhà Thạo (thôn Đông Yên, xã Đông Phong, Yên Phong, Bắc Ninh), trong nhà rất vắng lặng. Người bà đã luống tuổi đang loay hoay với những việc không tên ngoài vườn, nghe chó sủa một lúc mới vào đón khách.

Bà dẫn tôi vào nhà, hình ảnh đầu tiên tôi bắt gặp là Thạo đang cúi gập người trên giường, hai tay áp vào nhau, khó nhọc cầm bút viết thư pháp. Được biết, cảnh tượng ấy đã diễn ra từ nhiều năm nay.

Hằng ngày, mẹ đạp xe sang các xã khác thu mua đồng nát, bố bận việc trên xã, các em phải đến trường; Thạo buộc phải ở nhà với bà. Những lúc bà ra vườn làm việc, còn lại một mình Thạo tự mày mò đọc sách, tập viết.

Bà của Thạo rưng rưng nhớ lại: Ngay từ lúc vừa mới lọt lòng mẹ, mọi người trong nhà đã phải tất tả mang Thạo đi Bệnh viện Việt Đức. Ở đó khoảng một năm thì chuyển qua Bệnh viện Nhi Thụy Điển nhưng vẫn không có kết quả.

Ngày ấy, bà là người mang Thạo đi chữa bệnh. Có một lần, người ta xin Thạo để làm phẫu thuật nhưng bà kiên quyết không cho. Bà bảo: "Lẽ nào khi đi có cháu mà khi về lại không thấy cháu đâu!". Vậy là bà mang Thạo về cùng với mọi người trong nhà chăm bẵm đến giờ.

"Thế mà cũng được hơn hai chục năm rồi đấy chú ạ!". Bà của Thạo nói với tôi. Hơn hai mươi năm ấy là quãng thời gian Thạo một mình chống chọi với bệnh tật, với sự cô đơn trống trải. Nhưng những khó khăn ấy không làm Thạo nhụt ý chí. 

Hồi có mang thì mẹ Thạo bị cúm. Khi sinh ra, Thạo không được lành lặn như bao đứa trẻ khác. Từ khi sinh cho đến bây giờ, đôi chân của Thạo vẫn vậy: chân phải quắp vào, còn chân trái thì ngược lên. Không chỉ có vậy, hai cẳng tay của Thạo cũng teo lại, co quắp vào nhau, chỉ có người là phát triển bình thường.           

"Ước mơ nối những khoảng trời"

Thạo là người sống khép kín, sự mặc cảm tự ti càng khiến Thạo thu mình hơn. Bởi thế, mặc dù rất thích đi học nhưng vì sợ mọi người trêu chọc nên Thạo đành ở nhà nhờ các em làm "gia sư".

Thạo bắt đầu làm quen với các con chữ từ năm lên 10 qua sự chỉ bảo của các em. Đến khi các em bận học thì Thạo phải tự học một mình. Thạo đặc biệt thích và có năng khiếu với môn Toán.

Nhờ được em trai là Ngô Trọng Thanh (lớp 11, Trường THPT Yên Phong II, Bắc Ninh) kèm cặp nên mặc dù mới chỉ học qua Toán cấp Tiểu học nhưng hiện nay Thạo vẫn theo và học một cách say sưa với Toán lớp 11. Thạo mong sao sau này, với vốn kiến thức học được và trau dồi thêm, sẽ làm gia sư môn Toán cho các em có hoàn cảnh như mình.

Những ngày đầu đến với các con chữ đối với Thạo thật khó khăn. Thạo phải dùng hai tay để giữ chặt bút. Cũng có lúc Thạo tính buông xuôi vì cảm giác đau rát nhưng rồi quyết tâm học đến cùng đã tiếp thêm nghị lực cho Thạo. Bây giờ Thạo đã có thể viết được chữ, mà chữ rất đẹp mặc dù không nhanh. Ngoài ra Thạo còn có thể viết thư pháp.

Cái duyên đưa Thạo đến với thư pháp cũng thật tình cờ, được bắt đầu từ một lần xem chương trình Chuyện lạ Việt Nam về một người đã có 30 năm miệt mài để sáng tạo ra thư pháp chữ ngược. Thạo xem và cảm thấy rất thích thú. Thế là từ đó, Thạo cũng cặm cụi, bay bổng với những chữ "phượng múa rồng bay".

Đặc biệt hơn, Thạo không viết thư pháp chữ xuôi như nhiều người mà "liều mình" với thư pháp chữ ngược. Giấy của Thạo không phải là giấy dó, giấy điệp mà chỉ là những tờ giấy vở học trò, hoặc bìa carton nhưng những bức thư pháp Thạo tặng bạn bè đều nhận được những lời khen chân thành.

Ngoài ra, Thạo còn có khả năng vẽ tranh cũng rất tài tình. Thạo tự họa chân dung của mình trên trang giấy học trò bằng những hình vẽ cũng tương đối đặc biệt. Những bộ phận trên cơ thể như thế nào, đều được Thạo thể hiện trên giấy như thế.

Thậm chí, ước mơ được có một chiếc máy tính kết nối Internet để Thạo có thể mở rộng kiến thức ra khỏi không gian là chiếc giường đôi cũng được Thạo đưa vào "tranh". Thạo "huy động" chân và tay để vẽ bàn phím máy tính. "Bức tranh" ấy được Thạo vẽ trong nửa tháng, vừa để giải trí nhưng cũng là vừa để học.

Hiện tại chưa có máy tính nhưng trước tiên Thạo sẽ học để nhớ vị trí của các chữ cái. Chưa biết khi nào Thạo sẽ sở hữu một chiếc máy tính cho riêng mình nhưng khao khát về nó là có thật. Và ngày ngày, Thạo vẫn không ngừng ấp ủ về ước mơ đó.

Phải ở nhà một mình, với Thạo sách không chỉ là nguồn cung cấp kiến thức mà còn giống như những người bạn. Thạo đọc đủ các loại sách, từ sách kể chuyện về các danh nhân đến sách kỹ thuật điện tử. Rồi kiến thức cứ ngấm vào người lúc nào không hay.

Bây giờ, Thạo có thể sửa chữa một số máy móc đơn giản chạy pin như đồng hồ treo tường, máy tính nhỏ… "Tiếng lành đồn xa", mỗi khi bị hỏng hóc cái gì đó, hàng xóm thỉnh thoảng vẫn sang nhờ Thạo sửa giúp mà không phải mất một đồng phí nào.

Câu chuyện của mấy bà cháu đang dang dở thì có cụ Nguyễn Thị Hí, hàng xóm của Thạo sang chơi. Hầu như ngày nào cụ cũng sang chơi với Thạo, có ngày tới 2, 3 lần. Hai bà cháu nói đủ thứ chuyện trên đời.

Cụ Hí tuổi đã cao, mỗi lần nhắc đến Thạo, cụ lại nghẹn ngào: "Bà cảm thấy tiếc cho Thạo quá! Nó là một đứa thông minh. Giá như Thạo được lành lặn như mọi người…". Cụ vừa nói vừa đưa ống tay áo lên chấm nước mắt.

Tôi cũng cảm thấy tiếc cho Thạo!

Hồ Huy Sơn

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Sau gần 1 năm, từ nguồn tiền hỗ trợ của Bộ Công an, hàng chục nghìn ngôi nhà tình nghĩa đã được xây dựng trên khắp cả nước. Là địa phương được hỗ trợ 1.000 căn nhà, chỉ trong thời gian khoảng 10 tháng, tỉnh Hà Tĩnh đã sớm “về đích” khi những ngôi nhà cuối cùng với thiết kế sáng tạo, linh hoạt đã cơ bản được hoàn thiện để trao tay cho người nghèo an cư, lạc nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文