Vì sao hàng nghìn người dân dưới lòng hồ Krông Pách Thượng vẫn chưa được di dời?

06:34 13/11/2020
Như Báo CAND đã thông tin, do ảnh hưởng của cơn bão số 12 khiến một vùng rộng lớn lòng hồ Thuỷ lợi Krông Pách Thượng, huyện M’đrắk, tỉnh Đắk Lắk bị ngập sâu trong biển nước. Hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu mắc kẹt trong tình thế nguy cấp. Điều đáng nói ở đây là dù biết nguy hiểm nhưng chỉ có 6% hộ dân đồng ý di dời tới nơi được cho là an toàn hơn. Vì sao lại có tình trạng này?

Theo báo cáo của Ban Quản lý (BQL) dự án Thuỷ lợi Krông Pách Thượng, chỉ sau 5 giờ đồng hồ ảnh hưởng mưa bão của cơn bão số 12, vào tối 10/11, lượng nước kỷ lục ở lòng hồ Krông Pách Thượng đã lên tới cao trình trên 480m. Nước dâng cao khiến cả 3 thôn 9, 10 và 11 của xã Cư San, huyện M’đrắk nằm giữa lòng hồ đã bị cô lập, chia cách với hàng chục nhà bị ngập, có nhà ngập tới nóc.

Dõi theo nước lũ đã mấp mé sàn nhà, vợ chồng anh Giàng Seo Thái (trú tại thôn 11) rất lo lắng cho tính mạng của 2 đứa con nhỏ cùng những tài sản tích cóp trong nhiều năm. Chính quyền có vận động gia đình anh di dời đến trường tiểu học nằm ở giữa thôn nhưng anh không đồng ý. Lý do là vì khu vực trường học cũng nằm ngay giữa vùng lòng hồ, không cao hơn nhà anh là bao và nếu nước ngập đến thì lại không có lối thoát, càng nguy hiểm hơn.

Nước lòng hồ dâng cao, người dân trong lòng hồ chỉ đi ra bên ngoài với chiếc đò và phải trả phí rất cao mỗi lần di chuyển.

“Bây giờ gia đình mình cũng không biết đi đâu nữa. Chính quyền bảo chuyển sang Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân nhưng bên đó không cao hơn nhà mình là mấy bởi nước dâng cỡ 2m nữa là ngập, mà ngập là không có đường ra. Nếu được thì chuyển lên đồi cao hơn, làm cái lán đảm bảo cho bà con thì mới đúng vì bên đó không ngập được”, ông Thái than thở.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Giàng Seo Dũng, Bí thư Chi bộ thôn 10, xã Cư San cho biết, thôn của ông bị ngập nặng nhất trong vùng lòng hồ. Chứng kiến cảnh sơ tán dân vùng ngập lụt theo kiểu di dời từ nhà này sang nhà khác trong cùng một thôn, ông Dũng không đồng tình.

“Đây chỉ là cách tạm bợ, vì độ chênh cao của các nhà chỉ một vài mét, nếu nước dâng lên thì lại tiếp tục phải di dời, rất tốn công sức của người dân mà lại không an toàn. Khi triển khai dự án Krông Pách Thượng, Nhà nước đã quy hoạch những khu tái định cư tại sao không sớm triển khai phương án đền bù và di dời dân đến vùng tái định cư, vừa đảm bảo sản xuất, vừa đảm bảo đời sống cho bà con”, ông Dũng thắc mắc.

Cũng theo ông Dũng, dự án đã treo hơn 10 năm, sớm muộn gì cũng phải đền bù, bồi thường cho người dân thì chỗ nào cần thiết thì đền bù trước cho dân để họ chuyển ra chỗ mới nhằm tránh bớt khó khăn, vất vả cho bà con. “Điều cấp bách bây giờ là phải xem xét phương án bồi thường thế nào rồi, khu tái định cư thế nào rồi?. Nếu được thì sắp xếp cho những hộ đã ngập nhà cửa, đất đai không sản xuất được ra đó trước để họ ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất chứ cứ kéo dài mãi thế này là không ổn”, ông Dũng kiến nghị.

Ông Phạm Đăng Đảng, Chủ tịch UBND xã Cư San thừa nhận, việc di dời dân vùng ngập lụt có những khó khăn và bất cập dẫn đến diễn ra chậm. Địa bàn bị chia cách, cô lập, lực lượng tăng cường vào vùng lòng hồ không thể vượt nước lũ từ thôn này sang thôn kia để hỗ trợ. Đồng thời, do không xác định được nước sẽ ngập đến đâu để chủ động di dời sớm nên xã chỉ có thể làm theo kiểu “cuốn chiếu”, tức là nước ngập đến nhà nào thì di dời nhà đó.

“Một số thời điểm nước lũ lên nhanh, việc di dời tài sản của dân không kịp, đành phải để bị ngập. Cho đến ngày 11/11, xã đã di dời được 40 hộ bị ngập lụt tại 3 thôn. Rất may là trời hiện đã tạnh mưa, nước lũ rút bớt đi nên giảm được áp lực di dời dân. Tuy nhiên, lúc này, các vấn đề về vệ sinh môi trường, nguồn nước ô nhiễm là rất đáng lo ngại. Một vấn đề nữa là cấp trên từng hứa tạo điều kiện có phương tiện đi lại an toàn, miễn phí cho dân khi nước lũ dâng. Tuy nhiên, việc này hiện nay không được đảm bảo, người dân giờ lại phải trả tiền thuê thuyền máy của tư nhân chở với chi phí rất cao mỗi lần có việc đi lại. Đề nghị các BQL dự án xem xét, vì theo chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, khi vào đây thì phải bố trí, tạo điều kiện để người dân đi lại an toàn, miễn phí”, ông Đảng nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện M’đrắk cho biết, bão số 12 đã qua nhưng bão số 13 lại đang vào. Công tác nắm tình hình và di dời dân vẫn được tiến hành trong vùng lòng hồ Krông Pách thượng. Theo kế hoạch, ít nhất 100 hộ ở ven sông suối trong số hơn 600 hộ dân còn mắc kẹt ở vùng lòng hồ sẽ phải di dời để tránh những nguy cơ có thể xảy ra.

“Bây giờ mình không thể nói chính xác hết được những nguy cơ có thể xảy ra. Nếu theo phương án của dự án Krông Pách Thượng là toàn bộ số hộ dân nằm trong 3 thôn thì trước mắt phải trên 100 hộ có dự kiến phải di dời. Những hộ nằm ven sông suối là ưu tiên phải di dời trước để tránh nguy cơ bị ngập lụt, ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân”, ông Thập nói.

Trực tiếp vào khảo sát vùng lòng hồ Krông Pách Thượng bị ngập lụt và lắng nghe ý kiến người dân cũng như các bên liên quan vào sáng 11/11, ông Nguyễn Song Lâm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình, Bộ NN&PTNT cho biết, vấn đề ngập lụt, ảnh hưởng đến dân ngoài yếu tố thiên tai, có một phần lỗi từ việc triển khai dự án. Trong đó, sự chậm trễ trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, di dời dân là nguyên nhân lớn nhất.

“Lúc này, tiền đã có, cơ chế, chính sách cũng đã có, những vướng mắc đã được tháo gỡ thì vấn đề còn lại là chính quyền địa phương và các bên liên quan thực thi làm thế nào để đẩy nhanh tiến độ. Với tình hình ngập lụt như hiện nay thì rõ ràng phương án đưa dân đến vùng tái định cư là vẹn toàn nhất.

“Cả dự án có hơn 600 hộ vào khu tái định cư nhưng đến tận bây giờ mới chỉ có vỏn vẹn 50 hộ thôi. Khi làm công trình nào cũng thế, cuộc sống của bà con sẽ bị xáo trộn, nhưng để hướng tới cuộc sống phát triển hơn thì bà con cần chia sẻ với chính quyền, với các bộ, các cấp để đẩy nhanh công trình càng sớm càng tốt. Những khó khăn trước đã qua, đã giải quyết rồi thì bây giờ chỉ có trình duyệt phương án thì đề nghị cơ quan chức năng bám sát, chủ trì, phối hợp để trình duyệt nhanh. Đồng thời vận động dân, đủ điều kiện thì di chuyển người dân lên ngay”, ông Lâm nói.

Như Báo CAND từng có loạt bài phản ánh, Dự án Thuỷ lợi Krông Pách Thượng có vốn đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng, triển khai suốt từ năm 2009 đến nay vẫn chưa hoàn thành. Dự án chậm tiến độ, đội vốn. Hơn 600 hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu lẽ ra đã phải di dời thì nay vẫn phải mắc kẹt ở lòng hồ.

Những mối nguy cơ đối với vùng lòng hồ đã liên tục được Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan chức năng nhắc nhở, cảnh báo từ đầu năm 2020 đến nay khi công trình đã đắp đập, chặn dòng, đặc biệt là từ trung tuần tháng 8/2020 vừa qua, khi có đợt lũ đầu tiên ở vùng lòng hồ. Dù liên tục bị nhắc nhở, phê bình nhưng việc giải phóng mặt bằng của tỉnh Đắk Lắk không có mấy cải thiện. Tắc trách, chủ quan, thờ ơ, thiếu trách nhiệm trước sự an nguy của dân là những gì đang diễn ra tại dự án nghìn tỷ này.

Theo ông Mai Quang Vượng, Giám đốc BQL đầu tư và xây dựng thuỷ lợi 8, Bộ NN&PTNT, đại diện chủ đầu tư dự án cho biết, đến thời điểm hiện nay, các hạng mục xây dựng công trình tại dự án đã đạt được 80%. “Theo dự kiến, công trình sẽ ngăn dòng, tích nước vào đầu tháng 1/2021. Tuy nhiên, với tiến độ đền bù, giải toả và di dời dân chậm chạp như hiện nay thì nguy cơ bị chậm tiến độ ngăn dòng, tích nước không thể tránh khỏi. Một khi chậm tiến độ, mọi việc lại phải làm lại từ đầu sẽ rất tốn tiền của phải đổ thêm vào dự án”, ông Vượng nói.

Văn Thành

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文