Việc chiếm dụng đất công, kênh rạch: Do buông lỏng từ đầu

15:09 03/08/2006

Khi dân chiếm dụng đất công, san lấp kênh rạch để cất nhà ở thì chính quyền chẳng đả động gì đến. Hơn chục năm sau, "đùng một cái" chính quyền yêu cầu họ phải tháo dỡ nhà "khôi phục hiện trạng ban đầu"(?)

Báo CAND nhận được đơn của 6 hộ dân tạm trú tại tổ 31, khu phố 3, phường 26, Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) khiếu nại việc UBND phường 26 đã tiến hành cưỡng chế nhà của họ mà không giải quyết đền bù, bố trí tái định cư. Ông Nguyễn Ngọc Thành, 1 trong 6 hộ dân cho biết, căn nhà bị cưỡng chế ông mua của ông Nguyễn Minh Hoàng (ngụ quận 1) với giá 2 triệu đồng vào thời điểm tháng 4/1996.

Sau gần 10 năm sinh sống ổn định ở đây nhưng khi cưỡng chế chỉ được hỗ trợ 2 triệu đồng. Các hộ dân còn lại cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Để tìm hiểu việc này, ngày 1/8, chúng tôi đã làm việc với UBND phường 26 và được cho biết, nhà của 6 hộ dân nói trên nằm trong khu vực quy hoạch khu nhà ở Bắc Đinh Bộ Lĩnh để phục vụ tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được Thủ tướng Chính phủ có Quyết định thu hồi và giao đất số 194/TTg ngày 24/4/1994.

Sau đó, đơn vị thực hiện dự án là Công ty Phát triển nhà Bình Thạnh đã tiến hành giải tỏa đền bù cho các hộ dân có nhà, đất ở khu vực trên và đã thực hiện xong. Tuy nhiên, sau đó một số hộ dân từ nơi khác đến chiếm phần đất đã đền bù và san lấp thêm phần bãi bồi của rạch Lăng rồi tự cất nhà và sang nhượng lại bằng giấy tay cho người khác.

Những người mua nhà này chính là những hộ dân đang khiếu nại hiện nay. Hiển nhiên, Công ty Phát triển nhà Bình Thạnh không thể đền bù lần 2, vì vậy mà UBND quận Bình Thạnh đã có văn bản trả lời cho các hộ dân là đòi hỏi của họ về đền bù, tái định cư là không có cơ sở giải quyết.

Giống như 6 hộ dân nêu trên, 26 hộ dân có nhà, đất nằm trên một nhánh cụt của con rạch Bần Đôn (quận 7) cũng bị UBND quận 7 buộc tháo dỡ nhà vô điều kiện và khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Cái khác là ở chỗ những hộ dân này đã san lấp nhánh cụt của con rạch Bần Đôn vào thời điểm trước khi ban hành Luật Đất đai năm 1993 và nơi họ ở không nằm trong khu quy hoạch.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì vào năm 1987, vợ chồng bà Đoàn Thị Kim (ngụ tại B9/10, khu phố 5, phường Bình Thuận, quận 7) cùng 6 người con từ Bình Thạnh về huyện Nhà Bè để chuyển nhượng một  ao cá tại nhánh cụt của con rạch Bần Đôn (nay thuộc khu phố 5, phường Bình Thuận, quận 7) để tổ chức nuôi cá, trồng rau muống. Ba năm sau, bà Kim bán ao cá cho người khác rồi cùng nhiều người nữa tiến hành san lấp khoảng 2.600m2 mặt nước của nhánh cụt con rạch này để cất nhà ở và trồng trọt, chăn nuôi.

Cuộc sống đang ổn định thì UBND quận 7 lập biên bản vi phạm hành chính và buộc khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra. Nghĩa là, họ phải tháo dỡ nhà mà không có bất cứ một sự trợ cấp hay đền bù nào. Lý do mà UBND quận 7 đưa ra chỉ gói gọn ở câu "lấn chiếm đất kênh rạch" mà không hề xem xét đến những quy định của Nhà nước về quản lý đất đai. Trong khi đó, trong số này có những trường hợp đã đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

"Tại chính quyền không ngăn chặn từ đầu!"

Đó là lý do duy nhất mà những người nằm trong "diện lấn chiếm" nại ra khi tiếp xúc với chúng tôi. Sáu hộ dân ở phường 26, Bình Thạnh nói rằng, năm 1996 khi họ đến đây mua nhà, sang nhượng đất bằng giấy tay và tự cất nhà nhưng nào có bị chính quyền can ngăn. Việc làm sai của họ phải trả giá là ngày hôm nay không có nơi để ở, trong khi đó, do buông lỏng quản lý, UBND phường 26 đã để lại hậu quả và để khắc phục thì chỉ việc ra quyết định cưỡng chế thế là xong?!

Tương tự, các hộ dân ở rạch Bần Đôn, họ không phủ nhận việc mình san lấp nhánh cụt của rạch nhưng ngày xưa việc làm này của họ chẳng những không bị chính quyền xử lý kịp thời mà sau đó, trong suốt 15 năm trời cũng chẳng thấy chính quyền ngó đến. Thậm chí, họ còn được UBND phường đôn đốc việc đóng thuế sử dụng đất công để làm cơ sở xin cấp quyền sử dụng đất, vậy mà…

Cùng với những trường hợp trên, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có hàng chục căn nhà xây dựng lấn chiếm đất công, kênh rạch là hậu quả của một quá trình buông lỏng quản lý. Và đến khi tình trạng nhà lụp xụp ven sông rạch đến mức báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan môi trường thì UBND TP Hồ Chí Minh mới giật mình nhìn lại và biện pháp khắc phục không có cách nào khác hơn là phải cải tạo, chỉnh trang con rạch.

Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ra đời từ đó và nó đã "ngốn" hàng ngàn tỷ đồng cùng với biết bao công sức bỏ ra để đền bù giải tỏa, xây dựng bờ kè, nạo vét lòng kênh…

Đó là chưa kể nhiều vụ khiếu kiện gay gắt, kéo dài cũng quanh chuyện đền bù, tái định cư. Sau kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nhiều con kênh khác như kênh Tham Lương, Vàm Thuận, Tàu Hủ, Kênh Đôi… đã, đang và chuẩn bị cải tạo cũng tốn kém những khoản kinh phí khổng lồ mà có "nuối tiếc" thì mọi người chỉ có thể thở dài "giá mà ngày trước chính quyền cương quyết ngăn chặn từ đầu!"

M.T.Phong

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文