Việt Nam "chịu" nhiều nhất từ sự biến đổi khí hậu

19:05 20/06/2007

Các nghiên cứu khoa học gần đây nhất cho thấy, hàm lượng khí CO2 trong bầu khí quyển đang cao nhất trong hơn 60 năm qua. Theo một nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam sẽ là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á từ sự biến đổi khí hậu này.

Nếu kịch bản về sự nóng lên của khí hậu toàn cầu ở mức nước biển dâng khoảng 1m, Việt Nam sẽ có khoảng gần 20% diện tích đất màu mỡ nhất, là nơi cư trú của 23% dân số (khoảng 17 triệu người) bị ngập chìm.

Đây cũng là lý do chính mà theo đó, một hội nghị bàn về phương thức giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam được đồng tổ chức bởi Bộ Hợp tác và Phát triển CHLB Đức, Bộ Tài nguyên - Môi trường Việt Nam và Ban Thư ký Công ước đa dạng sinh học quốc tế (CBD).

Đa dạng sinh học bị suy thoái nghiêm trọng

Theo TSKH Trương Quang Học, Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và môi trường ĐHQG Hà Nội thì Việt Nam là một trong 16 nước có đa dạng sinh thái cao với 7 vùng phân bố tự nhiên trên phần lục địa, 6 vùng đa dạng sinh học (ĐDSH) biển, 4 trung tâm ĐDSH.

Các hệ sinh thái (HST) trên cạn có 7 kiểu chính trong đó phong phú nhất là HST rừng, chiếm khoảng 36% diện tích đất tự nhiên. Trong các HST ở cạn đã phát hiện 15.986 loài thực vật với hơn 10% loài đặc hữu, 310 loài thú, 840 loài chim, 260 loài bò sát… Từ năm 1992 đến nay đã phát hiện ra 3 loài thú lớn và 3 loài thú nhỏ mới cho khoa học.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác, trong đó có sự biến đổi khí hậu mà ĐDSH của Việt Nam đã bị suy thoái trầm trọng. Diện tích rừng, hệ sinh thái có ĐDSH cao nhất đã giảm từ 72% xuống còn 28%. Trong gần 5 thập kỷ qua, diện tích rừng ngập mặn đã giảm 80%, khoảng 95% các rặng san hô bị đe dọa hủy hoại nghiêm trọng.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, các giống loài động vật và thực vật ở nước ta do nơi cư trú (nhất là rừng) bị tàn phá, do nguồn nước bị cạn kiệt vì khai thác quá mức, nhất là nạn săn bắt đã làm cho ĐDSH bị suy thoái.

Nhiều loài đã bị tuyệt chủng hoặc đang ở mức báo động đỏ như: Heo vòi, tê giác, các loài bò rừng, công, cà tông, các loài trĩ... Nhiều loài cây gỗ quý cũng có nguy cơ tuyệt chủng như gỗ đỏ, gụ mật, dáng hương, táu, lim xanh, nghiến và nhiều loại khác như hoàng đàn, sao, sến, chò chỉ…

Ngoài ra, nhiều giống cây trồng và vật nuôi như lúa, đậu tương, ngô, cây ăn quả, các loài cá bản địa cũng đã mất dần. Đây là tổn thất lớn trên tất cả các phương diện kinh tế, khoa học, môi trường và nhân văn.

Hậu quả nặng nề về kinh tế, xã hội và môi trường

Trong vòng nửa thế kỷ qua, hầu như toàn bộ lãnh thổ Việt Nam đều trải qua những biến đổi lớn về khí hậu và thời tiết. Sự biến đổi khí hậu phức tạp đã dẫn tới hậu quả là thiên tai ngày một thường xuyên và nghiêm trọng hơn, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là ngành Nông nghiệp. 

Theo số liệu thống kê của Trường Đại học Thủy lợi, có 11 vụ hạn hán nghiêm trọng xảy ra trong các năm từ 1976 đến 1996 đã dẫn đến những thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, gây cháy rừng, làm cạn kiệt sông suối nhỏ và các hồ chứa nước dẫn đến tình trạng biển lấn sâu vào đất liền. Có khoảng 3,8 triệu người rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên toàn quốc.

Theo ước tính, thiệt hại các vụ cháy rừng trong cả nước đã lên tới 5.000 tỷ đồng. Hiện có khoảng 5 triệu ha rừng bị liệt vào loại dễ cháy bất cứ mùa nào trong năm. Nhiều vụ cháy rừng ở Quảng Ninh và Lâm Đồng đã làm tê liệt nhiều nhà máy sản xuất nhựa thông.

Biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều tác động xấu đến hệ sinh thái, nền kinh tế cũng như môi trường sống. Thiên tai, đặc biệt là bão lụt và hạn hán ngày càng xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn cả về cường độ lẫn quy mô.

Mặc dù nguyên nhân của sự biến đổi khí hậu này là vô cùng phức tạp, song để giảm thiểu tác hại của nó cũng như ngăn chặn kịp thời những hệ lụy mà nó có thể gây ra cho các thế hệ tương lai, thiết nghĩ cần có sự chủ động phối hợp, đề ra những giải pháp mang tính đa ngành, đa lĩnh vực để đối phó, để thích ứng với sự biến đổi của khí hậu trong cả hiện tại và tương lai

Hoàng Mai

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文