Việt Nam, điểm sáng trong kiểm soát đại dịch COVID-19

07:21 26/12/2020
Ngày 27/12 năm nay đã trở thành một ngày đặc biệt khi được chọn làm Ngày quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh theo tinh thần Nghị quyết số A/RES/75/27 được Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đồng thuận thông qua hồi đầu tháng. Đây là nghị quyết đầu tiên của LHQ trong lĩnh vực này và cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất tại Đại hội đồng LHQ.

Vai trò dẫn dắt của Việt Nam

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây thiệt hại về người và tác động chưa từng có tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia, đề xuất của Việt Nam trong việc xây dựng và thông qua Nghị quyết về Ngày quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh (27/12) đã nhận được sự ủng hộ của toàn bộ các quốc gia thành viên LHQ. Các nước Canada, Niger, Senegal, Saint Vincent& Grenedines và Tây Ban Nha còn tham gia đồng tác giả với Việt Nam.

Việt Nam được thế giới đánh giá rất cao trong phòng, chống dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, hơn 100 nước thành viên LHQ tại tất cả các khu vực đã tham gia bảo trợ Nghị quyết. Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ cho hay, ý tưởng về một ngày chung của thế giới để chống dịch bệnh được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rất sớm, từ ngày 16/4/2020 tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao với chủ đề hợp tác quốc tế phòng chống đại dịch COVID-19 trong khuôn khổ Liên minh vì Chủ nghĩa đa phương. Sau đó, Việt Nam đã dành nhiều thời gian để chuẩn bị nội dung, lựa chọn và thuyết phục một số nước tiêu biểu tại các khu vực khác nhau cùng tham gia đồng tác giả trước khi chính thức giới thiệu đề xuất này ra Đại hội đồng LHQ.

“Sáng kiến của Việt Nam đưa ra đúng thời điểm và trúng sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, đóng góp thực chất vào công cuộc phòng chống dịch bệnh COVID-19 cũng như các dịch bệnh khác trên thế giới đã xảy ra hoặc sẽ xuất hiện trong tương lai.

Hơn thế nữa, các quốc gia đánh giá cao đề xuất và tin tưởng vào sự lựa chọn của Việt Nam bởi lẽ chúng ta đã chống dịch COVID-19 rất tốt. Từ thành tựu trong nước, chúng ta có tiếng nói với khu vực và thế giới. Ý tưởng này cũng càng trở nên thiết thực hơn và có ý nghĩa hơn, không chỉ đối với riêng Việt Nam mà cả khu vực cũng như thế giới”, Đại sứ Đặng Đình Quý nói.

Nghị quyết về Ngày quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên LHQ, các tổ chức trong hệ thống của LHQ, các tổ chức quốc tế và khu vực khác, khu vực tư nhân, và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu, các cá nhân và tác nhân liên quan khác… tổ chức kỷ niệm Ngày quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh hàng năm nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn ngừa, chuẩn bị và hợp tác ứng phó với dịch bệnh; nâng cao nhận thức về phòng chống bệnh dịch, từ đó, có sự chuẩn bị và phối hợp tốt hơn về vấn đề này ở tất cả các cấp.

Điểm đáng chú ý là nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế và giải pháp đa phương ở cả 4 cấp độ: cá nhân, cộng đồng, quốc gia, và quốc tế trong việc phòng chống dịch bệnh. Về lý do chọn ngày 27/12, theo Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, đây là ngày sinh của nhà bác học Louis Pasteur, một trong những người tạo nền móng cho y tế dự phòng. Những thành tựu của ông về y tế và y tế dự phòng để phòng chống dịch bệnh đã cứu sống hàng triệu người trên thế giới. Trên thế giới hiện nay cũng có mạng lưới các Viện Pasteur đang hoạt động rất hiệu quả, rất có ý nghĩa và cứu sống nhiều thế hệ ở các nước đang phát triển cũng như trên toàn thế giới.

Khẳng định trách nhiệm của một thành viên

 “Nghị quyết về Ngày quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh (27/12) là đề xuất đầu tiên của Việt Nam tại Đại hội đồng LHQ, trong đó ta là nước chủ trì đưa ra sáng kiến, xây dựng dự thảo, điều phối đàm phán dự thảo và vận động để được thông qua. Đây cũng là một hành động cụ thể triển khai Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư “Về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”, phát huy vai trò dẫn dắt, đề xuất ý tưởng của Việt Nam tại các cơ chế đa phương để qua các đóng góp cụ thể như thế này, góp phần thể hiện vai trò của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế”, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ khẳng định.

Thông tin thêm về quá trình hiện thực hoá đề xuất, Đại sứ Đặng Đình Quý cho hay, việc Việt Nam đưa ý tưởng và thúc đẩy Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết về Ngày quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh vừa có thuận lợi nhưng cũng rất nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên là khi xảy ra đại dịch COVID-19, tại LHQ cùng lúc xuất hiện rất nhiều đề xuất, sáng kiến về chủ đề này, trong khi quan điểm về nội hàm, nguồn gốc, tác động của đại dịch cũng như trách nhiệm, vai trò của các thành phần liên quan trong phòng chống và ứng phó đại dịch có sự khác nhau rất lớn, thậm chí là gay gắt.

Thực tế, nhiều đề xuất của các nước đưa ra vào thời điểm này sau đó đã không được thông qua và chỉ được sử dụng là thành tố trong một nghị quyết chung về COVID-19.Khó khăn thứ hai là quan niệm của các nước về nguồn gốc dịch bệnh, vai trò của cơ chế đa phương và các giải pháp đa phương, đặc biệt là của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có khác nhau dẫn đến quá trình tham vấn rất khó khăn.

“Để thành công, ta phải tìm hiểu, chắt lọc các ngôn ngữ đã được nhất trí tại các văn bản trước đây để xây dựng nghị quyết; xây dựng một lộ trình tiếp cận phù hợp và thống nhất trước các nguyên tắc trước khi bước vào đàm phán cụ thể với các nước. Đối với các nước có quan điểm khác biệt, ta giữ vững các nguyên tắc cơ bản như đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế, vai trò của các cơ quan LHQ, đặc biệt là WHO trong phòng chống bệnh dịch, đồng thời khẳng định trách nhiệm, vai trò và chủ quyền của các quốc gia trong vấn đề này”, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ chia sẻ.

Bày tỏ niềm tin vào vị thế của Việt Nam tại Liên hợp quốc, đặc biệt trong năm thứ 2 của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an LHQ, Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết, Việt Nam đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đối mặt với các khó khăn, tiếp tục tham gia tích cực và đóng góp có trách nhiệm với công việc chung của thế giới, qua đó nâng uy tín và vị thế của Việt Nam lên một tầm mới.                 

Huyền Chi

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文