Việt Nam sẽ có 2 trường trong Tốp 200 trường đại học hàng đầu thế giới
Nhu cầu về một nguồn nhân lực có chất lượng luôn là một vấn đề quan tâm hàng đầu của tất cả các quốc gia trên thế giới, nhưng để làm được việc này nếu chỉ một mình phía đào tạo sẽ không làm nổi, đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ của các sở, ban, ngành liên quan, đặc biệt là vai trò quan trọng của đơn vị sử dụng lao động.
Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long bên lề lễ ra mắt Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh ngày 30/3 vừa qua.
PV: Giáo dục đại học hiện nay rất cần những mô hình đại học hiện đại và chất lượng cao, Bộ GD&ĐT đã có chính sách và định hướng như thế nào để phát triển mô hình này thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bành Tiến Long: Bộ GD&ĐT đang có kế hoạch xây dựng 2 trường ĐH hàng đầu về chất lượng cao.
Thứ nhất là Trường Đại học Việt - Đức đã có thành lập ban chỉ đạo xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó lựa chọn 80% là giảng viên của Đức, chương trình đào tạo là của Đức và 5 năm đầu sinh viên tốt nghiệp tại đây được cấp bằng của Đức. Để thực hiện việc này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã cho phép vay Ngân hàng Thế giới khoảng 5 tỉ đô la để xây Trường Đại học Việt - Đức.
Thứ hai, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam để sử dụng 700 cán bộ trình độ giáo sư, tiến sỹ của Viện thành lập Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Để xây dựng, Bộ GD&ĐT đã ký kết với Khu công nghệ cao Hòa Lạc 6 ha đất, đề án đã được trình và Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo vay Ngân hàng Thế giới để xây dựng trường đại học này.
Trong chiến lược giáo dục Việt Nam (2008 - 2020), Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ phải xây dựng cho được 2 trường đại học trong top 200 trường hàng đầu thế giới là Trường Đại học Việt - Đức và Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.
PV: Đó có phải là một tham vọng quá lớn không thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bành Tiến Long: Tôi thừa nhận đó là một trong những định hướng và tham vọng rất lớn của chúng ta nhưng là cách để chúng ta có trường đại học chất lượng cao.
Ngoài ra, theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì chúng ta còn tiếp tục xây dựng thêm 2 trường nữa là đại học tại Đà Nẵng và đại học tại Vũng Tàu. Bộ GD&ĐT cũng đã triển khai lựa chọn 23 trường có chương trình đào tạo tiên tiến ở những trường đại học hàng đầu của thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ và có kế hoạch hợp tác đưa các chương trình tiên tiến vào giảng dạy tại các trường trọng điểm và hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Hy vọng đến năm 2015, chương trình này sẽ thu hút khoảng 5.000 sinh viên nước ngoài vào học (đây toàn là chương trình về khoa học công nghệ). Dạy bằng tiếng Anh, học bằng tiếng Anh, công nghệ bằng tiếng Anh thì người ta mới vào học được. Đó là những định hướng để xây dựng trường đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
PV: Thứ trưởng đánh giá thế nào về việc các trường đại học ngoài công lập đang tham gia vào quá trình cùng các trường công lập đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao?
Thứ trưởng Bành Tiến Long: Theo chỉ đạo của Chính phủ từ nay tới năm 2020, chúng ta phải có 40% sinh viên học các trường ngoài công lập. Năm vừa qua ta đã thành lập được 30 trường cao đẳng và đại học ngoài công lập với số sinh viên chiếm khoảng 12,8%. Và phần lớn sinh viên học trong các trường này ra trường đều tìm được việc làm.
Tuy nhiên, do một số yêu cầu về nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt có một nhu cầu là các trường ngoài công lập còn thiếu nhân sự, nhất là cần tập trung vào tuyển chọn cán bộ trẻ để đào tạo thành các giảng viên.
Thứ nữa tạo điều kiện để các trường đại học hiện nay có khuôn viên để hoạt động giảng dạy, tiến tới xây dựng thành trường đại học hiện đại. Còn việc làm thế nào để các trường công lập và ngoài công lập bình đẳng, thì chủ trương của Nhà nước và Bộ GD&ĐT là tạo được một mặt bằng như nhau về yêu cầu chất lượng cũng như trách nhiệm trong đào tạo.
PV: Đã có những động thái đầu tiên giữa các cơ sở tuyển dụng và cơ sở đào tạo trong việc tạo ra một nguồn nhân lực có chất lượng bằng những ký kết giao kèo giữa các trường và các doanh nghiệp thời gian qua, ông đánh giá thế nào về việc này?
Thứ trưởng Bành Tiến Long: Đây là một việc làm nhằm đạt yêu cầu đào tạo phải đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Có kết quả bước đầu rất tốt. Tôi ví dụ như Tập đoàn Hồng Hải vừa qua đã hỗ trợ Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội 4 triệu USD để xây dựng trường và Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực cho Tập đoàn Hồng Hải. Hoặc Tập đoàn Intel đầu tư 300 nghìn USD cho Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng để mua sắm trang thiết bị cho công việc giảng dạy…
Như vậy, việc gắn kết giữa doanh nghiệp và các trường đại học - cao đẳng là một yếu tố cần thiết, phải được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ. Đây là một xu thế tất yếu và cũng là việc đổi mới mang tính đột phá để chúng ta có được nguồn nhân lực chất lượng cao.
PV: Xin cảm ơn ông!