Xây dựng văn hóa giao thông trên đường phố Thủ đô: Hãy bắt đầu từ trường học

11:05 18/10/2014
Xây dựng ý thức văn hóa giao thông phải bắt đầu từ trường học- đó là quan điểm của nhiều chuyên gia liên quan đến lĩnh vực này. Tuy nhiên, trên địa bàn Hà Nội, tình trạng học sinh vi phạm giao thông lại đang có chiều hướng gia tăng. Khi mà học sinh đi xe máy đến trường chưa được xử lý dứt điểm thì hiện nay Hà Nội đang phải đau đầu với vấn nạn tốc độ học sinh sử dụng xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm tăng chóng mặt. Đi kèm với nó là thực trạng học sinh vi phạm TTATGT tăng cao. Các em dàn hàng ngang, đèo ba, lạng lách và đặc biệt phần lớn không đội mũ bảo hiểm. Thật tiếc, một sự thật đáng buồn đang xảy ra là phụ huynh đưa đón con cũng vi phạm Luật Giao thông.
>> Bài 1: Những hình ảnh “xấu xí” trên đường phố Hà Nội

Học sinh vi phạm, phụ huynh cũng gây ùn tắc giao thông

Vào giờ sáng, trưa, chiều trên các tuyến phố của Hà Nội, chúng ta rất dễ nhận ra hình ảnh học sinh vi phạm Luật Giao thông bởi những bộ đồng phục mà các em khoác trên người. Không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, đi xe máy khi chưa có giấy phép lái xe, “kẹp” 3, 4 phóng nhanh vượt ẩu… là những lỗi vi phạm khá phổ biến của học sinh.

Đại tá Đào Vịnh Thắng cho rằng, lực lượng CSGT đã làm hết sức. Bộ GD&ĐT nên đưa quy định của Luật Giao thông vào làm một môn học chính khóa.

Chiều 14/10, có mặt tại đường Phan Đình Phùng, gần cổng trường THPT Phan Đình Phùng, chúng tôi chứng kiến nhóm 3, 4 học sinh vô tư “đầu trần” điều khiển xe đạp điện dàn hàng ngang đi trên đường. Nhóm học sinh này vừa đi vừa nói chuyện, không để ý các phương tiện xung quanh. Khi đến ngã tư Hoàng Diệu - Phan Đình Phùng, hai chiếc xe đạp điện tăng ga phóng nhanh để vượt đèn đỏ. Tạt ngang, tạt ngửa, những phương tiện này có tốc độ không khác gì xe máy nhưng lại không hề có tín hiệu chuyển hướng nên tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Nhiều người điều khiển phương tiện trên đường được một phen hoảng hồn khi những chiếc xe đạp điện này vụt lên rồi lạng lách trước mũi xe. Đúng giờ tan học nên tại tuyến đường Lý Thường Kiệt cũng tràn ngập hình ảnh học sinh đi xe đạp điện, xe máy tỏa ra từ xung quanh cổng trường THPT Việt Đức. Bên cạnh hình ảnh quen thuộc là các học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm phóng nhanh, lạng lách, chúng tôi còn bắt gặp cả những học sinh nam, học sinh nữ “đầu trần” phóng xe máy vù vù trên phố. Khi gặp đèn đỏ, rất ít học sinh chịu dừng lại tuân thủ luật giao thông mà thường vù ga phóng đi. Một học sinh nam điều khiển chiếc xe máy Wave BKS 30P-54… kẹp thêm 2 bạn nữ ngồi sau không đội mũ bảo hiểm. Thậm chí chiếc xe này còn rồ ga, bốc đầu “chơi trội” trên phố.

Giờ tan học, cổng trường THPT Phạm Hồng Thái, đường Nguyễn Văn Ngọc, quận Ba Đình học sinh dắt xe đạp điện ào ra đường. Nhiều em không đội mũ bảo hiểm, thậm chí còn dàn hàng ngang trò chuyện tíu tít. Theo Thiếu tá Nguyễn Hồng Hải, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 2 thì học sinh đi xe đạp điện của Trường THPT Phạm Hồng Thái, Chu Văn An, Phan Đình Phùng không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ còn nhiều. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm CSGT chủ yếu phân luồng, hạn chế xử lý vi phạm nên các em được thể lạng lách để tránh bị phát hiện.

Văn hóa giao thông còn thể hiện ở ngay chính người lớn khi không làm gương cho các em. Họ biến lòng đường, vỉa hè thành nơi đỗ xe bừa bãi khi đứng chờ đón con, gây ách tắc giao thông, nguy hiểm cho các phương tiện qua lại. Thiếu tá Nguyễn Hồng Hải cho biết, “nóng” nhất là phụ huynh đỗ ôtô dàn hàng hai, hàng ba trước cổng Trường Tiểu học, THCS Thực nghiệm ở 50 phố Liễu Giai gây ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm. Ngày nào Đội CSGT số 2 cũng xử phạt 4-5 trường hợp phụ huynh vi phạm Luật Giao thông. Đội CSGT số 2 phải thành lập một Tổ xử lý đặc biệt để xử lý mạnh vi phạm giao thông trên tuyến Liễu Giai, Bưởi – Nguyễn Khánh Toàn.

Nhà trường làm nghiêm… nhưng học sinh vẫn vi phạm

Theo thầy Kiều Trung Tiến, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng, quận Ba Đình thì ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức ký cam kết với tất cả các học sinh trong việc tuân thủ chấp hành các quy định của Luật Giao thông. Đối với các học sinh vi phạm lần đầu, nhà trường đều có hình thức xử lý là hạ hạnh kiểm. Nếu học sinh tái phạm sẽ có hình thức xử lý cao hơn. Đặc biệt, nhà trường luôn giáo dục học sinh sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, không đi xe máy đến trường khi chưa có giấy phép lái xe. Tại các tiết dạy môn Giáo dục công dân hay các buổi sinh hoạt tập thể, các giáo viên sẽ tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông, ký cam kết với học sinh và gia đình. Trường cũng mời cơ quan Công an, tổ chức các chuyên đề giúp học sinh nâng cao nhận thức khi tham gia giao thông. Hiện nay, Trường THPT Phan Đình Phùng có khoảng hơn 1.900 học sinh thì có đến 1.100 học sinh đi xe đạp điện. Qua theo dõi, nhà trường phát hiện vẫn có tình trạng học sinh đi xe máy đến trường nhưng gửi tại các nhà dân xung quanh. Tuy nhiên, con số này không nhiều. Nói về quy trình xử lý học sinh vi phạm, thầy Tiến cho biết: Khi nhà trường nhận được các thông báo của Phòng CSGT, nhà trường sẽ tiến hành xác minh họ tên, lớp học. Học sinh vi phạm sẽ được mời lên Ban Giám hiệu cùng đại diện gia đình và nhận các hình thức xử lý như đã ký trong cam kết.

Các học sinh vi phạm Luật Giao thông khi vừa tan trường (ảnh chụp trước cổng Trường THPT Việt Đức, Hà Nội trưa 15/10/2014).

Vì sao công tác tuyên truyền tốt, hình thức xử lý kịp thời mà tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông vẫn diễn ra? Trả lời câu hỏi này, thầy Kiều Trung Tiến nhận định: Học sinh vi phạm bên cạnh ý thức chưa cao còn có sự “tiếp tay” của gia đình. Nếu gia đình gương mẫu, không cho con đi xe máy, giáo dục con đi xe đạp điện phải đội mũ thì việc con em mình vi phạm chắc chắn sẽ rất ít.

Với học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, CSGT chủ yếu là nhắc nhở, giáo dục, nhưng biện pháp này tính răn đe không cao vì hôm sau các em vẫn tiếp tục lặp lại như hôm trước. Hơn nữa, học sinh cũng có “chiêu, trò” né CSGT bằng cách mặc áo chống nắng khi đi xe máy, gây khó khăn cho CSGT khi kiểm tra. Thậm chí, theo Thượng tá Nguyễn Đức Chung, Đội trưởng Đội CSGT số 5 thì nhiều học sinh khai tên, trường sai, nếu các em không mặc áo đồng phục, không ghi nhãn vở thì CSGT cũng khó lòng mà biết được. “Để giải quyết vấn đề này, nhà trường yêu cầu tất cả học sinh phải ghi nhãn vở đầy đủ, đây là căn cứ để CSGT xử lý” - thầy Kiều Trung Tiến nêu ý kiến.

Vậy, làm thế nào để chấm dứt “nỗi buồn trước cổng trường học”? Theo một đồng chí cán bộ CSGT thì biện pháp “hóa trang, mật phục” để “bắt” vi phạm của học sinh vẫn được Phòng CSGT phối hợp với Sở GD&ĐT thực hiện nhưng hiệu quả chỉ được trong một thời gian nhất định ở một vài khu vực, chưa mang tính toàn diện cả thành phố, hiệu quả răn đe và ngăn ngừa vi phạm vẫn chưa cao. Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT cho rằng: “Quan trọng nhất vẫn là ý thức, nếu ý thức thay đổi thì hành vi sẽ thay đổi”. Còn theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, muốn thay đổi ý thức của người tham gia giao thông thì trong quá trình thực thi pháp luật phải nghiêm minh, không thể 100 người vi phạm nhưng chỉ vài người bị xử phạt, như vậy tính răn đe chưa cao. Với học sinh cũng thế, có em hôm nay vi phạm không thấy bị xử lý, ngày mai các em lại tiếp tục vi phạm vì cho rằng quy định của pháp luật không thực tiễn, vi phạm chắc gì bị xử lý! Do vậy, giáo dục ý thức tuân thủ TTATGT cho học sinh trước hết phải là từ gia đình.

Còn với lực lượng CSGT, nhiệm vụ chính vẫn là kiểm tra, xử lý, ngoài ra hàng tháng đều gửi bài tuyên truyền tới Phòng GD&ĐT để đưa xuống các trường; giảng bài tuyên truyền pháp luật TTATGT cho cấp tiểu học đến đại học; in bài tuyên truyền pháp luật TTATGT vào vở học sinh…

Theo Đội CSGT số 2, Công an TP Hà Nội thì hàng tháng đều gửi thông báo vi phạm về nhà trường theo Thông tư 38 nhưng không có trường hợp nào phản hồi. Tương tự, theo thống kê của Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội thì họ cũng rất ít nhận được phản hồi từ nhà trường nơi đã gửi thông báo đi. Đây có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân khiến học sinh không coi trọng việc tuân thủ pháp luật.

Nguyễn Hương - Trần Hằng

Greenland được coi cửa ngõ quan trọng dẫn tới Bắc Cực, một khu vực ngày càng có ý nghĩa đối với các cường quốc khi băng tan và dần mở ra nhiều cơ hội kinh tế và quân sự mới. Không những vậy, chính Greenland cũng sở hữu nguồn tài nguyên khổng lồ, trong đó có đất hiếm - yếu tố then chốt trong sản xuất công nghệ cao, từ điện thoại di động đến máy bay chiến đấu.

Những hình ảnh hoang tàn ở các khu vực tại Los Angeles, California (Mỹ) mà thảm họa cháy rừng quét qua, khiến nhiều người liên tưởng tới hình ảnh của một vùng chiến sự. Theo truyền thông địa phương, các lính cứu hỏa Los Angeles đã bị áp đảo khi các đám cháy rừng đồng loạt bùng lên ở nhiều địa điểm, trong khi gió mạnh khiến việc chữa cháy trở nên bất khả thi. 

Theo ghi nhận thực tế, sau một tuần thực hiện Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, tình trạng “nhờn” luật đã giảm. Cùng với đó, mức phạt vi phạm giao thông là nội dung được nhiều người quan tâm thời gian qua.

Trong hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Quyết định của Thủ tướng quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc (gộp bậc 1 và 2 hiện hành).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.