Xây nhà không phép chờ dự án sông Hồng
>> Di dời 26.000 hộ dân ven sông Hồng để chống lũ?
Vướng mắc thủ tục, người dân xây liều
Khi triển lãm lấy ý kiến người dân về dự án hai bên sông Hồng đi vào giai đoạn kết, thì tình trạng xây dựng không phép ngoài đê thuộc vùng dự án lại diễn ra hết sức phức tạp. Điều này không chỉ gây khó khăn cho việc thực hiện dự án sau khi được phê duyệt, mà còn tạo cơ hội cho không ít người lấn chiếm hàng ngàn mét vuông đất trái phép và mua đi bán lại đất nông nghiệp để trục lợi.
Sau khi Báo CAND phản ánh, hơn 50.000m2 đất nông nghiệp bị lấn chiếm trái phép ngoài đê sông Hồng thuộc phường Tứ Liên, quận Tây Hồ đã được cưỡng chế thu hồi. Nhiều khu vực đã được quản lý cho thuê hoặc làm bãi trông giữ phương tiện vi phạm trật tự ATGT phục vụ nhu cầu chung. Nhưng khi TP Hà Nội có chủ trương nghiên cứu dự án hai bên sông, tình trạng xây dựng không phép lại tái diễn. Không ít trường hợp lấn chiếm đất đai trước đây nay tiếp tục tái lấn chiếm, xây nhà hàng, vườn sinh thái… đón dự án có giá trị tới hàng chục tỷ đồng gây bức xúc trong nhân dân.
Điển hình là khu 3,5ha thuộc cụm 1, phường Tứ Liên, một khu đất màu mỡ có trục đường nước Phần Lan chạy qua rất hấp dẫn đã bị hơn 80 hộ lấn chiếm, chia lô xây tường bao hoàn chỉnh. Các ngành chức năng quận Tây Hồ và phường Tứ Liên đã tốn không ít tiền của, công sức tổ chức cưỡng chế thu hồi. Tuy nhiên, cho đến nay, dấu hiệu lấn chiếm trở lại đã rõ ràng với việc xuất hiện các nhà hàng, vườn sinh thái, xưởng cơ khí… khá sầm uất.
Ông Hoàng Đình Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND phường Tứ Liên thừa nhận: Việc tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất do những trường hợp lấn chiếm trước đây đã tạo chuyển biến lớn tình hình quản lý đất đai nơi đây. Nhưng sau đó, vì không đưa được dự án hay công trình phúc lợi vào dẫn đến việc quản lý của phường hết sức khó khăn. Trên thực tế, nhiều khu vực sau khi thu hồi lại phải quản lý bằng cách cho thuê lại hoặc tổ chức lực lượng bảo vệ ngày đêm chờ ý kiến của trên cho chuyển đổi mục đích.
Toàn phường Tứ Liên có 350ha đất thì 300ha nằm ngoài đê, theo quy định, phần lớn diện tích trên nằm trong vùng thoát lũ và an toàn đê điều nên việc xin phép xây dựng phải tuân theo những quy định chặt chẽ. Cho đến nay, dù chưa có quy hoạch nhưng phần lớn diện tích đất cả thổ cư lẫn đất nông nghiệp nơi đây đã được xây nhà ở cao tầng.
Khi tìm hiểu vì sao người dân lại có thể xây nhà không phép như vậy, ông Phó Chủ tịch phường một lần nữa thừa nhận: Hầu hết người dân xây nhà không có giấy phép xây dựng vì thủ tục quá rườm rà, muốn xin cũng vướng. Số hộ xây dựng không phép lên đến trên 1.000 trường hợp, thuộc nhiều tổ dân phố. Đến nay mới có duy nhất một trường hợp xin được thỏa thuận của các cơ quan chức năng để lấy giấy phép xây dựng.
Một điểm bị lấn chiếm tại khu 3,5ha ở phường Tứ Liên. |
Tháo gỡ vướng mắc, dễ cho cả hai "nhà"
Vướng mắc mà ông Phó Chủ tịch UBND phường Tứ Liên phản ánh chính là quy định hiện nay đối với các trường hợp xin xây dựng khu vực ngoài đê sông Hồng. Theo đó, người dân có nhu cầu xây dựng muốn xin phép phải thiết lập được bản thỏa thuận với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đảm bảo không ảnh hưởng tới hành lang an toàn đê và vùng thoát lũ; tiếp đến là thoả thuận với Sở Kiến trúc - Quy hoạch thành phố xem có vướng chỉ giới quy hoạch hay không.
Được hai văn bản này mới có cơ sở để UBND quận cấp giấy phép xây dựng tạm thời, cao 2,5 tầng (không quá 12m) và không được hưởng bất kỳ khoản bồi thường nào nếu Nhà nước lấy đất làm quy hoạch chung. Vì thủ tục như vậy mà hầu hết các hộ dân muốn xây dựng sau thời gian dài lên Sở xuống quận đều "chào thua", chỉ duy nhất có một trường hợp làm được nhưng cũng phải sau nhiều năm chờ đợi cộng với nỗ lực cá nhân.
Tình trạng trên dẫn đến cơ quan chức năng phường và quận liên tục phạt xây dựng không phép (500 ngàn đồng/trường hợp) và thu thuế xây dựng cơ bản gần 10 triệu đồng/nhà, nhưng hiệu quả quản lý trật tự xây dựng thì không đổi. Nghịch lý nảy sinh khi hàng ngàn hộ dân sống ở khu vực ven sông Hồng nhiều năm vẫn được cấp sổ đỏ nhưng không được cấp phép xây dựng theo quy định. Trong khi đó, theo ông Hoàng Đình Nghĩa, cho biết, khu tái định cư cho những hộ dân nhường đất làm đường Kim Mã nằm ở phường Phúc Xá, quận Ba Đình (cũng nằm ngoài đê) thì người dân lại được xây dựng cao tầng!
Nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân là điều không cần bàn cãi, nếu thủ tục và quy trình quản lý không theo kịp thực tế thì không chỉ dẫn đến hậu quả đô thị bị xé nát mà còn là "mảnh đất" tốt cho các hành vi tiêu cực. Duy trì cách quản lý như thế còn dẫn đến tình trạng, nhiều năm qua các trường từ mẫu giáo đến tiểu học, trung học cơ sở của phường Tứ Liên vẫn phải tá túc trong đình Nội Châu vì không được duyệt dự án; công trình phúc lợi như cơ sở y tế phường cũng chỉ là tạm bợ… Chính vì thế, một giải pháp sớm về quy hoạch, giải quyết các vấn đề dân sinh trong đó có xây dựng nhà ở cho người dân trong khi chờ phê duyệt thành phố hai bên sông là điều không thể chậm