Xử lý nợ bảo hiểm vẫn còn nhiều phức tạp
Tại Hội nghị đánh giá công tác phối hợp giữa Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh và cơ quan báo chí năm 2018, ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2018, tổng số người tham gia BHXH bắt buộc là hơn 2,3 triệu người, tăng 6,3% so với năm 2017; tham gia BHYT là hơn 7,2 triệu người, tăng 6,1%; tham gia bảo hiểm tự nguyện là hơn 2,2 triệu người, tăng 2,4%; tham gia BHXH tự nguyện hơn 5,4 ngàn người, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 86,46%, vượt 1,86% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao; đồng thời vượt 1,26% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 35 của HĐND TP Hồ Chí Minh giao.
Hội nghị đánh giá công tác phối hợp giữa BHXH TP Hồ Chí Minh và cơ quan báo chí năm 2018. |
Nhưng tình trạng nợ BHXH, BHYT còn phổ biến với số tiền lớn và thời gian dài; trong đó số nợ BHXH, BHYT cũng còn tới 1.815.322 triệu đồng, chiếm tỷ lệ nợ 1,85% so với kế hoạch, giảm so với cùng kỳ năm trước 1,78%.
Đáng nói, tình trạng doanh nghiệp FDI có chủ bỏ trốn, doanh nghiệp giải thể hoặc chấm dứt hoạt động khá phổ biến; nhưng sau khi thanh lý tài sản không còn đủ tiền trả nợ BHXH. Quản lý việc cấp phép của các doanh nghiệp mới thành lập chưa có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng gây khó khăn cho công tác thu hồi nợ do đơn vị không hoạt động đúng địa chỉ trên giấy phép.
Đơn vị sử dụng lao động ký các loại hợp đồng với tên gọi khác nhau như cộng tác, khoán… nhằm trốn tránh việc đóng BHXH, BHYT. Nhiều đơn vị không thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Theo ông Phan Văn Mến, đối tượng tham gia BHXH tại TP Hồ Chí Minh tuy có chiều hướng phát triển tốt, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố. Hiện nay còn tới 87 ngàn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chưa tham gia BHXH, BHYT, với số lao động lên tới 270 ngàn người.
Bên cạnh đó, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cũng rất thấp - TP Hồ Chí Minh hiện chỉ có 5.400 người tham gia. Số liệu này của TP Hồ Chí Minh so với toàn quốc chỉ chiếm một phần rất nhỏ nhoi. Đáng nói, số nợ BHXH, BHYT cục bộ ở một số đơn vị, địa phương vẫn còn cao (dù số nợ chung đã giảm đi khá nhiều).
Đơn cử như huyện Hóc Môn, số nợ cục bộ chiếm tới 50% tổng số nợ; tại quận 1 cũng có một số đơn vị nợ cục bộ BHXH, BHYT rất cao; như với Tập đoàn Mai Linh, các năm trước nợ BHXH, BHYT 100 tỷ đồng, nhưng gần đây đã khắc phục được 40 tỷ đồng, số còn lại đơn vị này hứa trong năm 2019 sẽ giải quyết dứt điểm.
Để răn đe và hạn chế tình trạng các đơn vị vi phạm trong lĩnh vực thu, chi chế độ BHXH, BHYT, BHTN ngày càng nghiêm trọng như kể trên, theo ông Phan Văn Mến, BHXH TP Hồ Chí Minh đã tiến hành việc chuyển hồ sơ vụ việc qua cơ quan Công an để xem xét xử lý hình sự.
Cá biệt, có trường hợp Công ty TNHH Nam Phương (Củ Chi) đã nợ tiền BHXH lên đến 28 tỷ đồng kéo dài trong 4 năm nay. Hiện BHXH TP Hồ Chí Minh đã gửi hồ sơ vụ việc của công ty này qua Công an TP Hồ Chí Minh đề nghị xem xét khởi tố vụ án hình sự.
Tuy nhiên, hiện ông chủ người Hàn Quốc của công ty này đã bỏ trốn. Tuy nhiên, cơ quan BHXH đã tiến hành các biện pháp để tính toán quyền lợi BHXH cho người lao động.
Ông Phan Văn Mến cũng cho biết thêm, trong số 143 đơn vị đã bị cơ quan BHXH xử phạt hành chính mà không nộp và để kéo dài thời gian, số tiền nợ lớn, cơ quan BHXH có thể sẽ chuyển hồ sơ qua cơ quan Công an điều tra xử lý theo luật định.