Bão số 6 giật cấp 13 trên biển Đông, nhiều địa phương lên kịch bản phòng chống
Chiều 25/10, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp trực tiếp và trực tuyến với các bộ ngành cùng 19 tỉnh, TP để ứng phó với cơn bão số 6 (Trà Mi).
Cảnh báo ngập lụt diện rộng
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hồi 14h cùng ngày, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600km về phía Đông, sức gió cấp 10, giật cấp 13, di chuyển khá chậm.
Bão từ khi hình thành và vào Biển Đông đã thay đổi hướng liên tục, đến 4 lần. Hoàn lưu rất rộng, chưa hình thành mắt bão nhưng vùng ảnh hưởng gây mưa rộng từ 500 - 600km. Từ ngày 24/10 đến lúc này, mây tập trung ở phần phía Tây của cơn bão khiến mưa, gió mạnh đã bắt đầu tác động đến nước ta.
Cũng theo Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cách đây 4 ngày, các cơ quan khí tượng thủy văn có nhiều dự báo khác nhau nhưng đến nay đã ổn định và khá thống nhất, dự báo cơn bão ảnh hưởng đến vùng biển miền Trung của nước ta.
Về tác động của bão, tại khu vực Bắc Biển Đông sẽ có gió lớn cấp 12, giật cấp 15 và sóng biển cao từ 5 - 7m; gần tâm bão sẽ có sóng cao 7- 9m. Đến sáng ngày 27/10, ở khu vực ngoài khơi từ Quảng Bình - Quảng Ngãi, bao gồm đảo Lý Sơn sẽ có gió lớn cấp 8 - 9, giật cấp 10 - 11.
"Với hướng di chuyển như hiện nay và kịch bản dự báo bão sẽ chạm bờ rồi quay ra thì tại khu vực ven biển từ Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi sẽ có gió từ cấp 6 - 8. Còn với kịch bản đi sâu hơn vào đất liền, có thể gió sẽ mạnh hơn ở cấp 9, giật cấp 11 -12", ông Khiêm thông tin.
Về tác động mưa, bão số 6 có hoàn lưu rất rộng, ở phía Tây của tâm bão có thể gây ra mưa rất lớn. Dự báo khu vực từ Quảng Trị - Quảng Ngãi sẽ có mưa từ 300 - 500mm, cục bộ ở tâm mưa có thể trên 700mm. Với khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bắc Tây Nguyên... sẽ xảy ra mưa từ 100 - 200mm. Do hoàn lưu bão khá rộng, tập trung chủ yếu ở phía Tây nên khuyến cáo người dân không quá chú tâm vào tâm bão vì ngay khi bão chưa vào đã ảnh hưởng đến đất liền.
Để chủ động ứng phó bão, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 110 chỉ đạo chủ tịch UBND các tỉnh, TP từ Thanh Hoá đến Phú Yên và các bộ ngành ứng phó với bão.
Theo công điện của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT, Quảng Bình cấm biển từ 0h00 ngày 27/10; Thừa Thiên Huế tàu thuyền đã vào neo đậu và không cho ra khơi từ 25/10; Quảng Nam cấm biển từ 10h00 ngày 25/10; Quảng Ngãi cấm biển từ 10h00 ngày 26/10 và dự kiến hoàn thành việc sơ tán người dân trên đảo Lý Sơn trước 22h00 ngày 26/10; các địa phương từ Quảng Bình - Quảng Ngãi tổ chức rà soát, sẵn sàng ứng phó với mưa lớn sau bão, nhất là sơ tán dân khu vực nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất.
Có kịch bản cụ thể di dời, sơ tán người dân
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đơn vị đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 67.212 phương tiện/307.822 người biết diễn biến, hướng đi của bão. Trong đó, có 35 tàu/184 người (Quảng Ngãi) hoạt động khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa; hiện không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm, các phương tiện nằm trong vùng ảnh hưởng đang di chuyển vòng tránh.
Tại cuộc họp, đại diện của Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong khu vực quản lý của các cảng vụ hàng hải từ Quảng Ninh đến Bình Thuận có 940 tàu, trong đó có 469 tàu biển và 471 phương tiện thủy nội địa. Quân đội cũng đã huy động 285.480 người, trong đó có 86.019 bộ đội, dân quân tự vệ 199.461, 12.503 phương tiện quân sự các loại, sẵn sàng ứng phó với cơn bão này.
Nhìn lại cơn bão số 3, để chủ động ứng phó với bão số 6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương cần có sự chuẩn bị cao nhất, mỗi địa phương có kịch bản cụ thể với việc di dời, sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, hạn chế tối đa thiệt hại.
Ông Vũ Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và phòng, chống thiên tai, để sẵn sàng ứng phó với bão, mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, các bộ ngành, địa phương rà soát, kiểm đếm, chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch) còn đang hoạt động trên biển biết, không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn, nhất là thông tin về bão đổi hướng; tổ chức sắp xếp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu.
Có các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, cửa sông, ven biển; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp. Địa phương căn cứ tình hình cụ thể, chủ động quyết định việc cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch.
Ông Thành đề nghị các địa phương tập trung thu hoạch diện tích lúa mùa đã đến kỳ thu hoạch; thu hoạch sớm sản phẩm nuôi trồng thủy sản đã đến thời kỳ thu hoạch; sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm; khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất.