Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống xứ Huế

07:45 13/01/2022

Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có 86 làng nghề, 57 nghề truyền thống hoạt động riêng lẻ, được phân bố trên 123 địa điểm có nghề hoạt động theo địa bàn cấp huyện, với đông đảo đội ngũ thợ thủ công lành nghề, tài hoa.

Những năm qua, thông qua các chương trình, đề án, dự án, các chính sách hỗ trợ, như chương trình xây dựng nông thôn mới, đề án khôi phục và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống, chương trình mỗi xã một sản phẩm, kế hoạch khuyến công địa phương, chương trình phát triển tài sản trí tuệ… đã góp phần rất lớn trong việc bảo tồn, khôi phục và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống.

Người dân làng Thanh Tiên làm hoa giấy phục vụ thị trường tết.

Đặc biệt với 7 kỳ tổ chức Festival nghề truyền thống Huế qua 15 năm đã "hồi sinh" và phát triển của các ngành nghề truyền thống Huế như nghề: pháp lam, nghề chế tác nhà rường; nghề may áo dài truyền thống; làng nghề đúc đồng Phường Đúc, làng nghề gốm Phước Tích, làng nghề hoa giấy Thanh Tiên…

Qua các kỳ Festival nghề truyền thống Huế, có thể thấy các điểm giới thiệu quảng bá nghề truyền thống mới được hình thành, nhiều điểm đến du lịch được Nhà nước và tư nhân đầu tư xây dựng, không gian biểu diễn và không gian trưng bày sản phẩm nghề đã từng bước được định hình.

Một số làng nghề như mây tre đan Bao La, mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên, An Bình, chế biến bún bánh Ô Sa, Vân Cù… đã được hỗ trợ đầu tư, xúc tiến thương mại nên ngày càng phát triển. Những năm gần đây, làng mây tre đan Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) với các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm trang trí, dân dụng không chỉ đáp ứng nhu cầu hàng hóa trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như: Thái Lan, Mỹ cùng với một số nước trong khu vực châu Âu.

Nói về nghề làm hoa giấy Thanh Tiên, ông Nguyễn Hóa (trú tại xã Phú Mậu, TP Huế) đã gần 50 năm gắn bó với nghề này cũng bày tỏ rằng, nghề làm hoa giấy Thanh Tiên đã tồn tại hơn 500 năm. Vào thời điểm giáp Tết, những người làm hoa giấy ở xã Phú Mậu luôn tất bật bởi đây là thời điểm, hàng bán chạy nhất trong năm.

Theo phong tục tập quán, trước Tết, người dân Huế cũng như một số tỉnh, thành ở miền Trung thường mua hoa giấy, hoa sen giấy Thanh Tiên về để trang trí hoặc đặt trên các bàn thờ cúng trong gia đình…

Tuy nhiên, trước sự phát triển của xã hội hiện đại, do khó khăn về thị trường; một số làng nghề truyền thống từ lâu đời của tỉnh Thừa Thiên-Huế đang có nguy cơ thất truyền, như nghề truyền thống tranh giấy làng Sình, nghề làm diều Huế, gốm Phước Tích, nghề rèn Hiền Lương…

Được hình thành cách đây gần 600 năm, làng Hiền Lương thuộc xã Phong Hiền (huyện Phong Điền) nổi tiếng với nghề rèn từ lúc chúa Nguyễn Hoàng vào vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân. Làng rèn Hiền Lương được nhiều người biết đến vì có nhiều kỳ tích như có đội thợ tham gia sản xuất vũ khí cho quân đội Tây Sơn, hay chế tạo thành công tàu thủy chạy bằng hơi nước đầu tiên của Đại Nam…

Tuy nhiên, nghề rèn Hiền Lương đang đứng trước nguy cơ thất truyền khiến nhiều người tiếc nuối. Theo các bậc cao nhân trong làng, lớp trẻ ở làng Hiền Lương khi lớn lên, không ai chịu theo nghề rèn nữa vì thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu.

Với lại, người dân bây giờ họ cũng không mặn mà với những sản phẩm rèn thủ công. Hiện ở làng Hiền Lương chỉ còn vài ba người tuổi xế chiều vì yêu nghề, nhớ nghề nên lâu lâu vẫn nhóm bếp…

Tại hội thảo trực tuyến "Phát triển du lịch bền vững" do Trung tâm Châu Á - Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản vừa tổ chức, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho rằng, bảo tồn di sản văn hóa Huế phải gắn với phát triển nghề thủ công truyền thống.

Theo ông Trung, một trong số những nghề tiêu biểu là nghề mộc, vốn có truyền thống lâu đời ở Huế. Từ giữa thế kỷ 18, Huế đã nổi tiếng là nơi tập trung nhiều thợ mộc khéo, xây dựng rất nhiều cung điện, dinh thự của chúa Nguyễn và các quan lại tại đô thành Phú Xuân. Sau năm 1945, các nghệ nhân mộc chủ yếu hoạt động phục vụ nhu cầu dân gian hoặc chuyển qua sản xuất mặt hàng khác (cũng bằng gỗ).

Khi công cuộc bảo tồn, trùng tu ở Cố đô Huế được phát động, đã có một lực lượng không nhỏ thợ mộc của địa phương cùng với một số thợ giỏi từ miền Bắc vào kết hợp với nhau để thực hiện các công đoạn của quá trình trùng tu, phục hồi…

Để bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống địa phương, hiện, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang ưu tiên việc phát triển nghề và làng nghề phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; phát huy giá trị văn hóa, nâng cao giá trị sản phẩm gắn liền với phát triển dịch vụ du lịch.

Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với xây dựng nông thôn mới trên cơ sở phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. Đẩy mạnh đầu tư chiều sâu để tăng năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa sản phẩm và ứng dụng các công nghệ mới; kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ cổ truyền và công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm vừa truyền thống nhưng phải tinh xảo vừa hiện đại mang tính thương mại cao.

Song song với việc bảo tồn cần phải tập trung khôi phục, phát triển các nghề và làng nghề có nhiều tiềm năng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, thu hút nhiều lao động. Để đạt được những điều đó, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đưa ra nhiều giải pháp trong đó tập trung tăng cường trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan để tập trung nguồn lực chỉ đạo phát triển các ngành nghề nông thôn, làng nghề tại địa phương; tập trung phát triển các sản phẩm OCOP (từ chương trình mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm tiểu thủ công nghiệp gắn việc phát triển các ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn tỉnh.

Hải Lan

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文