Bệnh án điện tử: Nhiều lợi ích, nhưng triển khai rất chậm

05:32 12/08/2024

Trong tháng 8, Bệnh viện Bạch Mai sẽ triển khai thí điểm bệnh án điện tử. Đây là một trong số rất ít bệnh viện tuyến Trung ương đầu tiên trên toàn quốc thí điểm bệnh án điện tử, tiến tới bỏ bệnh án giấy. Theo thông tin từ Hội Tin học Y tế Việt Nam, đến nay mới có 94/1.300 bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước bỏ bệnh án giấy, triển khai bệnh án điện tử.

Người bệnh mong mỏi liên thông kết quả xét nghiệm cho đỡ tốn kém

Mỗi ngày, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 8.000 - 12.000 người tới khám. Khi đến đây, chúng tôi vẫn được nghe người bệnh phàn nàn họ phải cầm sổ y bạ và một đống giấy tờ xét nghiệm, chụp chiếu từ tuyến dưới hoặc bệnh viện khác đến. Anh Phạm Trọng Khôi (Phủ Lý, Hà Nam) kể: “Bố tôi vào cấp cứu vì nghi đột quỵ, nhà neo người, vừa đưa ông chuyển viện vừa làm các xét nghiệm chụp chiếu. Ngoài hành lý mang theo còn cầm phim chụp cộng hưởng từ, chụp X-quang và nhiều giấy tờ khác nên khá rườm rà, cồng kềnh”. 

Người dân đi khám bệnh vẫn phải cầm theo nhiều giấy tờ.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong tháng 8, bệnh viện sẽ triển khai thí điểm bệnh án điện tử. Tuy chậm, song đây là bước tiến rất lớn trong quản trị bệnh viện, cũng như ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Chính phủ. Từ ngày 8/7, Bệnh viện Bạch Mai đã không in giấy các chỉ định chuyên môn (chụp CT, Xquang, cộng hưởng từ…) và từ tháng 8 tới đây cũng sẽ không in phim. Riêng việc không in phim mỗi năm cũng giúp tiết kiệm cho bệnh viện và người bệnh khoảng 30 tỷ đồng.

“Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh, đặc biệt thiết lập hồ sơ điện tử, giúp bệnh viện tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Người bệnh đăng ký khám theo các khung giờ, có thể qua điện thoại, bệnh viện có hệ thống trực tổng đài, mỗi ngày có 2.000-2.500 cuộc gọi đặt lịch khám, người bệnh chủ động chọn khung giờ và chúng tôi có cán bộ tư vấn nên chọn khung giờ nào để đỡ đông. Hoặc đăng ký khám qua app. Thông tin của người bệnh đã có sẵn, bệnh nhân gửi thông tin trước, bác sĩ có thể xem trước hồ sơ, vì vậy, có nhiều chụp chiếu, xét nghiệm không phải làm lại, giúp tiết kiệm cho người bệnh cũng như tiết kiệm cho ngân sách”, ông Cơ cho biết và khẳng định liên thông còn giúp bác sĩ được xem hồ sơ và có chẩn đoán sớm cho người bệnh.

Bệnh viện E tuy chưa triển khai bệnh án điện tử, nhưng đã sử dụng tất cả các kết quả của các bệnh viện khác khi người bệnh đến khám đem theo, không yêu cầu người bệnh làm lại, trừ kết quả đó đã hết thời hạn hoặc lâm sàng yêu cầu phải làm lại. Thậm chí, kết quả chụp CT của bệnh viện tuyến tỉnh cũng được chấp nhận. Đây chính là lợi ích lớn khi triển khai bệnh án điện tử - liên thông sử dụng kết quả xét nghiệm để tránh lãng phí. Nếu triển khai bệnh án điện tử ở tất cả các cơ sở y tế, kết quả xét nghiệm được liên thông, chi phí khám, chữa bệnh sẽ giảm rất lớn, giảm gánh nặng cho người bệnh.

PGS.TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học Y tế khẳng định, lợi ích lớn nhất của bệnh án điện tử là hội chẩn online trong và ngoài nước, quản lý từng viên thuốc, bác sĩ tiện lợi trong điều trị, giảm thời gian đi lại cho người dân. Theo lộ trình của Thông tư 46/2018/TT-BYT quy định hồ sơ bệnh án điện tử, đến hết năm 2023 phải có 135 bệnh viện hạng 1 triển khai bệnh án điện tử thành công và khuyến khích các cơ sở khám, chữa bệnh triển khai bệnh án điện tử. Nhưng nay đã là tháng 8/2024, cả nước mới có 94 cơ sở khám, chữa bệnh công bố đã triển khai bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy, trong đó có 32 bệnh viện hạng 1, 44 bệnh viện hạng 2, 4 phòng khám và 14 bệnh viện tư nhân. Như vậy, tỷ lệ thực hiện theo Thông tư 46 mới đạt 23,7% (32/135) chỉ tiêu đề ra. Việc bỏ in phim, sử dụng hệ thống phần mềm lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế rất có ích cho ngành y tế và góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm cho người bệnh, nhưng đến nay mới chỉ có 22 bệnh viện trên toàn quốc triển khai và được thanh toán như in phim.

Đề xuất triển khai từng phần

Theo ông Tường, việc triển khai bệnh án điện tử còn nhiều vướng mắc chủ yếu do giám đốc nhiều bệnh viện chưa quyết liệt, ngại thay đổi thói quen làm việc truyền thống sang quy trình làm việc khoa học hơn. Hiện chưa có cơ chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin nói chung và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nói riêng nên nhiều bệnh viện vẫn chưa triển khai. Một số bệnh viện chưa có sự kết nối, liên thông, chia sẻ giữa các thông tin, dữ liệu của ngành y tế, dẫn đến các cơ sở dữ liệu còn phân tán, thiếu kết nối chia sẻ. Hoặc các bệnh viện đã triển khai không in phim vẫn chưa có quy định về thanh toán giá tiền phim cho các bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, chỉ có các bệnh viện trong đề án được Bộ Y tế phê duyệt thí điểm mới được thanh toán theo mức giá quy định tại đề án… Đây là những khó khăn dẫn đến việc triển khai bệnh án điện tử còn chậm.

Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện kêu khó khăn về nguồn kinh phí. Bởi bệnh án điện tử là công đoạn cuối cùng trong chuyển đổi số y tế, để hoàn thiện phải đầu tư toàn hệ thống công nghệ thông tin với nguồn kinh phí rất lớn, trong khi bệnh viện còn phải đầu tư vào công tác khám, chữa bệnh… Do chi phí đầu tư lớn nên nhiều bệnh viện đã lập đề án nhưng không có kinh phí, không triển khai đồng bộ mà chỉ làm từng phần. Ngoài Bạch Mai, hiện còn một số bệnh viện tuyến Trung ương đã triển khai bệnh án điện tử cơ bản đã xong nhưng chưa công bố vì còn thiếu một số điều kiện như Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Việt Đức. Một số bệnh viện kiến nghị Bộ Y tế cần hoàn thiện cơ chế chính sách, đặc biệt là quy định về chi phí công nghệ thông tin, giá thành khi triển khai in phim để đẩy nhanh triển khai bệnh án điện tử trên cả nước.

Theo ông Nguyễn Trường Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Y tế quốc gia, Bộ Y tế đã đề xuất sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 46, ngoài đề xuất lùi thời hạn lộ trình hoàn thành, một số tiêu chí để bệnh viện công bố chuyển sang bệnh án điện tử cũng được giảm bớt, trong đó cho công bố hoàn thành từng phần, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh viện trong triển khai bệnh án điện tử. Việc triển khai từng phần bệnh án điện tử cũng là sớm để người bệnh được hưởng lợi, tiết kiệm chi phí khám, chữa bệnh.

Trần Hằng

Để thu hút cá nhân và doanh nghiệp, Hồ Quốc Thân (SN 1992, quê quán xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) giới thiệu rằng anh ta đã được tiếp quản nguồn tài sản, di sản rất lớn từ "Tổng bộ Hồ Chí Minh"; đồng QFS được bảo chứng bằng di sản của nhiều nguồn, các gia tộc lưu lại trong hàng trăm năm qua, được 48 nước công nhận và sẽ được kích hoạt vào tháng 10, 11/2024 tại Việt Nam… Tham gia vào "hệ sinh thái" doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn để tái cơ cấu, phát triển không phải thế chấp, không phải trả lãi suất. Vì thế, cho đến khi cơ quan Công an vào cuộc, đã có khoảng 100 doanh nghiệp và gần 400 cá nhân đã mua đồng QFS, với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.

Sáng 25/12, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm (ANM và PCTP) sử dụng công nghệ cao (CNC) Công an tỉnh vừa chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an TP Tam Kỳ, Công an huyện Thăng Bình triệt xóa đường dây đánh bạc qua mạng xã hội dưới hình thức ghi lô đề quy mô hơn 50 tỷ đồng.

Đêm 24/12, các tổ công an 141 Công an TP Hà Nội triển khai nhiệm vụ trên địa bàn toàn thành phố đảm bảo ANTT, phòng chống đua xe đêm Noel qua đó đã phát hiện, xử lý rất nhiều trường hợp "quái xế" ngổ ngáo có hành vi nẹt pô, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Ngày 24/12, tại bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, Công an tỉnh Sơn La chủ trì, phối hợp với Công an huyện Mai Sơn và Đội Quản lý thị trường (khu vực Mai Sơn, Yên Châu) đã kiểm tra, phát hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo Châu Sơn La sản xuất, kinh doanh bánh mỳ tươi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文