Cà Mau kịp thời khắc phục diện tích rừng bị thiệt hại do mưa bão gây ra

08:53 25/07/2023

Kiểm tra thực tế ảnh hưởng của cơn bão số 1 tại huyện U Minh vào ngày 23/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chỉ đạo huyện U Minh, Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ thống kê nhanh, chính xác, kịp thời để có phương án khắc phục diện tích rừng trồng bị thiệt hại.

Theo thống kê nhanh của Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ, những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 1, trên 114 ha cây keo lai do công ty quản lý bị đổ, ngã. Trong đó, rừng trồng năm 2020 trên 13ha; năm 2021 là 63ha; năm 2022 là 37ha. Trong đó, nhiều diện tích thiệt hại lên đến 90%, không có khả năng phục hồi, cần phải khai thác nhanh để giảm thiệt hại.

Ông Huỳnh Minh Nguyên, Chủ tịch UBND huyện U Minh thông tin, toàn huyện có 77 căn nhà sập, tốc mái; 13ha chuối tại xã Khánh Thuận bị đổ, ngã; trên biển có 2 tàu cá bị chìm, thiệt hại khoảng 900 triệu đồng, hiện đang thực hiện trục vớt. UBND huyện cử nhiều đoàn đến thăm hỗ trợ; lực lượng dân quân tự vệ và các tổ chức đoàn thể giúp đỡ bà con khắc phục thiệt hại. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục rà soát thống kê thiệt hại trong sản xuất, đặc biệt là lúa hè thu và hoa màu, và sẽ có báo cáo trước ngày 25/7.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử (bên trái) chỉ đạo khắc phục, giảm thiểu thiệt hại cho người trồng rừng do cơn bão số 1 gây ra.

Làm việc đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN), UBND huyện U Minh và Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử lưu ý, địa phương, đơn vị thống kê nhanh, chính xác, kịp thời diện tích cây rừng bị đổ, ngã, từ đó đề xuất phương án hỗ trợ cho những đối tượng bị thiệt hại.

Sở NN&PTNT có hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ để các địa phương thống kê thiệt hại theo quy định; trong đó, hướng dẫn chi tiết, đầy đủ cách lập hồ sơ, thủ tục, quy trình về hỗ trợ thiệt hại do thiên tai. Ông Lê Văn Sử yêu cầu, việc thống kê phải thể hiện đầy đủ thông tin, chủ rừng, loại cây trồng, thời gian trồng, trữ lượng gỗ phải đúng với hướng dẫn theo Nghị định 02 của Chính phủ, mỗi hồ sơ kèm theo hình ảnh, vị trí cụ thể từng diện tích thiệt hại. Đặc biệt, áp dụng công nghệ thông tin trong thống kê, rà soát để rút ngắn thời gian, nếu để chậm thì cây gỗ càng mất chất, bán giá thấp, sẽ gây thiệt hại thêm cho người dân. Chậm nhất đến ngày 26/7, hoàn thành việc thống kê.  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau lưu ý, Sở NN&PTNT chủ động vận hành các công trình thuỷ lợi chống ngập úng để tránh gây thiệt hại đến sản xuất của người dân.

Đặc biệt, cập nhật thông tin, diễn biến bão số 2 để đưa ra phương án phòng tránh. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN triển khai phương án phòng, chống lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa và triển khai hiệu quả các giải pháp bảo vệ sản xuất vụ mùa.

Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở Cà Mau thời gian qua diễn biến rất phức tạp, gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước và người dân.

Là tỉnh cực Nam Tổ quốc, Cà Mau được đánh giá là một trong những địa phương nhạy cảm với biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra; tỉnh đang phải chịu khoảng 17/22 loại hình thiên tai. Những năm gần đây, tình trạng BĐKH không chỉ diễn biến nhanh, phức tạp mà những quy luật tự nhiên cũng dần thay đổi khó nắm bắt. Thực tế đáng báo động đó một lần nữa lại tiếp diễn tại tỉnh Cà Mau trong thời điểm dần bước vào cao điểm của mùa mưa bão năm nay.

Tuyến đê biển Tây được hình thành từ năm 1997, có chiều dài 108km, đi qua ba huyện: U Minh, Trần Văn Thời và Phú Tân với tổng cộng 10 xã, 2 thị trấn. Tuyến đê này có ý nghĩa rất lớn với sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh Cà Mau khi bảo vệ cho hơn 26.000 hộ dân, gần 129.000ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản phía bên trong. Bên cạnh tình trạng sạt lở ngày đêm diễn ra, mỗi khi vào mùa mưa bão, tình trạng triều cường thường xuyên dâng cao luôn là mối đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản người dân nơi đây.

Trước đó, tháng 7/2022, tỉnh Cà Mau đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai về sạt lở đê biển Tây đoạn từ bờ Nam cống Kênh Mới đến bờ Bắc cống Đá Bạc, Vàm Tiểu Dừa do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Thời điểm đó, tại những đoạn đê này đều bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, nguy cơ vỡ đê rất cao, kết hợp với thủy triều dâng cao không chỉ gây ngập lụt nhà cửa, diện tích đất sản xuất mà còn đe dọa trực tiếp đến tính mạng người dân nơi đây.

Liên quan vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tô Quốc Nam cho biết, theo số liệu đo được trong những năm gần đây, triều cường cao trung bình từ 2,5-2,6m, thậm chí có thời điểm cao hơn. Trong khi ở những tuyến đê biển Tây chưa được nâng cấp thì nơi cao nhất chỉ khoảng 1,6m; khi triều cường xảy ra sẽ bị ngập nặng, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân. “May mắn ở phía biển Tây chúng ta còn có đê để bảo vệ sản xuất, còn riêng khu vực biển Đông thì tình trạng sạt lở còn diễn ra nghiêm trọng hơn, bình quân mỗi năm sạt lở ăn sâu vào đất liền từ 30-40m. Cá biệt có những điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng như ở Hố Gùi lên đến 80m chỉ trong vòng một tháng.

Tuy nhiên, tại khu vực này không có hạ tầng, cụm dân cư để so sánh, nên lở tới đâu thì chịu mất đất tới đó,” ông Tô Quốc Nam chia sẻ. Thực tế đáng lo ngại hiện nay là khu vực bờ biển Đông chưa có đê kè bảo vệ, nên sóng biển cứ ngày đêm lấn sâu, tình trạng mất đất, mất rừng là hệ quả tất yếu phải xảy ra. Theo thống kê, trong tổng số 142km bờ biển Đông, có trên 80km đang trong tình trạng sạt lở với nhiều mức độ khác nhau.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, chỉ riêng tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông đã làm hư hỏng gần 26km lộ giao thông, trên 230 căn nhà, ước tổng thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt, tình trạng này đang diễn ra với chiều hướng gia tăng, cả về quy mô, tần suất nên chỉ trong 10 năm gần đây, sạt lở đã làm mất trên 5.200ha rừng ven biển, diện tích bị mất tương đương với một xã của địa phương. Tình trạng sạt lở hiện nay không chỉ xảy ra tại bờ biển mà đang xảy ra tại khoảng 365km bờ sông, trong đó có khoảng 114km bờ sông bị sạt lở ở mức độ đặc biệt nguy hiểm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho rằng, với tốc độ sạt lở như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay, trong thời gian tới, sạt lở sẽ tiếp tục làm mất thêm nhiều diện tích đất rừng phòng hộ ven biển. Nếu để sạt lở tiến sâu vào đất liền, không chỉ mất đất, mất rừng mà còn uy hiếp đến nhiều hạ tầng đã xây dựng bên trong và các cụm dân cư ven biển, khi đó việc xây dựng công trình phòng chống sạt lở không chỉ tốn kém mà hơn hết là rất khó khôi phục lại diện tích đất và rừng đã bị mất.

“Thực hiện quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 6/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Cà Mau đã xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển của địa phương đến năm 2030. Mặc dù địa phương đã rất cố gắng thực hiện kế hoạch phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông, nhưng thực tế cho thấy tác động của biến đổi khí hậu gây sạt lở rất phức tạp, nhanh hơn khả năng ứng phó,” ông Lê Văn Sử cho hay.

Bằng nhiều nỗ lực và sự hỗ trợ từ Trung ương, hiện Cà Mau đã xây dựng được gần 57km kè bảo vệ với tổng kinh phí hơn 1.800 tỷ đồng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đánh giá, những công trình được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng, chống sạt lở và bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000ha rừng phòng hộ…

V.Đức – T.Nguyên

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文