Các dự án đường sắt đô thị quan trọng tại Hà Nội đều lùi hạn khai thác
Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, trong đó có một số dự án đường sắt đô thị. Đáng chú ý, các dự án này đều đang chậm tiến độ…
Tuyến Cát Linh Hà Đông đã chậm khai thác so với dự kiến hơn 8 năm
Theo báo cáo, Dự kiến Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng sẽ tổ chức họp kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư trong tháng 10 năm 2021. Sau khi có ý kiến chấp thuận của Hội đồng kiểm tra nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải tiến hành bàn giao dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cho UBND TP Hà Nội tiếp nhận, vận hành khai thác theo quy định. Như vậy, thay vì dự kiến đưa vào khai thác năm 2013 đến nay dự án vẫn đang chờ khai thác.
Do dự án có quy mô lớn, tính chất phức tạp (bao gồm nhiều chuyên ngành), lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam nên quá trình hoàn thiện thủ tục nghiệm thu bàn giao kéo dài. Đánh giá về quá trình thực hiện Dự án, báo cáo cũng nêu rõ: Dự án từ khi khởi công đến nay gặp nhiều khó khăn, vướng mắc làm chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư.
Quá trình thực hiện Dự án của Tổng thầu còn bộc lộ nhiều hạn chế trong chỉ đạo, điều hành và quản lý, phụ thuộc nhiều vào các đơn vị liên kết; chưa thực hiện các yêu cầu của chủ đầu tư nên thường xuyên chậm trễ hoàn thành các hạng mục theo mốc tiến độ đã cam kết.
Điều đáng chú ý, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh tăng từ 8.769,9 tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD) thành 18.001,5 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), tăng 9.231,6 tỷ đồng (tương đương 315,18 triệu USD).
Báo cáo cũng nêu ra khoảng 10 nguyên nhân làm tăng tổng mức đầu tư của dự án. Cụ thể, thay đổi phương án nhà ga từ 2 tầng thành 3 tầng; bổ sung hạng mục xử lý nền đất yếu khu Depot; bổ sung hạng mục đường tránh quốc lộ 6; điều chỉnh vật liệu vỏ tàu từ thép chịu khí hậu sang thép inox; bổ sung chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ; thay đổi vị trí bãi đúc dầm; công tác nghiệm thu thiết bị, đoàn tàu và vận hành chạy thử dự án; kinh phí giải phóng mặt bằng thay đổi (bao gồm cả công trình di dời hạ tầng kỹ thuật); biến động về giá nguyên, nhiên, vật liệu, tỷ giá hối đoái; các chế độ, chính sách trong thời gian thực hiện dự án cũng như các khối lượng, đơn giá chưa tính chính xác được trong bước thiết kế cơ sở; Một số thay đổi khác. Các nguyên nhân chi tiết đã được Chính phủ tổng hợp, báo cáo Quốc hội.
Dự án Nhổn - ga Hà Nội sẽ phải lùi thời gian đưa vào khai thác
Dự án đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội được bắt đầu từ năm 2009 với tổng mức đầu tư ban đầu là 783 triệu euro, nay điều chỉnh lên 1.176 triệu euro. Theo tiến độ được phê duyệt ban đầu với thời gian hoàn thành Dự án là năm 2018.
Tuy nhiên, do việc triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm nổi toàn tuyến bị chậm so với kế hoạch ban đầu, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 4036/QĐ-UBND ngày 26/7/2019 phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án từ năm 2009-2022 (trong đó: Đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào tháng 4/2021; đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào tháng 12/2022). Thế nhưng, thực tế đến nay tiến độ chung dự án đạt khoảng 74%, tiến độ tổng thể đoạn trên cao đạt 89,41%. Do nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện nên chưa đưa vào khai thác đoạn trên cao theo kế hoạch và dự kiến sẽ phải điều chỉnh tiến độ hoàn thành đoạn ngầm và toàn tuyến.
Mặc dù thời gian qua Dự án có nhiều tiến triển, tuy nhiên từ giữa tháng 2/2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ Dự án (đối với các gói thầu xây lắp: Khó khăn trong việc huy động nhân công và nhập khẩu vật tư, vật liệu có nguồn gốc nước ngoài; đối với các gói thầu thiết bị do đa số thiết bị được sản xuất và nhập khẩu từ các đơn vị tại các nước châu Âu dẫn tới tiến độ sản xuất chế tạo, nghiệm thu tại nhà máy và vận chuyển thiết bị của gói thầu bị ảnh hưởng).
Ngoài ra, Dự án đang bước vào giai đoạn lắp đặt và thử nghiệm thiết bị và hệ thống, do vậy cần số lượng lớn chuyên gia của nhà thầu và tư vấn từ nước ngoài tới Việt Nam để thực hiện công việc nhưng không thể huy động được.
Trong khoảng thời gian từ tháng 2/2020 đến nay, các gói thầu đều thi công giãn cách, có lúc tạm dừng thi công vì không thể huy động được công nhân cũng như các chuyên gia nước ngoài và tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Do vậy, các gói thầu trên giải ngân chậm so với kế hoạch (đặc biệt gói thầu CP06) làm ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân cũng như tiến độ của dự án.
Một trong những khó khăn lớn khác của dự án là vấn đề giải phóng mặt bằng trong thời gian dài do vướng mắc về thủ tục và sự chấp hành của các hộ dân. Đến nay vẫn còn tồn tại vướng mắc mặt bằng chủ yếu là nhà số 23 Quốc Tử Giám (ảnh hưởng thi công ga S11).
Ngoài ra nhà tài trợ ADB yêu cầu phải phê duyệt chính sách bồi thường, hỗ trợ và quy trình thực hiện bồi thường cho các hộ dân có nhà bị ảnh hưởng khi thi công tuyến hầm (có móng nhà xung đột với tuyến hầm) trước khi đào tuyến ngầm, đây là việc chưa có tiền lệ và chưa được hướng dẫn theo các quy định pháp luật hiện hành.
UBND TP Hà Nội hiện đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu đề xuất chính sách theo yêu cầu của nhà tài trợ và tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để giải quyết các vướng mắc nêu trên để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu trong quý IV/2021.
Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội (Tuyến số 1 Yên Viên-Ngọc Hồi)
Tổng mức đầu tư được hê duyệt là 19.460 tỷ đồng (tương đương với 147.699 triệu Yên). Trong đó, vốn vay ODA là 13.972 tỷ đồng, vốn đối ứng là 5.487 tỷ đồng. Giai đoạn lập dự án và thiết kế kỹ thuật đi qua địa bàn 6 quận (Long Biên, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai) và 2 huyện (Thanh Trì và Thường Tín) thuộc TP Hà Nội.
Công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện từ năm 2009, đến nay đã giải phóng được 130 ha đất tại khu Tổ hợp Ngọc Hồi với tổng giá trị giải ngân 1.097 tỷ đồng; đã hoàn thành xây dựng khu tái định cư tại xã Liên Ninh năm 2013. Đây là tuyến đường sắt đô thị xuyên tâm TP Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư từ năm 2004.
Tuy nhiên, do Dự án có quy mô lớn, kỹ thuật - công nghệ mới, quá trình triển khai đã gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc như: Vị trí, phương án kiến trúc cầu đường sắt mới vượt sông Hồng; điều chỉnh hướng tuyến đoạn Gia Lâm đến ga Nam Long Biên để phù hợp với vị trí cầu mới; vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, vướng mắc về cơ chế tài chính...
Mặt khác, với việc điều chỉnh Dự án đang trong quá trình thực hiện thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia (tổng mức đầu tư >10.000 tỷ đồng) còn nhiều ý kiến băn khoăn về thủ tục, thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án và đề nghị cần phải rà soát kỹ lưỡng để báo cáo Quốc hội tương tự như các dự án đường sắt đô thị đang triển khai ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Theo kết quả lập quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề xuất đường sắt quốc gia sẽ không đi vào khu vực trung tâm TP Hà Nội, phía Nam sẽ dừng tại Ngọc Hồi, phía Bắc dừng tại Yên Viên và tuyến đường sắt đô thị số 1: Ngọc Hồi - Yên Viên chỉ đáp ứng công năng đường sắt đô thị. Nội dung quy hoạch nêu trên đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch thông qua và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.