Cần giải pháp đột phá giải quyết hiện trạng thiếu giáo viên mầm non

06:35 05/04/2024

Căn cứ vào số liệu dự báo dân số độ tuổi của Tổng cục Thống kê và theo dự báo kế hoạch phát triển giáo dục mầm non (GDMN) của các tỉnh, thành phố đã ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) dự báo, đến năm 2030, cả nước thiếu hơn 55.416 biên chế giáo viên mầm non (GVMN).

Bộ GD&ĐT cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là tình trạng GVMN bỏ việc. Trong khi đó, việc tuyển dụng GVMN ở nhiều địa phương rất khó khăn. Nguyên nhân là do áp lực công việc của GVMN rất lớn, thời gian làm việc dài, thu nhập thấp.

Cả nước hiện thiếu hơn 50.000 GVMN

Theo báo cáo xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập GDMN của Bộ GD&ĐT, GDMN có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người Việt Nam. 10 năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển giáo dục và đào tạo, trong đó có GDMN.

Dù chịu áp lực cao nhưng thu nhập của giáo viên mầm non hiện nay vẫn còn rất thấp. Ảnh minh họa

Qua việc triển khai thực hiện ở các cấp, các địa phương trên phạm vi toàn quốc, GDMN từ cấp học còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ, mạng lưới trường lớp chưa được quan tâm quy hoạch, đến nay, đã có bước phát triển khá toàn diện, tạo nền tảng cơ bản để phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, GDMN vẫn là bậc học còn nhiều hạn chế, tồn tại. Đơn cử như chương trình chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo NQ 29-NQ/TW, yêu cầu về Chương trình giáo dục mầm non tại Luật Giáo dục, chưa liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Mạng lưới trường, lớp chưa đáp ứng nhu cầu đi học của trẻ. Năng lực đáp ứng nhu cầu huy động trẻ của mạng lưới cơ sở GDMN còn hạn chế. Hiện có gần 300.000 trẻ em mẫu giáo 3-4 tuổi chưa được đến trường, chủ yếu ở vùng khó khăn, vùng núi cao, vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Hệ thống trường mầm non công lập hiện nay chưa đủ điều kiện để nhận thêm trẻ. Hệ thống trường ngoài công lập khó phát triển ở nhiều nơi, đặc biệt ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Tại các khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị đông dân cư, phần lớn trẻ em con công nhân, con của người lao động đang được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong các cơ sở GDMN độc lập với điều kiện về chất lượng còn nhiều hạn chế.

Cơ sở vật chất, thiết bị chưa đáp ứng để thực hiện Chương trình GDMN. Hiện nay tính riêng cấp học mầm non, toàn quốc còn trên 5.000 phòng học nhờ, học tạm không đảm bảo an toàn; số phòng học kiên cố mới đạt khoảng 82%; thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDMN, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, miền núi. Đội ngũ giáo viên thiếu nhiều, chất lượng chưa bảo đảm. Tình trạng thiếu GVMN kéo dài trong nhiều năm chưa được giải quyết. Hiện nay, toàn quốc còn thiếu khoảng 50.000 GVMN. Trong bối cảnh thiếu nhưng các địa phương vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế viên chức là GVMN. Tình trạng GVMN bỏ việc và nghề GVMN ngày càng ít hấp dẫn do thu nhập đang thấp nhất trong các cấp học, trong khi giáo viên chịu áp lực công việc cao nhất, thời gian làm việc trong ngày tại cơ sở GDMN dài nhất (9-12h mỗi ngày).

Từ thực tiễn trên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng, mục tiêu “công bằng” trong phát triển GDMN hiện chưa bảo đảm. Khoảng cách trong đảm bảo các điều kiện giáo dục giữa các vùng miền còn khá lớn; vẫn còn 40,9% trẻ em vùng khó khăn chưa được tiếp cận với GDMN. Điều này đòi hỏi GDMN cần sớm có được những giải pháp đột phá để thay đổi hiện trạng, thay đổi quan điểm đầu tư để có Chương trình giáo dục tốt, đảm bảo các điều kiện về đội ngũ GVMN, về cơ sở vật chất, trường lớp để mọi trẻ em mầm non có cơ hội tiếp cận GDMN có chất lượng.

Tháo gỡ các điểm nghẽn để đảm bảo số lượng, nâng chất lượng GVMN

Và để có cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giải pháp đáp ứng nhu cầu về nguồn lực thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo, Bộ GD&ĐT đã xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Phổ cập giáo dục mầm non trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi. Dự thảo Nghị quyết có quy định cơ chế, chính sách để đảm bảo các nguồn lực thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo như chính sách cho đối tượng trẻ em yếu thế; chính sách, cơ chế cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non; cơ chế chính sách để đầu tư cho vùng khó khăn và xã hội hóa, khuyến khích phát triển GVMN ngoài công lập.

Thời gian trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết vào kỳ họp tháng 10/2024. Bên cạnh Nghị quyết về Phổ cập giáo dục mầm non trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi, Bộ GD&ĐT cũng đã hoàn thiện dự thảo chương trình giáo dục mầm non mới thay thế cho chương trình hiện hành đã triển khai từ năm 2009 tới nay. Dự kiến, chương trình sẽ được triển khai thí điểm trong 3 năm học 2025-2026, 2026-2027 và 2027-2028, ban hành và triển khai đại trà vào năm học 2029-2030.

Chia sẻ về vấn đề này tại phiên họp Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ngày 4/4, GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, điểm nghẽn hiện nay với GDMN cả ở nguồn lực tài chính, nguồn lực con người và sự quan tâm của các địa phương, của các cấp. Dù GDMN đã được quan tâm nhưng chưa đủ so với yêu cầu.

Từ thực tế trên, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ sự đồng tình với việc cần phổ cập GDMN cho trẻ từ 3-5 tuổi. Theo GS.TS Nguyễn Thị Doan, muốn phổ cập GDMN từ 3-5 tuổi theo xu hướng phát triển hiện đại, vươn tầm quốc tế, bảo đảm quyền trẻ em, việc đầu tiên là phải đổi mới chương trình. Từ góc độ địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà đều thống nhất sự cần thiết đổi mới GDMN và triển khai phổ cập GDMN cho trẻ từ 3-5 tuổi. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà, vấn đề cần quan tâm là giải quyết thiếu giáo viên, hiện nay GVMN thiếu nhưng dù có chỉ tiêu tuyển dụng cũng không tuyển dụng được vì thiếu nguồn tuyển. Do đó, cần các giải pháp để có lộ trình đảm bảo số lượng, nâng cao chất lượng GVMN.

Huyền Thanh

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文