Cảnh báo sạt lở đất vào mùa mưa ở Tây Nguyên

08:11 25/05/2024

Những trận mưa lớn đầu mùa thường gây sạt lở đất, nhất là ở khu vực đồi núi, nơi có địa hình chênh lệch, người dân sinh sống, xây dựng nhà cửa, công trình gần bờ taluy…

Tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) là nơi có địa hình đồi núi, độ dốc mạnh, chênh lệch lớn. Để có mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình kiến trúc, nhà ở… buộc phải san gạt, xây dựng bờ taluy để chắn giữ đất.

Ông Vũ Văn Ba (SN 1957, ngụ phường 10, TP Đà Lạt) cho biết, trước đây khi dân cư còn thưa thớt, mật độ xây dựng các công trình còn ít và thường có chiều cao thấp, TP Đà Lạt rất hiếm khi xảy ra sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng. Hơn 10 năm trở lại đây, thành phố xuất hiện nhiều công trình lớn để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương khi lượng người đổ về định cư, lập nghiệp và thuê mặt bằng kinh doanh dịch vụ du lịch tăng mạnh.

Hiện trường vụ sạt lở đất trên đèo Bảo Lộc ngày 30/7/2023.

Sự đô thị hóa mạnh mẽ đã khiến TP Đà Lạt đang chịu rất nhiều áp lực, trong đó có nhu cầu lớn về xây dựng các công trình là nhà ở tư nhân, khách sạn và các cơ sở hạ tầng liên quan. Dân số Đà Lạt hiện khoảng 237.000 người và đang có chiều hướng tăng mạnh khi “vùng đất lành” này tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, để xây dựng được các công trình, nhà cửa, khoảng 80% tổ chức, cá nhân ở Đà Lạt phải xây dựng bờ taluy để chắn giữ đất, tạo mặt bằng. Các bờ taluy này cao hay thấp, ngắn hay dài phụ thuộc vào từng vị trí địa hình. Điều đáng quan ngại là rất nhiều bờ taluy cao, được xây dựng bằng đá chẻ đã cách đây hàng chục năm, nay chất lượng không còn đảm bảo, rất dễ xảy ra sạt lở vào mùa mưa. “Nhiều bờ taluy được xây dựng cách đây tới hơn 30 năm rồi, nay đã xuất hiện rất nhiều vết rạn nứt. Ngày ấy, chưa có nhiều công trình xây dựng lớn và nhiều như bây giờ, bà con chúng tôi chưa quan tâm tới chất lượng bờ kè lắm, chủ yếu là xây bằng đá để chắn giữ đất, ít gia cố sắt thép giằng giữ!..”, một người dân ở đường Đặng Thái Thân, TP Đà Lạt cho biết.

Trong mùa mưa năm 2023, tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra nhiều vụ sạt lở đất và bờ taluy trong thời gian ngắn, gây thương vong cho nhiều người. Điển hình là khoảng 23h ngày 17/6/2023, tại số nhà 686, thôn Ánh Mai 1, xã Lộc Châu (TP Bảo Lộc), bờ taluy bằng đá cao khoảng 8m phía sau căn nhà trên bất ngờ sập đổ, đè vào hai phòng ngủ. Hậu quả làm 1 người chết do bị đất đá đè lên, 4 người khác bị thương do đất đá hất văng ra xa. Tiếp đó, rạng sáng 29/6, vụ sạt lở bờ taluy bằng bê tông mới được xây dựng trên đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP Đà Lạt cũng đã làm hai vợ chồng là công nhân xây dựng, quê ở tỉnh Phú Yên, ngủ tại công trình bị đất đá vùi lấp, tử vong tại chỗ. Thảm khốc hơn tất cả là vụ sạt lở đất xảy ra vào chiều 30/7/2023 tại đèo Bảo Lộc làm 3 cán bộ CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng và một chiến sĩ Công an nghĩa vụ vừa xuất ngũ trong lúc đang làm nhiệm vụ di dời tài sản của cơ quan ra khỏi Chốt CSGT đèo Bảo Lộc hy sinh do bị đất đá từ trên cao sạt trượt xuống, vùi lấp. Đó là chưa kể vụ hai công nhân trong lúc làm việc tại dự án nâng cấp, mở rộng đèo Prenn Đà Lạt bị đất lở, đổ ập lên người dẫn tới tử vong vào ngày 17/6/2023.

Với những gia đình sinh sống ở các khu vực có độ chênh lệch địa hình lớn, nhất là đường Hoàng Hoa Thám, Đặng Thái Thân… TP Đà Lạt, vốn có nhiều bờ taluy cao, mùa mưa bão, nguy cơ xảy ra sạt lở đất thực sự đã trở thành nỗi ám ảnh. Mùa mưa bão năm 2023, với diễn biến bất thường của thời tiết, lượng mưa lớn dồn vào một thời điểm ngắn đã khiến tỉnh Lâm Đồng xảy ra ít nhất 5 vụ sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng, làm 10 người tử vong. Hầu hết những vụ sạt lở đất xảy ra trong và sau khi mưa lớn kéo dài, nơi có địa hình chênh lệch mạnh.

Theo dự báo của ngành khí tượng thủy văn, mùa mưa năm 2024, tình hình thời tiết, khí hậu cả nước, trong đó có tỉnh Lâm Đồng tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan và trái quy luật. Nửa đầu năm 2024, thời tiết có thiên hướng nắng nóng, thiếu nước và hạn hán. Nửa cuối năm 2024 được dự báo sẽ có mưa nhiều, mưa lớn, kéo dài nhiều ngày, tập trung nhiều bão ở Biển Đông. Để chủ động phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng mùa mưa bão, các đơn vị, địa phương của tỉnh Lâm Đồng đã kiểm tra, rà soát, xác định cụ thể những khu vực, vị trí, công trình có nguy cơ sạt lở đất, gây ngập úng, lũ quét để có biện pháp chủ động xử lý, phòng chống ngay trước mùa mưa bão.

Tại TP Đà Lạt, từ sau Tết tới nay, UBND các xã, phường đã nạo vét, khơi thông dòng chảy mương, suối, phối hợp với người dân gia cố, khắc phục những vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, nhất là kiểm tra, rà soát lại các công trình xây dựng ở những nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất. Để chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của mưa lũ, Công an các đơn vị, địa phương của tỉnh Lâm Đồng cũng đã sẵn sàng triển khai các phương án, kế hoạch, trong đó có việc phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, cảnh báo, chủ động di dời người dân đến nơi an toàn ở những khu vực nguy cơ ngập lụt, lũ quét, các khu vực dân cư sinh sống tại vùng đồi núi dễ xảy ra sạt lở đất và sẵn sàng tham gia cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra thiên tai.

Khắc Lịch

Sáng 17/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024. Chương trình nhằm biểu dương, tôn vinh và tri ân các nhà giáo tiêu biểu xuất sắc, có nhiều đổi mới sáng tạo và đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước.

Trước ngày khởi công Dự án đường Vành đai 3 (18/6/2023) Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến trước ngày 31/12/2023 sẽ bàn giao 100% mặt bằng phục vụ dự án. Nhưng thực tế việc giải phóng mặt bằng và thi công các gói thầu diễn ra rất chậm…

Bộ Xây dựng thống kê, giá bất động sản tại một số địa phương vẫn có xu hướng tăng, đặc biệt là ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn. Điển hình như tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tiếp tục tăng ở cả dự án mới và cũ. Mặt bằng giá dự án mới quý III/2024 đã tăng từ 4-6% theo quý và từ 22-25% theo năm. Đặc biệt, có một số khu vực tăng cục bộ lên khoảng 35-40% tùy từng vị trí so với quý trước.

Ngày 17/11, thông tin từ Công an tỉnh Bình Phước cho biết đang tạm giữ 14 đối tượng về các hành vi mua bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, thu giữ hơn 6kg ma túy, 1 khẩu súng và nhiều phương tiện pha trộn, đóng gói ma túy.

Ngày 17/11, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Tháp đang tạm giữ hình sự Phạm Hải Đức (SN 1990, ngụ phường 1, Quận 4, TP Hồ Chí Minh) và Tăng Hạ Quốc Huy (Việt kiều Canada, SN 1988, tạm trú phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP Hồ Chí Minh)  để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong bối cảnh thị trường nhà ở đang mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng, giá nhà ngày càng tăng cao ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nhà ở của người dân, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thoả thuận về nhận quyền sử dụng đất sẽ giải quyết được một số tồn tại của thị trường bất động sản hiện nay.

Lợi dụng việc khan hiếm tăng giá vật liệu xây dựng, 6 đối tượng 9X từ Nghệ An vào Đà Nẵng lập nhóm "cung cấp sắt thép công trình giá rẻ" trên mạng xã hội để kết nối, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tiền cọc hàng của hàng loạt nạn nhân tại Đà Nẵng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文