Chậm di dời đường điện phục vụ cao tốc Bắc – Nam

06:45 28/07/2024

Mặc dù các gói thầu di dời, xây lắp đường điện phục vụ thi công dự án trọng điểm cao tốc Bắc - Nam đều được thực hiện bằng hình thức chỉ định thầu nhưng đến thời điểm hiện nay, tiến độ thi công đang rất chậm. Trong khi đó, theo lộ trình thì chỉ còn 9 tháng để thông xe toàn tuyến qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng đi qua địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) có chiều dài 30,5km. Theo báo cáo, đến thời điểm hiện nay, huyện Cẩm Xuyên đã bàn giao 100% mặt bằng cho chủ đầu tư. Mặc dù vậy, dự án vẫn còn vướng một số công trình hạ tầng điện cần phải di dời để đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định.

Cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Hà Tĩnh nhiều đoạn tuyến phải thi công luồn lách vì vướng đường dây điện lẫn nhà dân.

Theo thống kê, đến nay huyện Cẩm Xuyên đã hoàn thành 100% khối lượng di dời đường điện 35kV trở xuống. Trong đó, tiến hành đóng điện 16/16 vị trí lưới điện trung thế; hoàn thành đóng điện 30/30 điểm giao chéo với 163 vị trí cột lưới điện hạ thế và trạm biến áp. Trong khi đó, đối với hệ thống đường dây 220kV, hiện địa phương này chỉ mới hoàn thành khoảng 71% khối lượng di dời và khoảng 75% khối lượng thi công đối với đường điện 110kV. Ông Lâm Văn Thanh, cán bộ kĩ thuật của Công ty Xây dựng Xuân Trường - nhà thầu thi công cao tốc thành phần Hàm Nghi - Vũng Áng cho biết, vị trí thi công cao tốc đang vướng lưới điện cao áp do đơn vị thi công thuộc Km521+500 đến Km521 +700, đoạn qua địa bàn xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên. Khi thi công đổ đất nền cao dẫn đến cự li không an toàn nên đơn vị phải thi công nhảy cóc. Mặc dù vướng mắc này đã được báo cáo nhiều lần lên chính quyền huyện Cẩm Xuyên nhưng đến nay vẫn chưa tháo gỡ. Ngoài ra, tại thôn Hưng Đạo, xã Cẩm Lạc cũng vướng một số cột điện hạ thế nằm giữa tuyến cao tốc và một số nhà dân thuộc diện phải di dời, tái định cư nhưng chưa di dời.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Trưởng ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Cẩm Xuyên cho biết: Với khối lượng di dời đường điện rất lớn, gần 200 vị trí cột cao thế và hạ thế, trong thời gian qua, huyện đã rất nỗ lực hoàn thành việc di dời để bàn giao mặt bằng, đồng thời thực hiện đóng điện ở vị trí mới. Đến nay, toàn huyện đã thực hiện di dời hơn 82% vị trí; trong đó đã bàn giao 100% mặt bằng vị trí 35kV và hạ thế. Đặc biệt, đường dây 110kV ở vị trí giao chéo với cao tốc tại xã Cẩm Hưng cũng đã hoàn thành di dời và đóng điện trả lưới. Đây cũng là vị trí 110kV đầu tiên trên toàn tuyến Hàm Nghi - Vũng Áng hoàn thành việc bàn giao mặt bằng.

Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Tĩnh, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh phải thực hiện di dời 6 hệ thống điện, bao gồm 500kV, 220kV, 110kV, 35kV, 22kV và 04kV. Địa bàn thực hiện di dời đi qua 7 huyện, thành phố, thị xã. Trong đó, tiến độ thực hiện di dời hệ thống lưới điện 500kV qua địa bàn huyện Kỳ Anh hiện chỉ mới thi công xong 4/4 vị trí móng cột, đang triển khai thi công, lắp đặt phần cột điện, đường dây, tiến độ đạt khoảng 15%; thị xã Kỳ Anh đạt khoảng 20% với 2/3 vị trí móng cột đã thi công xong. Đối với lưới điện 220kV qua địa bàn huyện Thạch Hà đạt 30%; huyện Cẩm Xuyên đạt 72% và huyện Đức Thọ đạt 45%, về cơ bản chỉ mới thi công xong phần móng cột, hiện đang quá trình thi công, lắp đặt phần cột điện, đường dây. Đối với lưới điện 110kV, đoạn tuyến Bãi Vọt - Hàm Nghi hiện chỉ mới có huyện Đức Thọ là hoàn thành 100% kế hoạch, còn đoạn qua địa bàn huyện Thạch Hà đạt 92%, hiện đã hoàn thành và đóng điện tuyến tạm, hoàn thành đúc móng, dựng cột, kéo dây tuyến chính, đang thực hiện thủ tục để cắt điện chuyển lưới; đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng đạt 66%, đã xong tuyến tạm và 2 móng tuyến chính, đang tiếp tục thi công tuyến chính và thực hiện các thủ tục cắt điện chuyển lưới.

Tại huyện Cẩm Xuyên, hiện tiến độ thi công đạt 82%, đã xong tuyến tạm, hoàn thành các vị trí móng cột tuyến chính, đang tập kết vật tư thiết bị để dựng cột và thực hiện hồ sơ thủ tục đóng, cắt điện. Đối với lưới điện trung, hạ áp, đến nay các địa phương gồm Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh đã hoàn thành, đang thực hiện thủ tục chuyển lưới, đóng điện. Huyện Can Lộc và huyện Thạch Hà đã đạt 95% và thành phố Hà Tĩnh đạt 90%. Theo lý giải, việc chậm hoàn thành các dự án liên quan đến ngành điện là do tính chất đặc thù, phức tạp của hệ thống lưới điện truyền tải, cao thế nên tiến độ di dời đường dây 500kV và 220kV vẫn còn chậm, không đảm bảo tiến độ được giao. Hệ thống điện cao thế liên quan tới việc cấp điện các tỉnh, các vùng cũng như liên quan đến công tác quản lý, phối hợp đóng và cắt điện, biện pháp an toàn thi công phức tạp. Thẩm quyền quản lý thuộc Truyền tải điện Quốc gia, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc dẫn tới quá trình thi công mất nhiều thời gian.

Trước tình trạng này, ngày 23/7, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh việc di dời hệ thống điện phục vụ GPMB dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện nay đã cơ bản hoàn thành, vướng mắc chủ yếu còn lại là việc di dời hệ thống lưới điện, tiến độ thực hiện thời gian qua của các địa phương chưa đáp ứng yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh. Để đảm bảo mục tiêu thông xe toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh vào dịp Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung đôn đốc các nhà thầu huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ di dời hệ thống điện, đặc biệt là hệ thống điện 500kV, 220kV, 110kV thuộc địa bàn quản lý. Chủ động, phối hợp chặt chẽ với Truyền tải điện Hà Tĩnh và Công ty Điện lực Hà Tĩnh lập biện pháp thi công, biện pháp an toàn, sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phục vụ công tác đóng, cắt điện, chuyển đấu nối.

Để kịp tiến độ, hiện Sở Công thương Hà Tĩnh cùng các địa phương vẫn đang tích cực phối hợp với bộ, ngành Trung ương, Truyền tải điện Quốc gia, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đẩy nhanh di dời hệ thống lưới điện.

Thiên Thảo

Với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”, ngày 15/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an và Cơ quan của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.

Ngày 14/11, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên tổ chức lễ khánh thành và bàn giao nhà ở tặng người có công với cách mạng; trao kinh phí hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà Đại đoàn kết; trao thiết bị, máy tính tặng Trung tâm y tế, ngành giáo dục và đào tạo huyện.

Các đối tượng đặt mua nhiều nhẫn và mặt tượng vàng kém chất lượng nhưng được chế tác rất tinh xảo có giá trị tương đối cao. Điều đáng nói, số hàng này có khắc thương hiệu của các Công ty vàng bạc đá quý có tiếng ở TP Hồ Chí Minh khiến nhiều chủ tiệm vàng ở Huế tin tưởng...

Sáng 15/11, Thanh tra tỉnh Quảng Nam cho biết, đã có công văn trả lời đơn khiếu nại của Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) tỉnh Quảng Nam đối với Kết luận thanh tra số 102/KL-TTT ngày 7/10/2024 của Chánh Thanh tra tỉnh về việc thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý tài chính tại bệnh viện này (Báo CAND đã thông tin).

Mặc dù biết rõ hành vi chở người nước ngoài nhập cảnh không có giấy tờ, không có hộ chiếu, không làm thủ tục khai báo nhập cảnh là trái pháp luật, nhưng vì lợi nhuận cao, Thắng rủ thêm 3 người khác chạy 2 xe ô tô để chở 6 người Trung Quốc vào Việt Nam rồi xuất cảnh chui sang Campuchia...

5.000 năm trước, ở Bắc Phi, một vị vua đầy tham vọng, ngày nay được gọi là Narmer, đã thống nhất hai vùng đất Thượng Ai Cập ở phía Nam và Hạ Ai Cập ở phía Bắc thành lãnh thổ vĩ đại đầu tiên trên thế giới - Ai Cập. Nhưng cho đến nay, nguồn gốc của nền văn minh Ai Cập vẫn còn khá mơ hồ. Những gì còn sót lại về vị Pharaoh đầu tiên của Ai Cập chỉ là cái tên.

Hiện nay, một số mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) thu hút được sự tham gia tích cực của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh và các quận, huyện, phường trong công tác này. Tuy nhiên, hoạt động thực tế gặp không ít khó khăn, hạn chế, chưa có cơ chế bền vững về nguồn lực để hỗ trợ người CHXAPT có công ăn, việc làm để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng…

Tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư về phí bảo trì, diện tích sở hữu chung, chậm bàn giao sổ hồng… tại các khu nhà chung cư là vấn đề không mới và đã kéo dài nhiều năm. Tại nhiều nhà chung cư, tưởng như việc tổ chức được hội nghị bầu ra Ban Quản trị, đại diện và bảo vệ quyền lợi cho cư dân sẽ hóa giải được những xung đột, thế nhưng mâu thuẫn vẫn chưa dừng lại. Các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư đã có, vậy nhưng tranh chấp ở các khu nhà chung cư chưa bao giờ hết “nóng” và dường như chưa có thuốc “đặc trị”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文