Chung tay ngăn chặn nạn tận diệt chim trời

07:23 17/11/2023

Vào mùa đông, nhiều loài chim, trong đó nhiều nhất là cò, chọn di cư đến các vùng ruộng đồng thường có mức nước mấp mé mắt cá chân để kiếm ăn. Ở vùng thấp trũng Hải Lăng (Quảng Trị), nhiều người chờ sẵn thời điểm này để tổ chức săn bắt, tận diệt chim trời một cách không thương tiếc. 

Chúng tôi đi dọc theo tuyến đường tỉnh 582B qua thị trấn Diên Sanh và các xã Hải Quế, Hải Dương, Hải Định, huyện Hải Lăng. Trước mắt, khắp nơi đều có “thiên la địa võng” được dựng lên để bẫy bắt chim trời. Men theo con đường nhỏ ra cánh đồng phía trước thuộc thôn Phước Điền, xã Hải Định, chúng tôi gặp một người đàn ông có cái tên nghe ngồ ngộ, Lê Moăn Tún, 47 tuổi, ở thôn Phước Điền. Thoạt nhìn, người đàn ông này với chiếc loa phóng thanh trên tay trông giống trưởng thôn của những năm 80 thế kỷ trước. Nhưng ở đây, ông Tún dùng nó để phát đi một thứ âm thanh khác. Đó là âm thanh giả tiếng của một số loài chim, nhằm thu hút chúng đáp, đậu xuống cánh đồng đã bị ông giăng mắc sẵn những chiếc bẫy.

Ảnh minh họa. ​​​

Khi được chúng tôi hỏi về những tấm lưới “tàng hình”, ông Tún không ngần ngại cho biết chúng có giá tùy thuộc vào kích cỡ rộng, dài khác nhau; thường 4 triệu đồng với chiều rộng 4m, dài 100m. “Các dụng cụ bẫy chim trời như lưới tàng hình, phần mềm cài đặt ứng dụng giả tiếng chim trên điện thoại di động, loa phóng thanh cầm tay có cổng kết nối âm thanh với điện thoại… rất dễ tìm bởi chúng được bán nhiều trên các trang mạng xã hội, thường kèm các video hướng dẫn, người mua chỉ việc chọn loại, đặt hàng sẽ được giao đến tận nhà”, ông Tún tiết lộ.

Chúng tôi nán lại một lúc bên cánh đồng với hàng chục điểm lưới “tàng hình”, hàng trăm thanh tre được vuốt mỏng bằng đầu đũa và dài chừng 1m, được cắm chi chít trên những ô ruộng, cùng với đó là những con cò mồi, cò giả trắng phễu như cò thật. Mặc dù chúng tôi cố tình nói chuyện thật to để những đàn cò sắp muốn sà xuống bay đi, chúng vẫn bị thu hút và lôi cuốn bởi thứ âm thanh quyến rũ nhưng ma quái và chết chóc được phát ra từ chiếc loa phóng thanh cầm tay của người đàn ông ban nãy. Thế rồi những chú cò đáng thương ấy, phần lao mắc treo mình trên những tấm lưới “tàng hình”, số khác bị dính chặt vào những thanh tre vì sự bất cẩn. Chúng càng vùng vẫy cố thoát ra, càng bị mắc chặt.

Hết nhìn đàn cò bị mắc bẫy, ông Thành lại quay sang chúng tôi, ngậm ngùi như muốn nói lên điều ước nào đó. “Mùa này là mùa chim di cư. Những người đi bẫy chúng có thể bắt được hàng chục con cò trắng, vạc, cò bợ, mỏ nhát, gà nước mỗi ngày. Rất khó để tính toán được số lượng chim hoang dã, di cư bị bắt hàng ngày trên những cánh đồng này”, ông Thành chùng giọng nói với chúng tôi mà như độc thoại.

Chúng tôi đem câu chuyện này tâm sự với ông Lê Quang Hiển, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hải Lăng. Nghe xong, trầm ngâm một lúc, ông Hiển cho biết, qua công tác nắm tình hình, đơn vị phát hiện tại một số xã vùng trũng như Hải Phong, Hải Định, Hải Dương, Hải Quế và thị trấn Diên Sanh có xuất hiện các loài chim hoang dã, di cư như cò, triếc, vạc, mỏ nhát… về tìm kiếm thức ăn và trú ngụ ở đây từ khoảng giữa tháng 9 đến nay.

Để tăng cường công tác bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư, Hạt Kiểm lâm huyện Hải Lăng đã tham mưu UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các ban, ngành và chủ rừng về tăng cường công tác bảo vệ chim hoang dã, di cư. Trong đó, công tác tổ chức họp dân để tuyên truyền pháp luật về bảo vệ chim, thú hoang dã đặc biệt được chú trọng. Bên cạnh, Kiểm lâm địa bàn được giao trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Công an xã, Quân sự xã, tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường bẫy bắt chim hoang dã, di cư, qua đó xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật.

Vẫn theo lời ông Hiển, từ đầu tháng 11/2023 đến nay, các lực lượng đã phát hiện, tháo dỡ, tịch thu và tiêu hủy trên 50 con cò giả, hơn 500m lưới “tàng hình”, 350 que bẫy được bôi keo siêu dính và nhiều máy phát âm thanh. “Thời gian tới, Hạt Kiểm lâm huyện Hải Lăng tiếp tục triển khai thực hiện công văn nói trên của UBND huyện, đề nghị UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ chim hoang dã, di cư. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo kiểm lâm phụ trách địa bàn chủ động nắm tình hình, tham mưu UBND các xã, thị trấn huy động lực lượng Công an, Quân sự kiểm tra, tháo dỡ các khu vực có bẫy bắt chim trời”, ông Hiển nhấn mạnh.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, UBND tỉnh đã có văn bản về đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, gửi nhiều nơi với nội dung: “Các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương các cấp yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động và người dân không tham gia săn bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo các loài chim hoang dã, di cư trái pháp luật.

Các cơ quan thực thi pháp luật như Công an, Kiểm lâm, Hải quan, Quản lý thị trường tăng cường công tác phối hợp liên ngành thanh tra, kiểm tra thường xuyên các nhà hàng, cơ sở kinh doanh, chợ chim hoang dã, các khu vực trọng điểm, đầu nậu về săn bắt, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư; xử lý nghiêm các hành vi săn bắn, bẫy bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư”.

Thanh Bình

Hà Nội dự kiến triển khai thực hiện sắp xếp, tinh gọn đầu mối tổ chức bên trong của các sở và tương đương giảm tối thiểu 15%-20% đầu mối, không bao gồm các tổ chức thuộc diện hợp nhất, sáp nhập do trùng lắp chức năng, nhiệm vụ khi thực hiện phương án sáp nhập các sở.

Báo cáo số 3003/KQLĐBIII-QL,TCGTĐB ngày 16/12 của Khu Quản lý đường bộ III gửi Cục Đường bộ Việt Nam về khắc phục thiên tai gây hư hỏng trên các tuyến quốc lộ ở địa bàn miền Trung – Tây Nguyên, có đề cập thông tin chi tiết về sự cố sạt lở ở đèo Khánh Lê gây ách tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 27C như Báo CAND đã thông tin.

Ngày 16/12, Phòng Cảnh sát hình sự, Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh Gia Lai) phối hợp với Viện KSND tỉnh và Công an huyện Kông Chro, Ia Pa tiến hành thực nghiệm hiện trường để điều tra Đinh Văn Ten (SN 1996), Đinh Toc (SN 2003, cùng trú ở làng Tkắt, xã Đăk Kơ Ning, huyện Kông Chro) về hành vi giết người.

Chiều 16/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) cho biết, vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Đoàn Đức Vinh (SN 1996, cư trú: xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) để điều tra về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文