Chuyển biến từ phong trào "2 giữ về ANTT" ở Quảng Nam
Thời gian qua, cùng với công tác đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, lực lượng Công an tỉnh Quảng Nam đã đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ); góp phần đảm bảo an ninh chính trị, TTATXH, tạo môi trường an toàn, thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội địa phương...
Thượng tá Nguyễn Văn Vinh, Phó trưởng Công an huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) cho biết, trong năm 2021, phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ đã được triển khai thực hiện gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xóa đói giảm nghèo…
Xác định công tác tuyên truyền, vận động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc đảm bảo ANTT ngay từ cơ sở, Công an huyện Hiệp Đức đã tổ chức, phối hợp các ban ngành, đoàn thể liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, biện pháp phù hợp.
Trong đó, chú trọng làm tốt công tác vận động đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, các chức sắc, chức việc trong tôn giáo để phối hợp; vận động người dân tộc thiểu số, tín đồ trong các tôn giáo tích cực tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.
Về nội dung tuyên truyền, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ ANTT; âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, các phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm, nhất là tội phạm trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tham gia phát hiện, tố giác, đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng ngừa tai, tệ nạn xã hội, phòng chống cháy nổ, đảm bảo TTATGT.
Theo Công an tỉnh Quảng Nam, trong năm 2021, đã tổ chức 1.246 đợt tuyên truyền, phát động phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, phong trào "2 giữ về ANTT" với hàng trăm nghìn lượt người tham dự.
Qua đó, nhân dân đã cung cấp hàng nghìn thông tin có giá trị, giúp lực lượng Công an khởi tố, điều tra, khám phá 496 vụ phạm pháp hình sự; đấu tranh, triệt phá 27 băng, nhóm với 158 đối tượng, đáng chú ý đã triệt xóa 2 băng nhóm tội phạm nguy hiểm hoạt động bảo kê đấu thầu, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc và 6 băng, nhóm hoạt động liên quan đến "tín dụng đen"; vận động đầu thú 35 đối tượng; vận động nhân dân giao nộp 255 súng các loại, 30 quả pháo nổ, 112 viên đạn và 131 công cụ hỗ trợ.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác tuyên truyền, vận động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ được triển khai phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, đặc điểm vùng miền, tâm lý của nhân dân và công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; khai thác triệt để ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, tiện ích của mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng trong tuyên truyền, qua đó đã vận động đông đảo nhân dân tham gia phong trào, góp phần bảo đảm tuyệt đối an toàn Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, các ngày lễ, Tết; bảo đảm ANTT 26 sự kiện an ninh chính trị, 27 lượt đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Quảng Nam.
Trong năm 2021, Công an tỉnh Quảng Nam đã ban hành hướng dẫn về khen thưởng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và tặng Kỷ niệm chương "Vì an ninh Tổ quốc" trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã khen thưởng và đề nghị các cấp khen thưởng cho 224 trường hợp; khen thưởng chuyên đề 47 trường hợp; khen thưởng đột xuất cho 62 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; đề nghị Bộ Công an xét tặng "Kỷ niệm chương vì ANTQ" năm 2021 cho 70 trường hợp.
Lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Nam cho biết: Trong năm 2022, phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ tại tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung đa dạng hóa các hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động nhân dân, kết hợp giữa phát động rộng rãi với vận động tập trung, cá biệt, giữa phương pháp truyền thống với sử dụng công nghệ; đẩy mạnh hoạt động các trang web, cổng thông tin điện tử, blog, mạng xã hội để định hướng dư luận, đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc, giả.
Vận động nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực tham gia tố giác tội phạm, chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; tổ chức sơ kết, nhân rộng những mô hình phát huy hiệu quả; tập trung củng cố, xây dựng mô hình "Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ về ANTT" ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT.